1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Định:

Gia đình dựng rạp, đau xót ngóng chờ thi thể của lao động tử nạn ở Đài Loan

(Dân trí) - Vay mượn tiền cho con đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan mong sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo. Sau hai năm đi làm gia đình bỗng nhận được tin sét đánh ngang tai khi nghe tin anh Công trong nỗ lực cứu người đuối nước đã vĩnh viễn ra đi.

Tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thoan (65 tuổi), mẹ của anh Trần Ngọc Công (SN 1986), lao động bị chết đuối trong nỗ lực cứu một cháu bé ở thành phố Đài Nam (Đài Loan), ở xóm 4, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định,  Một không khí tang thương đang bao trùm lên ngôi nhà, nơi sinh ra và lớn lên của anh Công.

Đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan với hoài bão, mong ước sớm có cơ hội để giúp đỡ gia đình thoát nghèo, nào ngờ ước mơ ấy chưa thành hiện thực, anh Công đã mãi ra đi nơi đất khách quê người trong nỗ lực cứu một cháu bé ở thành phố Đài Nam bị đuối nước.

Gia đình đã dựng rạp nhưng chưa phát tang vì đợi thi
thể anh Công được đưa về quê hương
Gia đình đã dựng rạp nhưng chưa phát tang vì đợi thi thể anh Công được đưa về quê hương

Sau khi nghe hung tin biết anh Công tử nạn, gia đình đã dựng rạp mong ngóng đón chờ thi thể anh Công. Vì chưa biết lúc nào thi thể anh Công sẽ được đưa về nên anh gia đình anh Công cũng chưa phát tang.

Trước đó, vào ngày 13/9, anh Trần Ngọc Công, lao động người Việt Nam ở thành phố Đài Nam (Đài Loan) đi ra sông câu cá thì phát hiện một cháu bé đang chới với giữa dòng nước hung dữ. Thấy cháu bé gặp nguy hiểm, anh Công đã lao mình xuống sông để cứu cháu bé. Khi đưa được cháu bé lên bờ, cũng là lúc anh Công bị đuối sức nên bị dòng nước cuốn trôi. Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, thi thể anh Công mới được tìm thấy.

Sau khi thi thể anh Công được tìm thấy, cơ quan chức năng đã đưa thi thể vào nhà xác ở thành phố Đài Nam. Nhưng do anh Công đã bỏ ra ngoài làm nên trở thành lao động bất hợp pháp, vì vậy mà đến nay thi thể anh Công vẫn chưa thể đưa về Việt Nam được.

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhận được thật đau đớn, một không khí tang thương đang bao trùm lên ngôi nhà. Không ai có thể cầm được nước mắt khi biết tin anh Công mất, chàng thanh niên đi xuất khẩu lao động với bao hoài bão, ước mơ, mong sớm được thoát nghèo về quê chăm sóc mẹ già. Nhưng sau 2 năm ra đi, chưa được gặp mẹ, người thân, được nhìn quê hương… giờ đây chàng trai ấy đã vĩnh biệt cuộc đời.

Cũng khó có ai cầm được nỗi lòng mình khi nghe kể về gia cảnh đáng thương của anh Công. Anh Công vốn là con út trong gia đình có 4 chị em, lúc lên 10 tuổi, vì bạo bệnh nên bố anh Công là ông Trần Ngọc Tý ra đi bỏ lại 5 mẹ con tròn căn nhà trống vắng. Gia đình vốn đã nghèo khó, từ lúc bố mất, cuộc sống của 5 mẹ con càng trở nên cơ cực hơn. Học hết cấp hai, vì quá khó khăn, nên anh Công phải bỏ lại ước mơ học đường để ở nhà phụ giúp gia đình.

Năm 2009, nghĩ ở nhà làm nông sẽ không bao giờ thoát được khỏi cảnh đói nghèo, nên anh Công bàn với mẹ tìm đường đi xuất khẩu lao động. Thấy con quyết tâm, bà Thoan đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi lo tiền cho anh đi lao động ở Đài Loan. Nhưng sau 3 năm làm việc ở Đài Loan, do công việc không ổn định, lương thưởng thì thất thường, nên anh Công về quê gần như với hai bàn tay trắng.

