1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Giá sữa ngoại bán lẻ cao gấp 2 lần giá vốn

(Dân trí) - Do phải gánh quá nhiều chi phí: lương, quản lý, quảng cáo, tiếp thị… vượt mức khống chế (10% chi phí hợp lý) nên nhiều loại sữa nhập ngoại có mặt trên thị trường hiện nay cao gấp đôi giá vốn. Một số công ty còn phó mặc giá bán cho nhà phân phối.

Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thanh tra giá sữa tại 3 công ty Nestlé Việt Nam, Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Phân phối Tiên Tiến.
 
Giá sữa ngoại bán lẻ cao gấp 2 lần giá vốn - 1

Người tiêu dùng đang "gánh" quá nhiều chi phí bán hàng. (Ảnh: Lê Phương)

Không giảm giá cả trong thời điểm có thể

Tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, mặt hàng sữa chủ yếu được nhập khẩu từ các nước ASEAN và Hà Lan. Thuế suất thuế nhập khẩu phổ biến 5% đối với khối ASEAN, 7% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Hà Lan. Kết quả thanh tra cho thấy, khoản chi phí về thuế nhập khẩu chỉ chiếm từ trên 1% đến dưới 4% so với giá bán lẻ công bố và người tiêu dùng (NTD) thường phải trả từ 400 đến 1.500 đồng/100g sữa nhập khẩu tùy loại.

Ví dụ, giá nhập khẩu loại Lactogen 3-900g chỉ 66.950 đồnghộp, nhưng bán ra đến 131.800 đồng/hộp; NestleGau 1-900g nhập khẩu 72.361đồng, bán ra 220.000 đồng/hộp.

Kết quả thanh tra còn cho thấy, trong thời gian từ 31/8 - 14/9/2009, tại công ty này, giá mua vào không tăng mà có xu hướng giảm, nhất là 6 tháng đầu năm 2009 nhưng giá bán ra không giảm mà giữ nguyên giá bán như năm 2008. Cụ thể: sữa NAN 1 NW giảm từ 42.96 EUR/thùng xuống còn 39.2 EUR/thùng; NAN 2 Inf giảm từ 66.09 CHF xuống còn 61.55 CHF/thùng; NAN 2 Inf MP giảm từ 80.72 CHF/thùng xuống 62.52 CHF/thùng…

Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, nhập khẩu các sản phẩm sữa vào Việt Nam, gồm 6 nhóm hàng được phân chia thành 31 mặt hàng chi tiết, trong đó có 2 nhóm hàng dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Công ty nhập các sản phẩm sữa từ Thái Lan, Hà Lan; trong đó Thái Lan 98,4% và Hà Lan 1,6% trên tổng số hàng nhập.

Công ty không trực tiếp bán lẻ, không chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm của mình đến NTD mà do nhà phân phối độc lập thực hiện. Cách tính giá bán đến nhà phân phối được công ty xác định là: lấy giá vốn cộng thêm từ 40 - 50% lãi gộp, cùng với tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà phân phối để xác định giá bán cho từng mặt hàng. Công ty chỉ thông báo cho nhà phân phối, không khuyến cáo, công bố giá bán này trên thị trường và cho NTD biết.

Từ tháng 7/2008 đến nay, công ty có 2 lần thông báo giá, mức giá thay đổi giữa 2 lần không đáng kể. Công ty bán cho nhà phân phối theo như bảng giá, riêng thời kỳ từ 1/2 - 15/3/2009, công ty có chiết khấu cho nhà phân phối 25% giá bán đối với một số mặt hàng nhưng giá bán các sản phẩm trên thị trường cũng không được giảm. Mức chênh lệch giữa giá bán và giá nhập khẩu C&F từ 101% đến 211%, giá bán so với giá nhập khẩu kho từ 96% đến 197%. Ví dụ, Enfagrow 1,8 kg nhập khẩu 198.559 đồng/hộp, bán ra hơn 402.000 đồng/hộp; Enfagrow 900g nhập khẩu hơn 108.000 đồng, bán ra hơn 220.000 đồng/hộp…

Tại Công ty TNHH Phân phối Tân Tiến, nhà phân phối duy nhất các sản phẩm sữa do Mead Johnson Nutrition Việt Nam nhập khẩu, có những thời điểm, hàng nhập khẩu được đối tác chiết khấu giảm 25% trên thực tế giá mua đối với một số mặt hàng, nhưng công ty này cũng không giảm giá. Số tiền chiết khẩu giảm giá được công ty hạch toán giảm giá vốn.

NTD gánh quá nhiều chi phí bán hàng

Kết quả thanh tra cho thấy, NTD Việt Nam ưa thích hàng nhập khẩu hiện phải gánh quá nhiều chi phí: lương, quản lý, quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng… trong mỗi hộp sữa. Cụ thể, tại Nestlé Việt Nam, chi phí tiếp thị quảng cáo chiếm khoảng 30% chi phí kinh doanh. Năm 2008, mức chi phí này lên tới 20,565 tỷ đồng (chiếm 38% chi phí kinh doanh); 6 tháng đầu năm 2009, khoản chi này là 14,043 tỷ đồng, chiếm 27% tổng chi phí kinh doanh.

Năm 2008, chi phí bán hàng tại Mead Johnson Nutrition Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn, lên tới 77,53%, 6 tháng năm 2009 là 66,45% trên tổng chi phí. Trong đó, chi phí quảng cáo năm 2008 là 53,46%, 6 tháng năm 2009 là 36,22%. Kết quả thanh tra chỉ ra: Giá nhập khẩu sữa ổn định, chính sách thuế nhập khẩu, GTGT mặt hàng sữa của Việt Nam ổn định, còn chi phí bán hàng, quảng cáo của công ty luôn ở mức cao. Nhóm chi phí thuộc mức khống chế 10% theo quy định vượt lớn (năm 2008 vượt 19 lần, năm 2009 vượt 10 lần so với số khống chế).

Tại Công ty Tiên Tiến, chi phí bán hàng trên tổng chi phí 6 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm 2008 tăng từ 62,65% lên 85,08%; chi phí tiếp thị, quảng cáo tăng từ 21,21% lên 42,75%. Việc giá vốn có xu hướng giảm song giá bán trên thị trường vẫn không giảm, xuất phát từ nguyên nhân tăng chi phí tiếp thị, quảng cáo và chi phí nhân công…

Do đó, từ thực tế thanh tra 3 đơn vị trên, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị: “Nếu tiết giảm được các chi phí nhất là quảng cáo, tiếp thị, đồng thời cùng nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến tay người tiêu dùng thì cơ bản các doanh nghiệp có thể giảm giá bán các sản phẩm sữa nhập khẩu”.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm