Gặp ông cụ 7 năm bảo vệ Bác Hồ
(Dân trí) - Với ông, khoảng thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ bên Bác, từng khóm cây, ngọn cỏ, con mương trong Phủ chủ tịch ông vẫn nhớ vẫn thuộc như lòng bàn tay. Giờ đây mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó ông vẫn còn bồi hồi xúc động..
Chúng tôi tìm đến thôn Giữa, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang hỏi nhà Đại tá Nguyễn Hữu Trực thì ai cũng biết, đó là một căn nhà nhỏ với vườn cây xanh rợp bóng mát nằm cách cổng làng khoảng chừng 200m.
Khi chúng tôi đến, Đại tá Nguyễn Hữu Trực, từng công tác trong ngành Công an, năm nay đã 79 tuổi, đang phụ cháu vớt bèo ngoài ao cá sau nhà. Tuy đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã bạc trắng nhưng Đại tá Trực vẫn còn minh mẫn, dáng đi nhanh nhẹn. Nhấp ngụm nước chè, ông bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian 35 năm hoat động cách mạng của mình với niềm vinh dự, hạnh phúc và may mắn được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong suốt 7 năm.
Ông sinh năm 1932 trong một gia đình tại thôn Giữa, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Tháng 10/1950, ông tham gia lực lượng Thanh niên xung phong phục vụ các chiến dịnh Biên Giới, Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám.
Sau đó, ông vào công tác trong ngành Công an từ tháng 2/1955. Sau một thời gian huấn luyện nghiệp vụ, lần đầu tiên ông cùng Đội cảnh vệ tháp tùng Bác đi thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ vào dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 10. Ngay sau đó ông được điều về làm cảnh vệ vòng ngoài của Phủ chủ tịch.
Sau bao nhiêu năm bôn ba, tháng 6/1957, lần đầu tiên Bác trở về thăm lại quê hương Nghệ An. Lần đó ông được tham gia bảo vệ Bác về quê. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Kỳ, ông được trực tiếp bảo vệ và bố trí lịch tiếp khách của Bác trong Phủ chủ tịch. Cũng vào năm đó ông được kết nạp Đảng.
Dù đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng với ông, khoảng thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ bên Bác, từng khóm cây, ngọn cỏ, con mương trong Phủ chủ tịch ông vẫn nhớ vẫn thuộc như lòng bàn tay. Với ông Trực những lần bảo vệ Bác về quê, đi công tác, thăm nhân dân, bộ đội, các cháu học sinh và thiếu niên nhi đồng…vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông.
“Sau Đại hội Đảng lần thứ ba, Bác muốn đi thăm bà con nông dân thu hoạch mùa màng. Vì lo có chuyện gì không may xảy ra nên chúng tôi đã bố trí một ruộng đang gặt để Bác xuống thăm. Nhưng Bác nhận ra Bác bảo: Các chú lại bố trí rồi! làm gì có bà con nào đi gặt đều ăn mặc quần áo đen giống nhau thế kia. Bác đã không xuống, Bác bảo cứ cho xe chạy tiếp. Đến khu cánh đồng ở huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Tây cũ) Bác bảo dừng xe lại. Biết Bác đến mọi người khắp cánh đồng vui mừng, xúc động vội vàng đến bên Bác khi mà trên tay vẫn còn cầm dao gặt lúa và đòn gánh. Anh em chúng tôi được một phen phát hoảng. Rồi vào ngày 30 Tết năm 1960, Bác muốn đi thăm chợ Đồng Xuân, chúng tôi lên kế hoạch cải trang cho Bác nhưng Bác không đồng ý”.
"Lần đó, Bác mặc áo bông, đội mũ và quàng khăn để che bộ râu đi rồi ra thăm chợ xem cuộc sống của đồng bào chiều ba mươi Tết như thế nào. Bác đi đến khắp các dãy trong chợ, qua từng cửa hàng nhưng không ai nhận ra Bác. Nhưng khi đi gần hết chợ thì có hai cháu thiếu niên nhận ra Bác. Hai cháu thiếu niên tý nữa thì reo lên “A Bác Hồ”, cũng may là chúng tôi kịp ra hiệu để hai cháu nhỏ không hét lớn lên, ra đến cuối chợ có xe đến đón Bác, khi đó mọi người mới vỡ ra trong tiếc nuối là Bác đến”.
Trong suốt 7 năm phục vụ Bác Hồ, 5 năm ông làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài và 2 năm trực tiếp phục vụ Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Những kỷ niệm đó không bao giờ phai nhạt trong ông.
Ông còn nhớ như in, những ngày tháng phục vụ Bác trong Phủ chủ tịch. Vào ngày nghỉ nào, Bác cũng tổ chức và xem chiếu phim cùng anh em cảnh vệ và đội ngũ phục vụ. Những năm bảo vệ bên Bác, ông được ăn Tết cùng với Bác một lần và một lần cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ông Trực xúc động nhớ lại: “Bác sống rất giản dị và tiết kiệm. Đi công tác, Bác không vào luôn trụ sở hay nhà máy mà Bác đi thăm cuộc sống, sinh hoạt của mọi người trước, và không bao giờ ăn cơm ở đó. Qùa Tết các địa phương gửi biếu Bác, Bác không dùng mà gửi tặng các cụ già, thiếu nhi, thương binh và bộ đội…”.
Đến năm 1962, ông Trực được cử đi học nghiệp vụ tại Liên Xô. Sau hai năm học tập, ông về làm giảng viên trường Học viện an ninh. Năm 1976 ông được cử về trường Lào (trường đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào). Đến năm 1990 thì ông nghỉ hưu với hàm Đại tá.
Trong suốt khoảng thời gian 35 năm phục vụ Cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất, và Huân chương tự do hạng nhì của nước bạn Lào.
Vợ chồng Đại tá Nguyễn Hữu Trực có 5 người con, hiện con cái của ông bà đã thành đạt và ra ở riêng. Hàng ngày ông cùng vợ sống trong căn nhà nhỏ nơi thôn Giữa.
Hơn ai hết, những ngày này, ông Trực lại bồi hồi nhớ lại những cảm xúc về khoảng thời gian hạnh phúc, vinh dự được sống và phục vụ bên Bác, được phục vụ Bác và được Bác ân cần dạy bảo những điều hay lẽ phải trong công việc và cuộc sống. Những tình cảm của Bác suốt cuộc đời ông không bao giờ quên…
Nguyễn Khoát - Duy Tuyên