Về nhà được vài tháng, đến tháng 2/2012, anh Công lại quyết định đi xuất khẩu lao động thêm lần nữa. Hai mẹ con bà Thoan lại vay mượn thêm tiền để anh Công tiếp tục đi Đài Loan lần 2 theo kênh xuất khẩu lao động của công ty Sông Hồng (Hà Nội).

Bà Nguyễn Thị Thoan bần thần trước sự ra đi quá đột
ngột của đứa con trai độc nhất
Bà Nguyễn Thị Thoan bần thần trước sự ra đi quá đột ngột của đứa con trai độc nhất

Nhưng khi sang đến nơi, làm việc được gần 1 năm thì anh Công gọi điện về báo với mẹ là đi làm nhưng không có việc, nên anh phải bỏ ra ngoài tìm việc làm. Thương con, không muốn con chịu vất vả cơ cực nơi đất khách quê người, nên bà Thoan đã nhiều lần khuyên anh Công về nước. Tuy nhiên, anh Công không chịu và nói sẽ cố gắng làm việc để khi về còn có cái để trang trải nợ nần, chứ về quê làm nông không biết bao giờ mới trả được nợ, nghĩ chi đến chuyện thoát nghèo.

Ông Phạm Văn Thái, hàng xóm gần nhà anh Công cho biết: “Các chị của Công đi lấy chồng xa, ở nhà còn mỗi bà Thoan. Thằng Công nó ngoan ngoãn lắm, ngày nó đi xuất khẩu lao động, nó còn đến từng nhà xung quanh chào mọi người và nhờ trông nom bà Thoan”.

Bà Thoan đã không còn một chút sức lực nào. Nước mắt trên đôi mắt của người mẹ tuôn rơi... như thầm trách dòng sông nghiệt ngã đã cướp đi đứa con trai độc nhất của bà. Còn nỗi đau nào hơn khi “kẻ đầu bạc phải tiễn người đầu xanh” (!)

Khuôn mặt thất thần đến ngây dại của bà Thoan, như nói  thay bất cứ lời lẽ nào về nỗi đau tột cùng mà bà đang phải gánh chịu. Từ khi nghe tin con mình gặp nạn, bà Thoan như không còn thiết sống. Không ăn uống, bà chỉ mong thi thể con mình được sớm đưa về quê hương.

“Tưởng rằng đưa con đi để giúp gia đình thoát nghèo, nào ngờ con lại ra đi mãi mãi nơi đất khách quê người, đến mặt con mẹ cũng chưa kịp nhìn, còn nỗi đau nào đau hơn.”. Bà Thoan khóc nấc nghẹn ngào trước sự ra đi đột ngột của đứa con trai độc nhất.

Để lo cho anh Công đi xuất khẩu lao động, bà Thoan phải chạy vạy vay mượn đến nay còn nợ gần 150 triệu đồng. Cuối năm 2013, anh Công có gửi về gia đình một ít tiền, để sau này anh Công về nhà có nhà cửa đàng hoàng cưới vợ, nên bà Thoan lại vay mượn thêm gần 200 triệu để sửa nhà. 

Chị Trần Thị Bình, chị gái ruột anh Công cho biết: "Sau khi nhận được tin hung tin về anh Công, gia đình rất mong sẽ được sang bên Đài Loan để đưa thi thể anh Công về. Tuy nhiên, do không có điều kiện để bay sang Đài Loan nên cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc."

Gia đình anh Công cũng đã ký giấy xác nhận, gửi qua một người quen đang ở Đài Loan để chứng thực và nhận thi thể anh Công là người nhà của gia đình. Hiện nay, gia đình anh Công đang đợi hoàn thiện thủ tục, sau đó thi thể anh Công sẽ được hỏa táng và gửi về Việt Nam.

Đức Văn