1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gấu cắn cháu bé không có trong hồ sơ quản lý

Vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng nạn nhân là con chủ nhà nên chỉ cần xử phạt hành chính là đủ.

Ngày 12/1, người dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM còn xôn xao về vụ con gấu nặng khoảng 100 kg tấn công cháu Đào Trí Dũng (ba tuổi), con chủ nhà 171 Dương Công Khi, huyện Hóc Môn.

Một người dân gần căn nhà cho biết chủ nhà mới dọn về ở đây khoảng ba năm nay, ít giao thiệp với ai. “Nhiều người biết nhà này nuôi gấu nhưng họ đóng cửa suốt, con nít khó lọt vào nên chúng tôi cũng không bận tâm lắm” - bà T. nói.

Hầu hết hàng xóm đều lo lắng cho cháu bé bị nạn. “Có ai muốn thế đâu, chẳng qua là xui rủi mà thôi” - chị D. nói.

Hiện tại, ngôi nhà vẫn đóng cửa cài then kiên cố, người giúp việc cho biết chủ đã đi vắng.

Cùng ngày, BV Chấn thương Chỉnh hình cho biết BV đang điều trị cho bệnh nhi Dũng do BV Nhi đồng 1 chuyển qua vì bị gấu cắn đứt cánh tay phải. Do cánh tay bị dập gần đến vai nên bệnh nhi được cắt lọc, làm sạch vết thương và khâu lại. Cánh tay bị đứt của bệnh nhi được người nhà đưa đến cũng dập nát, tổn thương nên không thể nối lại được. Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn, sắp tới là BV sẽ làm tay giả cho em.

Trung tá Võ Quốc Bảo, Đội trưởng Đội Tổng hợp - Công an huyện Hóc Môn, cho biết đã tiếp nhận vụ việc và cử người xuống ghi nhận hiện trường, thu thập lời khai nhân chứng. “Chúng tôi chờ tình trạng của cháu bé ổn định mới tiến hành lấy lời khai người nhà để có hướng xử lý” - Trung tá Bảo nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết con gấu cắn đứt tay cháu bé không có hồ sơ theo dõi nuôi.

“Tổ chức, cá nhân nuôi gấu nhưng không khai báo, không có hồ sơ quản lý tại chi cục kiểm lâm địa phương sẽ bị phạt theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ” - ông Lưu nói.

Theo ông Lưu, trước thực trạng không ít gấu ngoài tự nhiên bị tổ chức, cá nhân bắt về nuôi nên Nhà nước buộc những đối tượng này phải báo cáo với chi cục kiểm lâm tỉnh, thành phố để được gắn chip điện tử, đồng thời lập hồ sơ quản lý từng cá thể gấu và được cấp giấy chứng nhận nuôi. “Tuy nhiên, việc làm nói trên không đồng nghĩa với việc công nhận nguồn gốc hợp pháp của con gấu đó. Nhà nước cũng nghiêm cấm việc hút mật gấu và bán mật gấu tươi… Cá nhân không nên nuôi thú dữ, thú nguy hiểm (gấu, hổ…) vì bản năng hoang dã của nó có thể gây nguy hiểm cho người chăm sóc và những người chung quanh bất cứ lúc nào” - ông Lưu nói.

Theo LS Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, vụ việc xảy ra là ngoài ý muốn của người nuôi gấu. Hơn nữa, nạn nhân là con của người nuôi con gấu nên chỉ cần xử phạt hành chính là đủ. Nếu con gấu tấn công hoặc gây nguy hiểm cho người ngoài, có thể khởi tố hình sự chủ con gấu.

Theo Nhóm PV
Pháp luật TPHCM