1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giá thuốc: Chưa được phép vẫn cứ tăng!

Thời điểm trước Tết Nguyên đán, các công ty dược trong và ngoài nước đã rậm rịch chuyện tăng giá. Trong khi cơ quan quản lý đang xem xét văn bản đề nghị điều chỉnh giá thuốc tây, thì giá các mặt hàng này trên thị trường đã "leo thang" một cách tự nhiên.

Giá tăng chóng mặt!

 

Một hiệu thuốc trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết, nhiều mặt hàng thuốc nội và ngoại đã tăng giá từ 5 -10% từ hơn một tuần nay. Chủ yếu là hàng của Hãng United Pharma và một số dược phẩm Pháp: Enervon C lọ 100 viên giá 108.000 đồng/lọ (tăng 7.000đ/lọ); Decolgen 12.800 đồng/vỉ (tăng  1.200đ/vỉ), Alaxan 77.000 đồng/vỉ (tăng 5.000đ/vỉ). Các thuốc Obimin, Nutroplex, Covesyl, Diamicron... đều tăng giá 10%.

 

Cũng theo cửa hàng dược phẩm phố Quán Sứ: Thuốc nội cũng tăng giá, như Becberin từ 900 đồng/lọ lên 1.300 đồng/lọ, Cloroxit từ 1.800 đồng lên 2.100 đồng/lọ... Nhìn chung, các loại thuốc tăng mức trung bình 10  - 15%, ít nhất 5 - 7%.

 

Theo dược sĩ Lê Văn Truyền:  "Khi giá dược phẩm biến động, thì đáng lo nhất là thuốc ngoại. Nhiều thuốc trên thị trường VN đang trong thời bảo hộ sở hữu trí tuệ, mới được sản xuất trong vòng 20 năm. Do đó, giá thuốc khá cao. Khi  tăng 5 - 10% thì giá thuốc đội lên không ít. Đối với những biệt dược 500.000 - 1 triệu đồng/ống, hoặc lọ thuốc tim tăng giá 10% tức là tăng thêm 100.000 đồng thì nghĩa là nó đã chiếm gần 1/3 của lương tối thiểu".

 

Dược sĩ Phạm Văn Quân - PGĐ Cty dược phẩm Trung ương I - cho rằng: "Việc mua bán lòng vòng vẫn là một trong những nguyên nhân làm giá bị đẩy lên. Bên cạnh đó, nhiều Cty lợi dụng thời điểm nghỉ Tết, khan hiếm hàng nên ém hàng và đợi thời cơ thuận lợi để tăng giá. Không những thế, có Cty cố tình tạo sự khan hiếm giả tạo bằng cách chậm nhập, hoặc nhập rất hạn chế, để thị trường tự điều chỉnh bằng cách tăng giá, rồi mới đưa bán sản phẩm với giá cao hơn, thậm chí đến 10 lần".

 

Khảo sát tại khu trung tâm kinh doanh sỉ dược phẩm tại đường Trần Hưng Đạo - quận 5 - TPHCM, được biết, giá thuốc tăng từ tháng 1/2006 đến nay. Chị Tuyết Anh - nhân viên một cửa hàng tại trung tâm này - cho biết: Từ đầu năm, một số công ty dược phẩm trong nước đã thông báo miệng trước. Và cho đến ngày 9/1 vừa qua thì  23 mặt hàng của Dược phẩm OPC đã chính thức áp dụng theo giá mới.

 

Giá tăng không chỉ những loại thuốc đặc trị, mà đối với cả loại thuốc phổ thông, nhưng thuộc loại hàng "bán chạy" như dầu nóng của OPC cũng tăng 2.000 đồng/chai; thuốc an thần tăng 20%, từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng...

 

Cùng với sự tăng giá của các công ty trong nước, những mặt hàng của các đơn vị nước ngoài được sản xuất tại Việt Nam cũng tăng giá. Cụ thể, Decolgen tăng từ 291.000 đồng lên đến 305.000 đồng, Alaxan tăng từ 70.000 đồng lên 77.000 đồng/hộp...

