Giá bồi thường đất lúa sẽ gấp đôi đất ở

Đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cần được quản lý chặt chẽ. Phải bồi thường đất lúa gấp đôi giá đất ở mới khiến nhà đầu tư chùn tay trước việc lấy đất lúa để làm dự án.

Giá bồi thường đất lúa sẽ gấp đôi đất ở - 1
Với chính sách mới, nhà nước sẽ giữ được những đồng lúa tươi tốt để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
 
Dự thảo nghị định về quản lý đất lúa và phát triển lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đang được cơ quan chủ trì xây dựng (Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT) lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 11 tới.

Giá đất lúa: Sẽ làm nản lòng nhà đầu tư

Theo dự thảo trên, đối với vùng đất trồng lúa thích hợp và có hạ tầng thuận lợi, tiền bồi thường khi thu hồi phải gấp đôi giá đất thổ cư ở cùng thời điểm. Còn ở vùng đất trồng lúa hạ tầng kém, tiền thu hồi đất phải gấp 3,4 lần giá bồi thường của đất nông nghiệp khác.

Ngoài ra, theo ông Phạm Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khi thu hồi đất lúa, nhà đầu tư còn phải bồi thường toàn bộ tiền đầu tư hạ tầng trên đất đó, ví dụ như công trình thủy lợi...

“Điểm quan trọng nhất là dự thảo đưa ra biện pháp kinh tế làm nản lòng nhà đầu tư muốn lấy đất lúa để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh vì phải chi phí rất lớn vào việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Như vậy nhà đầu tư phải chùn tay trước đất lúa và sẽ phải chuyển sang lấy đất khác có giá rẻ hơn” - ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, phân tích.

Đãi ngộ cho địa phương giữ đất lúa

Theo thống kê của Bộ TN&MT, trong bảy năm qua (2001-2007), tổng số đất nông nghiệp bị thu hồi, chuyển sang đất phi nông nghiệp trên 500.000 ha, trong đó có đất lúa là trên 335.000 ha (trung bình mỗi năm xóa xổ trên 50.000 ha đất lúa).
 
Mỗi hecta đất nông nghiệp dành cho khu đô thị, khu công nghiệp thường kéo theo khoảng 1-2 ha đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải.
Theo ông Thông, nơi nào giữ đất lúa thì địa phương đó có thể khó khăn về nguồn thu ngân sách do nguồn thu bị hạn chế hơn so với chuyển đất đó sang làm công nghiệp, dịch vụ.

Vì vậy, chính sách mới của nhà nước là phải cấp bổ sung ngân sách trung ương cho những nơi này để đảm bảo phát triển hạ tầng, xã hội. Làm sao cho những nơi này không thua kém những tỉnh làm công nghiệp, dịch vụ, có như vậy các địa phương mới yên tâm giữ đất lúa.

Dự thảo nêu rõ diện tích đất lúa được thuê hoặc nhận chuyển nhượng từ nguồn góp vốn của nông dân để sản xuất lúa nước không quá 100 ha (mỗi hộ gia đình) và không quá 500 ha (mỗi tổ chức).

Lúa gạo được bao giá

Về bảo vệ đất lúa, nhà nước công bố giá sàn đối với lúa theo từng thời điểm, đảm bảo cho người sản xuất lúa có lãi không thấp hơn 40% giá bán. Giá sàn lúa gạo cho từng vụ sẽ do Chính phủ phê duyệt.

Khi giá lúa thị trường xuống thấp hơn giá sàn thì nhà nước hỗ trợ lãi suất tín dụng để các doanh nghiệp thu mua hết lúa hàng hóa của nông dân sao cho không thấp hơn giá sàn. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bị lỗ sẽ được xem xét hỗ trợ.

Ông Thông giải thích: “Nếu giá lúa ở thị trường cao hơn giá sàn thì người dân cứ bán bình thường. Nếu giá thị trường thấp hơn giá sàn thì nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua. Phải tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân để người dân yên tâm.

Muốn khuyến khích người dân giữ đất lúa, điều quan trọng nhất là có chính sách tiêu thụ tốt. Giá lúa phải đảm bảo thu nhập cho người làm ra nó không bị thấp hơn khi trồng cây khác hoặc làm nghề khác”.

Theo dự thảo, nông dân trồng lúa sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi. Nông dân bị thiệt hại 50% năng suất do thiên tai, dịch bệnh được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón khôi phục sản xuất, được xem xét cho khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ vốn vay sản xuất. Nông dân còn được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để đầu tư mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Đối với nông dân ở vùng chuyên canh lúa, nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế (hiện nay chỉ những hộ nghèo mới được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế). Mặt khác, nông dân bị thu hồi đất lúa sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề, dịch vụ ở vùng lúa.

Một nội dung rất mới nữa là nhà nước sẽ đầu tư xây dựng sàn giao dịch lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện kết nối thị trường gạo trong nước với thế giới, thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu.
 

Xây nhà trên đất lúa: Có thể bị khởi tố

Lâu nay, vi phạm trong sử dụng đất lúa xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các cá nhân vi phạm đều ít bị xử lý. Dự thảo nghị định về bảo vệ đất lúa sẽ đưa vào những chế tài mạnh đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, mức cao nhất là bị xử lý hình sự. Cụ thể là cá nhân, tổ chức tự ý chuyển đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp như xây dựng nhà để ở hoặc sản xuất, kinh doanh không đúng quy hoạch sẽ bị phạt tiền, buộc tháo dỡ các công trình. Nếu tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Hoàng Vân - Mai Minh
Báo Pháp luật TPHCM