Giá than thả nổi, nhiều “hộ” kêu trời
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng giá bán than với các hộ tiêu thụ lớn như: Tổng công ty giấy, Tổng công ty hóa chất, Tổng công ty xi măng Việt Nam...
Điều bất ngờ là việc tăng giá bán thế nào sẽ do Tổng công ty than quyết định theo quan hệ cung-cầu của thị trường, chi phí thực tế chứ không buộc phải theo lộ trình và mức giá mà liên bộ Tài chính - Công nghiệp đã đề xuất lên Chính phủ trước đó.
Trước đó, việc hiệp thương về giá giữa TKV với các "đại gia" khác như giấy, hóa chất, điện, xi măng... đã không đạt được sự thống nhất. Nhưng sau khi nhận được thông tin về việc Chính phủ cho phép thả nổi giá than, trừ giá than cung cấp cho sản xuất điện (TKV phải phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tăng giá theo một mức độ nhất định trên cơ sở giá bán của ngành điện hiện nay), thái độ của các hộ tiêu thụ là miễn cưỡng chấp nhận thực tế này.
Một số tổng công ty (TCT) đã tuyên bố sẽ tăng giá bán trong năm 2007 nhưng cũng có TCT cho rằng phải chấp nhận giảm lãi, hòa vốn vì cũng không thể tăng giá theo vào thời điểm này.
Theo tính toán của TKV, nếu không tăng giá bán than, TKV có khả năng lỗ khoảng 1.000 tỉ đồng vào năm 2007 do giá bán than cho các hộ sản xuất lớn thấp hơn giá thành. Cho đến thời điểm hiện nay, giá bán than nội địa chỉ bằng 60% giá than cùng loại của Trung Quốc và chỉ bằng khoảng 40% giá than của thế giới. TKV đã liên tục phải bù lỗ từ hoạt động xuất khẩu cho việc kinh doanh trong nước. Năm 2004, bù lỗ 450 tỉ đồng, năm 2005 là 750 tỉ đồng và năm nay dự kiến tới khoảng 1.000 tỉ đồng. |
Ông Nguyễn Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch-Thị trường TCT thép cho biết: "Tôi cũng mới biết là có quyết định thả nổi giá than sáng nay (5/1). Với các hộ tiêu thụ lớn của ngành than, cho dù là thả nổi, nhưng giữa họ vẫn có thỏa thuận nhất định. Nhưng với ngành thép, chắc chắn là giá bán than sẽ tăng mạnh vì như thông báo là giá than sẽ bán theo cung, cầu thị trường. Chúng tôi đang có dự án sử dụng than cám phun vào các lò cao để thay thế than cốc. Việc tăng giá than sẽ làm tăng thêm nhiều chi phí...".
Ông Lê Đức Hoằng, Phó trưởng phòng Kinh tế-Kế hoạch, TCT giấy Việt Nam nói: "Giá than tăng nhưng giá giấy có khi không tăng được mà lại phải giảm vì hội nhập, giảm thuế nhập khẩu rất mạnh, tăng giá bán thì không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại".
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Tráng, Phó tổng giám đốc TKV tỏ ý vui mừng trước việc ngành than được phép tăng giá theo cung, cầu: "Việc Chính phủ cho phép tăng giá bán than, không sử dụng các biện pháp hành chính để kìm chế giá bán than như trước đây thực sự là cởi trói cho doanh nghiệp và để giá bán than phản ánh đúng chi phí thị trường". Ông Tráng cho biết, từ nhiều năm nay, giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước chỉ bằng 50% giá than xuất khẩu của TKV.
Trong công văn của Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về giá than, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Than và Khoáng sản cùng với 4 hộ tiêu thụ lớn chủ động áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chú trọng giảm chi phí sản xuất. Từ đó hạ giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất mà vẫn đảm bảo sức cạnh tranh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thương mại và các bộ, ngành liên quan theo dõi sát tác động của việc thực hiện giá mới đối với sản xuất, chủ động thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Chính phủ giải pháp cần thiết bảo đảm bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất và nhất thiết "không để xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống". |
Theo Mạnh Quân
Báo Thanh niên