 

Một nhân viên nhà thuốc  tại BV Nguyễn Trãi cho biết: Những loại thuốc thông dụng thì nhà thuốc cũng lấy nguồn từ các công ty mời chào theo từng lô hàng, nên  khi giá của nhà sản xuất tăng thì đương nhiên giá bán lẻ cũng tăng. Chỉ có điều trong giai đoạn này, một số hãng dược phẩm tuy có tăng giá, nhưng lại áp dụng chế độ khuyến mãi hoặc do hàng đã được lấy từ thời điểm trước khi tăng giá, thì cũng có thể bán theo giá cũ. Song, khi nào chấm dứt đợt khuyến mãi hoặc đã bán hết lô hàng giá cũ thì bắt buộc nhà thuốc phải lên theo thị trường chung.

 

Ngoài bệnh nhân, một đối tượng khác cũng phải chịu áp lực khi giá thuốc tăng -  đó là bác sĩ.  BS Nguyễn Thành Như - BV Bình Dân - than thở: "Mỗi lần thuốc tăng giá, BS chúng tôi chịu rất nhiều áp lực, nhất là đối với những trường hợp bệnh nhân bị bệnh mạn tính, bởi trong thực tế, để thực hiện đúng chức năng thì BS chỉ có trách nhiệm khám bệnh, kê toa... Người bệnh sẽ tự đi mua thuốc. Khi giá thuốc tăng, nhiều người lại cứ nghĩ bác sĩ có "ăn chia" gì với nhà thuốc, hoặc các hãng dược phẩm nên đã đưa ra những loại thuốc mới đắt tiền".

 

Cục Quản lý dược: Đành chấp nhận tăng

 

Trả lời câu hỏi về việc các Cty dược đã tự ý tăng giá khi chưa được chấp thuận, có bị xử lý không? Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường nói: "Không thể bắt giá thuốc cố định. Nếu giải quyết những hiện tượng tăng giá như báo chí nêu, thì giải quyết cả thế kỷ không hết!".

 

Ông Cường cũng thừa nhận: "Trong cơ chế thị trường, các biện pháp can thiệp mang tính chất hành chính không phải bao giờ cũng có hiệu quả tốt. Đối với lĩnh vực tân dược, rất cần có các biện pháp mang tính chất thị trường. Mà cụ thể là việc phải công khai hơn nữa thông tin".

 

Là người trong cuộc, dược sĩ Hoàng Hữu Đoàn - Giám đốc Xí nghiệp dược phẩm T.Ư I - thẳng thắn phát biểu quan điểm: "Để hạn chế tối đa tình trạng tăng giá thuốc, Bộ Y tế thường có công văn chỉ đạo các công ty dược phẩm không được tăng giá thuốc, doanh nghiệp  nào muốn tăng phải xin phép. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ hạn chế việc biến động thị trường trong một thời gian nhất định".

 

Trong khi giá thuốc vẫn "vô tư" leo thang,  đứng ở góc độ quản lý  - DS Nguyễn Xuân Cẩm - Phó GĐ Sở Y tế TPHCM, người có trách nhiệm trực tiếp theo dõi lĩnh vực dược của ngành y tế trên địa bàn TPHCM - cũng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân cũng như hướng giải quyết cụ thể. Liệu có xử lý những trường hợp tự ý tăng giá trước khi Cục Quản lý dược cho phép... của một số đơn vị?

 

Có thể nói, thực trạng này phần nào lý giải được nguyên nhân là vì sao rất nhiều vụ việc xảy ra, gây hậu quả, sau đó các nhà quản lý của ta mới theo sau để  xử lý, theo kiểu "lấy có", để rồi mọi việc lại tiếp tục đâu vào đấy và chuyện thuốc lên giá đã trở thành bài "trường ca" đến hẹn lại tăng, diễn ra những năm qua...

 

Theo Nguyễn Hằng - Linh Lan
Lao Động