Quảng Trị:

Gấp rút hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường cho ngư dân

(Dân trí) - Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tại cuộc họp về tình hình chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Ông Chính yêu cầu các địa phương, các sở, ngành liên quan sớm xử lý số hải sản niêm phong, nếu đảm bảo chất lượng thì cho sử dụng. Còn số hải sản được xác định do nhiễm độc đã tiêu hủy, các cơ quan tiến hành bồi thường cho nhân dân trước Tết theo quy định của Chính phủ.

Sớm xử lý số hải sản niêm phong, bồi thường với lượng hàng bị tiêu huỷ

Theo báo cáo của Sở NN-PT&NT tỉnh Quảng Trị, thực hiện Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Chính phủ về việc chi trả bồi thường cho các hộ ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Các địa phương triển khai chi trả tiền đền bù cho ngư dân
Các địa phương triển khai chi trả tiền đền bù cho ngư dân

Trong đợt 1, tỉnh Quảng Trị được Trung ương phân bổ 500 tỉ đồng, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp kinh phí cho các địa phương gồm: huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng với tổng số tiền 223,6 tỷ đồng. Từ số tiền trên, các địa phương đã tiến hành thẩm định, rà soát và hỗ trợ cho các đối tượng chủ tàu, thuyền; lao động trên tàu, các hộ nuôi trồng thủy sản. Các địa phương đã chi trả được 206,5 tỷ đồng, chưa chi trả hơn 17 tỷ đồng, do một số lao động đã đi nước ngoài, các lao động kê khai trùng với các địa phương khác hoặc chưa thống nhất mức giá đền bù...

Theo thống kê của cơ quan chức trách, hiện tỉnh Quảng Trị còn tồn kho khoảng 1.543 tấn hải sản. Trong đó, các cơ quan đã tiến hành tiêu hủy gần 54 tấn hàng thủy sản (huyện Vĩnh Linh là 30,5 tấn và huyện Gio Linh hơn 23,2 tấn).

Số lượng hàng thủy sản tồn kho chưa tiêu hủy được là 1,470 tấn (Vĩnh Linh 1.319 tấn, Gio Linh 127 tấn, Triệu Phong 8,6 tấn, Hải Lăng 15,6 tấn). Đây chủ yếu là hàng hải sản bị biến đổi màu sắc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hải sản hư hỏng, suy giảm chất lượng, bốc mùi… Hầu hết các sản phẩm thủy sản tồn kho nói trên được các cơ sở thu mua thừ tháng 3-8/2016.

Sự cố môi trường khiến sản phẩm thủy sản bị sụt giá trong thời gian dài
Sự cố môi trường khiến sản phẩm thủy sản bị sụt giá trong thời gian dài

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương phải tiếp tục rà soát lại các đối tượng còn chưa đồng tình phương án bồi thường để điều chỉnh bổ sung. Thống kê nhóm đối tượng mới: dịch vụ, du lịch, thương mại, lao động không thường xuyên nhưng là lao động chính, đa số là đối tượng nghèo để đền bù. Phê duyệt, áp giá bổ sung để sớm để chi trả kinh phí cho nhân dân trước Tết nguyên đán.

Ông Chính yêu cầu các huyện triển khai ngay việc chi trả để toàn bộ số tiền phê duyệt đợt này được chi trả cho người dân trước Tết Nguyên đán
Ông Chính yêu cầu các huyện triển khai ngay việc chi trả để toàn bộ số tiền phê duyệt đợt này được chi trả cho người dân trước Tết Nguyên đán

Ông Chính nhấn mạnh, cần sớm xử lí số hải sản niêm phong, đã tiêu hủy, giao Sở Công thương phối hợp với Sở NN-PTNT khẩn trương thực hiện. Đối với hải sản đã niêm phong có thống kê thì tháo niêm phong để sử dụng nếu đảm bảo chất lượng. Với hàng không bảo đảm do nhiễm độc, đã tiêu hủy, các cơ quan tiến hành bồi thường theo quy định Chính phủ trước Tết.

“Các huyện phải triển khai ngay, để toàn bộ số tiền phê duyệt đợt này được chi trả cho người dân trước Tết Nguyên đán. Do đó cần làm sớm để đưa về cho người dân chi tiêu trong Tết Nguyên đán, và động viên người dân sử dụng khoản tiền này để đầu tư, chuyển đổi sinh kế”, ông Chính nói.

Hiện tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở NN-PT&NT tích cực xây dựng đề án chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho ngư dân vùng biển.

Qua đó, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ NN-PT&NT quy định rõ đối tượng được kê khai, đền bù thiệt hại: kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại ven biển. Bổ sung thêm đối tượng là người lao động phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Kiến nghị Chính phủ áp mức định đền bù, hỗ trợ cho nhóm tàu trên 90CV và lao động trên tàu ngang với nhóm tàu từ 50-90CV. Trên thực tế, nhóm này vẫn duy trì việc khai thác, song giá hải sản rất thấp, lợi nhuận thu được không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

Đăng Đức