Gia đình “thần đồng bỏ học” có thật sự khó khăn?
Được tin “thần đồng” Lâm Chí Hiếu ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/1/160482.vip">bỏ học</a>, Phòng và Sở GD-ĐT tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác đến động viên gia đình, cam kết miễn toàn bộ học phí cho em Hiếu. Nhưng có dịp đến thăm “thần đồng”, chúng tôi phát hiện ra một sự thật…
“Thần đồng”... có bản quyền
Anh Từ Văn Hiền, phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, phân trần: Thực sự chính quyền địa phương không hay biết việc em Lâm Chí Hiếu bỏ học.
Khi hay tin, anh đã năm lần bảy lượt sang vận động gia đình khắc phục khó khăn để cháu tiếp tục học. “Thế nhưng, đến mức bao cấp tất cả, gia đình anh Nhi vẫn trả lời... để suy nghĩ lại”. Chị Lê Thị Hạnh, mẹ cháu Hiếu thì bảo thẳng: “Mấy ông nuôi nó thì mấy ông xài chớ tui có xài đâu”.
Khi ra về, chưa kịp quay lưng thì cháu Hiếu đã hỏi mẹ: “Người ta có cho tiền chưa vậy?”. Những lần trước đây, các phóng viên và những người muốn khai thác thông tin về cháu đã phải bỏ tiền ra “mua bản quyền”.
Ngày 10/1 vừa qua, đoàn công tác của Sở GD-ĐT cùng chính quyền và trường mẫu giáo một lần nữa đến vận động để cháu Hiếu được đi học. Nếu không đủ thời gian và khả năng đưa đón cháu thì cạnh nhà, Trường tiểu học 2 thị trấn Sông Đốc có hai lớp lá với quy mô gần 70 cháu, gia đình gửi cháu Hiếu vào đấy cũng được.
Năm học 2007-2008, ngành giáo dục đã thống nhất đặc cách cho cháu Hiếu vào học lớp 1 trước tuổi. Thế nhưng gia đình vẫn than phiền rằng tiền xe ôm đưa cháu rất tốn kém và tiền sữa cháu đòi uống mỗi khi đến trường cần được hỗ trợ thêm. Chị Hạnh bảo: “Mỗi ngày gia đình chỉ làm được hơn 40.000 đồng, không thể cho cháu đi học được”.
Gia đình quá khó khăn?
Gia đình anh Lâm Thanh Nhi chuyên thu mua cá để làm phân. Ở thị trấn ven biển này, có một cơ sở làm ăn là đã có thu nhập khá và ổn định. Gia đình anh Nhi không phải là hộ nghèo.
Nhà tuy đơn sơ, làm bằng gỗ lợp tôn nhưng lát gạch men sạch sẽ, được liệt vào hàng gia đình khá giả vì có đầy đủ tiện nghi: tivi, tủ lạnh, dàn karaoke…, đặc biệt anh còn sử dụng điện thoại đắt tiền. Hôm chúng tôi đến, vẫn còn một thanh niên ở sau nhà anh chăm sóc gà đá và xung quanh nhà đang nuôi rất nhiều gà úp bội.
Trước thực tế gia cảnh nhà anh, nhiều người trong đoàn công tác tỏ thái độ băn khoăn: Tại sao anh chị bắt con nghỉ học và “yêu sách” lòng vòng? Phải chăng đây chỉ là một kiểu hành xử của người lớn, hoặc vô tình, hoặc cố ý làm sai lệch nhận thức của trẻ.
Xin chưa nói đến vấn đề “thần đồng”, có hay không xin để các nhà khoa học xác định - nhưng cháu Hiếu có một khả năng nổi trội hơn những trẻ cùng trang lứa. Khả năng ấy có thể là tiền đề mà cũng có thể là “họa” cho cháu với cách hành xử này của cha mẹ.
Những người có liên quan đang rất phân vân khi có quá nhiều người quan tâm và muốn ủng hộ vật chất cho bé. Làm sao số tiền ấy được đầu tư một cách hiệu quả vào việc phát triển một năng khiếu thiên bẩm khi cháu đang có khả năng bị biến thành một “công cụ” thương mại của người lớn?
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Phước Thiện - Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Cà Mau - cho biết: Thứ sáu tuần trước (ngày 12/1/2007), ông cùng đoàn cán bộ tỉnh đến động viên, hỗ trợ 500.000 đồng, gia đình anh Nhi hứa sẽ đưa cháu Lâm Chí Hiếu trở lại trường, tiếp tục học.
Trong ngày, có 1 Việt kiều ngỏ ý hỗ trợ tiền ăn học cháu Hiếu nhưng chiều cùng ngày đã rút lại thiện ý này với lý do riêng. Về phía Hội Khuyến học, cháu Hiếu sẽ chỉ được hưởng những chế độ đặc cách, như được cấp học bổng khi việc học của cháu có những dấu hiệu “thần đồng” như đã thông tin trước nay.
Ông Từ Văn Hiền, phó Chủ tịch Uỷ ban thị trấn Sông Đốc, khẳng định anh Lâm Thanh Nhi tuy vừa bị chấn thương sau tai nạn giao thông, kinh tế gia đình có sa sút nhưng không thuộc diện hộ nghèo. Đến trưa ngày 16/1, qua xác minh tất cả hai điểm trường mẫu giáo trong thị trấn, cháu Hiếu vẫn chưa đến học ở trường nào theo như anh Nhi đã hứa. |
Theo Anh Dương
Sài Gòn Giải Phóng