Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng lại tăng

(Dân trí) - Theo số liệu do Tổng Cục thống kế công bố ngày 23/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,49% so với tháng trước, với giá nhiều loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng nhẹ trở lại.

Đứng đầu về mức tăng giá trong 10 nhóm mặt hàng được đưa ra để tính CPI, nhóm phương tiện đi lại và bưu điện tăng cao nhất với mức tăng 1,05% so với tháng 3. Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu rơi vào nhóm phương tiện đi lại vì các dịch vụ bưu chính viễn thông không tăng mà lại giảm nhẹ đi 0,02% so với tháng trước.

Những dấu hiệu bất ổn của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây đã khiến cho nhiều nhà đầu tư chuyển một phần lãi sang đầu tư các phương tiện ít rủi ro hơn như vàng, bên cạnh đó, thị trường bất động sản khởi sắc trở lại đã kéo theo nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh với mức tăng 0,96% so với tháng 3. Theo đó, nhóm mặt này đứng thứ hai trên thị trường về mức độ tăng giá trong tháng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng đã tăng trở lại, tăng 0,44% so với tháng 3. Tuy nhiên, cũng giống như nhóm phương tiện đi lại và bưu điện, các mặt hàng trong nhóm này lại “giằng co” giữa hai xu hướng: thực phẩm tăng 0,6%, trong khi lương thực giảm 0,09%.

Ngược lại với xu hướng tăng giá, nhóm mặt hàng như: văn hoá thể thao, giải trí; đồ uống, thuốc lá lại giảm, với mức giảm tương ứng là 0,03% và 0,18%. Mức giảm tuy không nhiều nhưng nhóm mặt hàng này cũng đã làm tốt phân việc của mình là “kìm” cho chỉ số giá tiêu dùng không tăng quá cao, mà chỉ ở mức tăng nhẹ 0,49%.

Cùng với xu hướng chung, giá vàng tiếp tục tăng giá thêm 1,1%, sau khi đã tăng giá tới 2,59% hồi tháng 3. Trái với sự ảm đạm và liên tiếp mất giá của đồng USD so với các loại tiền tệ khác trên thị trường thế giới (USD đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm so đối với EURO và trong vòng 15 năm so với bảng Anh), giá USD trong nước đã tăng nhẹ 0,12 % so với tháng 3.

Tính theo địa phương, Đăk Lăk có mức tăng cao nhất trên cả nước, với mức tăng 0,81%, sau khi đã tăng tới 0,8% ở tháng 3. Nếu như tháng trước, TPHCM và Hà Nội có tốc độ giảm giá nhanh nhất cả nước thì ở tháng 4 này, giá cả hàng hóa ở hai địa phương này đã tăng trở lại với mức tăng lần lượt là: 0,69% và 0,34%.

Như vậy, với các mức tăng 0,49% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã đưa tổng mức tăng giá kể từ đầu năm 2007 tới nay đạt mức gần 3,52%.

Nguyễn Hiền