1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Gia cầm chưa kiểm dịch vẫn “tung tăng”

(Dân trí) - Dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại với 1 số trường hợp dương tính với H5N1 ở Thanh Hóa, Cà Mau… Thế nhưng, tại một thành phố năng động như TPHCM, người dân vẫn vận chuyển, bày bán la liệt các loại gia cầm chưa kiểm định.

Gà không rõ nguồn gốc cũng có… “cò”!
 
Trong những ngày qua, dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng và bùng phát nhưng nhiều điểm bán gia cầm như gà sống, thịt gà, vịt, ngan… vẫn vô tư bày bán.
 
Gia cầm chưa kiểm dịch vẫn “tung tăng” - 1
Mua bán gà tại cầu Tham Lương (ảnh: CQ).
 
Sáng ngày 6/2, chúng tôi đến khu vực cầu Tham Lương (đường Trường Chinh, giáp ranh giữa quận Gò Gấp với quận 12). Một “chợ gà” hoạt động khá sôi nổi ở 2 bên thành cầu khi có đến 10 tiểu thương xách gà chạy theo mời khách.
 
Những con gà bị nhốt trong lồng sắt, tre hoặc bị trói chân, buộc cánh nằm la liệt trên mặt đất, nhưng nhiều người vẫn không hề biết đến nguy cơ dịch bệnh hay kiểm định gì.
 
Tôi hỏi cô Hoa, nhà ở đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 thì cô cho biết: “Tranh thủ đi mua gà về cúng Rằm. Dịch cúm gì, thấy người ta mua ào ào thì mình cũng mua”.
 
Còn 2 ngày nữa là đến Rằm tháng Giêng, nhiều người dân đổ xô đi mua gà giò về cúng đầu năm. Điểm đến của họ thường là những điểm bán gà ven lề đường, thành cầu. Trong vòng 15 phút sáng 6/2, chúng tôi thấy có hàng chục người đi đường ghé vào ngã giá.
 
Một con gà mái làm thịt giá 70.000 đồng còn gà giò để cúng nếu xem thấy đẹp thì phải mua với giá 100.000 - 120.000 đồng. Khi phiên chợ gà đang họp thì lực lượng quản lý thị trường quận Gò Vấp tới khiến tiểu thương xách gà chạy toán loạn. Thế nhưng khi cơ quan chức năng đi rồi, phiên chợ gà lại tiếp tục.
 
Chúng tôi trở lại cầu Tham Lương vào buổi chiều cùng ngày thấy cảnh cầu đường thông thoáng nên cứ tưởng phiên chợ gà đã được dẹp yên. Khi còn đang “hoài cổ” một chút về những cảnh tượng vừa xảy ra khi sáng thì một thanh niên chạy xe máy trờ tới hỏi: “Anh mua gà hả? Gà cúng bảy chục một ký nhé!”. Tôi gật đầu.
 
Người thanh niên liền móc điện thoại gọi: “Chuẩn bị hàng, có khách” rồi đưa chúng tôi vào một hẻm trên đường Phan Huy Ích, Gò Vấp. Khi vào đến góc khuất của con hẻm thì một thanh niên khác xách trên tay 4 con gà (1 mái, 3 trống) chờ sẵn.
 
Tôi xem con gà rồi viện lý do “gà cúng mà chân chì thì xấu, không hên” và tỏ ý muốn vào tận chuồng chọn gà giò vàng thì 2 thanh niên cau mày, cự tuyệt bảo: “Nếu anh muốn mua thì đợi tôi vào lấy thêm vài con nữa cho anh chọn”.
 
“Gà nhà tôi nuôi lấy vi rút đâu ra mà dịch”
 
Chúng tôi bước vào chợ Quách Điêu (ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) nơi được gọi là “chợ gia cầm” vì hai bên lối vào, gà vịt, ngan được bày bán công khai. Người mua đông đúc nhưng điều họ quan tâm chủ yếu là giá cả chứ không phải là dịch bệnh.
 
Cô bạn đồng nghiệp đi cùng cứ vô tư hỏi, gà có bị dịch không mà nằm ủ rũ thì bà bán gà lấy chiếc nón lá phây phẩy vài cái rồi phán xanh rờn: “Gà nhà tôi nuôi ở vườn. Nó ăn đất, lúa… lấy đâu ra vi rút mà dịch. Không mua thì đi chỗ khác cho người ta buôn bán”.
 
Nhiều khách mua gà có nhu cầu làm sạch thì người bán sẵn sàng cắt tiết, vặt lông làm sạch ngay tại chỗ với giá 10.000 đồng/con. “Số gà này là gà ta được lấy từ đầu mối dưới các tỉnh miền Tây lên, gà được nuôi thả vườn nên thịt chắc, thơm, ngon chứ không bở như gà công nghiệp” - một chị bán gà cho biết.
 
Theo quan sát của chúng tôi, số gà chưa qua kiểm dịch được tuồn liên tục về các chợ, điểm bán gia cầm như chợ Cầu (giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12), ngã ba Phan Văn Trị - Thống Nhất (quận Gò Vấp).
 
Quan sát, các tuyến Quốc lộ 1A (cầu vượt An Sương, quận 12), Quốc lộ 50, tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh)… nhiều xe vận chuyển gia cầm liên tục đổ về TPHCM. Dễ dàng nhận thấy trên các tuyến đường này nhiều xe máy chở theo sau là những chiếc lồng sắt chứa đầy gà sống “xé gió” để qua mặt lực lượng kiểm tra.
 
Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM vừa có 2 ca nghi nhiễm H5N1 nhưng khi xét nghiệm thì kết quả âm tính. Thế nhưng, không vì thế mà người dân lơ là với dịch bệnh.
 
“Tôi mong muốn người dân thành phố phải biết cách tự bảo vệ mình và gia đình. Phải mua gia cầm đã kiểm định và thực hiện ăn chín uống sôi. Các nhà hàng, các điểm kinh doanh ăn uống… phải tuân thủ việc mua bán sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng” - bác sĩ Giang khuyến cáo.
 

Theo thống kê của Chi cục Thú y TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 169 điểm kinh doanh buôn bán gia cầm trái phép và 268 điểm kinh doanh tự phát buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch.

 

Các điểm “nóng” về tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch gồm các quận vùng ven, nội thành như: quận 12 (46 điểm), Bình Chánh (46 điểm), quận 8 (42 điểm), quận 2 (31 điểm), quận 6 (23 điểm), quận 3 (18 điểm)…

 
Công Quang