Gia Lai sai phạm như thế nào trong quản lý rừng và đất?
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ cho biết trong 4 năm tỉnh Gia Lai giảm hơn 12.000ha rừng. Đồng thời, Gia Lai còn để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc quản lý nhà đất công, giao đất thông qua đấu giá.
4 năm, Gia Lai giảm hơn 12.000ha rừng
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh này.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến lấn chiếm, phá rừng…
Theo kết luận thanh tra, diện tích rừng tự nhiên ở tỉnh Gia Lai năm 2017 giảm hơn 12.000ha so với kiểm kê rừng năm 2014. Trong công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2017 của tỉnh Gia Lai có nhiều sai sót, thiếu chính xác, lỏng lẻo trong quản lý; việc đưa ra, đưa vào quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích hơn 139.000ha còn thiếu căn cứ.
UBND tỉnh Gia Lai cũng chưa ban hành quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chưa lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, chưa công bố quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, không ban hành khung giá rừng từ năm 2020 trở về trước là không đúng với Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004.
Tình trạng khai thác, phá rừng trái pháp luật ở Gia Lai diễn biến phức tạp với diện tích rừng bị phá gần 10.000ha; còn 71/165 vụ việc tạm đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính cần phải được giám sát công tác điều tra, truy tố để tránh bỏ lọt tội phạm.
Thời gian gần đây, nhiều kiểm lâm nghỉ việc, bỏ ngành cũng gây áp lực lên công tác bảo vệ và phát triển rừng. Diện tích rừng lớn với hơn 600.000ha nhưng lực lượng mỏng, chế độ cho lực lượng giữ rừng còn thấp đang là vấn đề khó khăn, bất cập ở Gia Lai.
Hàng loạt sai phạm đất đai ở Gia Lai
Theo Thanh tra Chính phủ, trong quản lý sử dụng quỹ đất công ích bàn giao về địa phương còn để xảy ra vi phạm ở một số đơn vị như: thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa cho thuê đất công ích không thông qua đấu giá. Quỹ đất được thu hồi bàn giao về các huyện Chư Prông, Chư Sê, Kbang, Ia Grai còn quản lý theo hiện trạng, chưa thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất.
Ngoài ra, huyện Đăk Đoa giao đất tái định cư nhưng không ban hành quyết định giao đất, không thẩm định nhu cầu sử dụng đất; ban hành quyết định thu hồi đất và các quyết định cho thuê đất có nội dung khác nhau về mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định (đất sản xuất kinh doanh với thời hạn lâu dài).
Cơ quan chức năng còn phát hiện các đơn vị gồm: phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku), thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê, huyện Đăk Đoa, huyện Đức Cơ, huyện Kbang giao đất cho 121 hộ gia đình không thông qua đấu giá. Thành phố Pleiku, huyện Đăk Đoa, thị xã Ayun Pa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện 2.122 trường hợp trên địa bàn tỉnh Gia Lai không đủ điều kiện tách thửa sau khi chuyển mục đích nhưng được UBND huyện, thị xã và thành phố Pleiku vẫn cho phép chuyển mục đích từ đất phi nông nghiệp sang đất ở đô thị trái quy định.
24 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất vi phạm trình tự, thủ tục; còn tình trạng chậm nộp tiền trúng đấu giá theo phương án phê duyệt nhưng cơ quan chức năng không hủy kết quả trúng đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc.
Một số cá nhân thường xuyên trúng đấu giá và bán lại cho người có nhu cầu, kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá. Liên quan đến tình trạng này, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai không kịp thời tham mưu xử lý, có nguy cơ làm giảm thu thuế, lệ phí phải nộp.
Trước sai phạm này, đoàn thanh tra không kiến nghị hủy kết quả đấu giá nhưng cần phải xem xét, thu hồi số tiền đặt cọc và kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã làm sai quy định.
Trong quản lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công, UBND tỉnh Gia Lai còn để xảy ra một số vi phạm, tồn tại, chậm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Cụ thể, tỉnh Gia Lai đã tham mưu điều chuyển tài sản công khu ký túc xá Trường Trung cấp Y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh không đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Ngoài ra, Văn phòng Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh sử dụng nhà đất công liên doanh, liên kết không đúng quy định, sử dụng đất sai mục đích vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm...
Gia Lai còn để xảy ra tình trạng vi phạm như giao đất trái thẩm quyền diễn ra trong thời gian dài; không có văn bản, quyết định giao quản lý hoặc giao đất sai đối tượng quản lý; không ban hành quyết định cho thuê đất, không ký hợp đồng thuê đất để làm căn cứ tính thu tiền thuê đất, đã làm lãng phí nguồn tài nguyên đất đai…