Gặp nữ anh hùng từng được Đại tướng gọi là “nhóc con”
(Dân trí) - Nghe tin Đại tướng trút hơi thở cuối cùng, nữ anh hùng thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim Huế, ở xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - người gắn nhiều kỉ niệm khó phai với Đại tướng ngồi bần thần, buồn rũ rượi…
Căn nhà nhỏ của bà Huế nằm bên triền dốc hôm chúng tôi đến cửa đóng im lìm, gõ cửa mãi bà mới bước dậy, vẻ mặt buồn rũ rượi, đôi mắt hốc hác. "Hôm qua nghe các anh ở bên hội cựu chiến binh huyện báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất rồi, tui bần thần, nằm cả đêm không ngủ, và những kỉ niệm trong những lần gặp Đại tướng cứ ùa về trong tâm thức", bà Huế khàn giọng.
Người anh hùng gan góc trên tuyến lửa 12A năm nào đã chứng kiến không ít sự hi sinh của đồng đội, của người những thân yêu nhất trong gia đình, nhưng khi nghe tin về sự ra đi của Đại tướng, trong khóe mắt người anh hùng vốn đã chai sạn vì khói bom vẫn không kìm được những giọt nước mắt thương nhớ.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt đoạn bởi những tiếng nấc không thành lời khi nhắc về những kỉ niệm cùng Đại tướng. Gạt đi dòng nước mắt trên khóe mi, bà Huế kể: Tháng 1/1967, sau khi tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội, Đại tướng mời đoàn Quảng Bình về nhà chơi.
Lúc đó, trong đoàn có 11 anh hùng cùng thường vụ Tỉnh ủy, bà Huế là người trẻ nhất (bà được phong anh hùng khi mới 24 tuổi) nên khi nghe từng người báo cáo thành tích lao động, chiến đấu,… Đại tướng ân cần hỏi thăm hoàn cảnh, động viên từng người một và gọi yêu bà Huế là “nhóc con”.
“Lần đầu tiên được gặp Đại tướng, tui cùng anh chị em trong đoàn hồi hộp lắm, nhưng khi gặp nói chuyện cùng bác ai cũng vui vẻ, thoải mái. Ở nhà Đại tướng mà như ở nhà mình vậy. Một cảm giác gần gũi, thân thiết như người con, người em nói chuyện với người cha, người anh trong một nhà. Đại tướng mời kẹo và bóc cho từng người trong đoàn ăn”, bà Huế lại bật khóc.
Trong nấc tiếng nghẹn ngào, bà Huế bùi ngùi nhớ lạị: Lần ấy, Đại tướng từng căn dặn cả đoàn: “Quảng Bình đã anh hùng rồi, đã “hai giỏi” rồi thì càng phải phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống quê hương hai giỏi”.
Lời dặn của Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, ai cũng sục sôi khí thế thi đua lao động sản xuất, chiến đấu. Sau đó đoàn về Quảng Bình, còn bà Huế được Trung ương Đoàn giữ lại báo cáo thành tích sản xuất và chiến đấu cho các đơn vị trên toàn miền Bắc.
Những lần sau đó, bà được gặp và trò chuyện cùng Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà nhiều hơn, và mỗi lần như thế, bà càng thêm khâm phục tài năng, đức độ của Người. Trước khi rời Hà Nội, Đại tướng gọi lên dặn: “Đảm việc nước rồi thì phải đảm việc nhà nữa nhé! Cố gắng lên, sản xuất cho giỏi, chiến đấu cho giỏi”.
Tiếp đó, tháng 11.1967, bà Huế vinh dự được sang Liên Xô tham dự lễ kỉ niệm 50 năm ngày Cách mạng tháng 10 thành công, trước khi lên đường Bác Hồ và Đại tướng dặn dò: “Sang bên đó rất đông người, bạn có, địch có, cháu phải tùy cơ mà ứng biến. Nhưng một điều bất di bất dịch là phải xác định bạn là bạn mà thù là thù…”. Trong giây phút chia tay, Đại tướng còn nói vui với Bác Hồ rằng. “Thưa Bác! Con nhóc nớ (đó) thông minh lắm đó”.
Ngày sang Liên Xô, có nhà báo ở phương Tây tới phỏng vấn đoàn Việt Nam, sau khi trả lời xong, ông Vũ Quang - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn chỉ về phía bà Huế và nói: “Đây là những nhân chứng lịch sử, những người anh hùng của đất nước chúng tôi”. Vị nhà báo này ngạc nhiên: “Anh hùng gì mà nhỏ thó, gầy gò thế này”.
Nghe xong phiên dịch, máu trong lòng bà Huế như đang rôi sùng sục. Giọng người trung đội trưởng quyết tử đường 12A vang lên hùng hồn: “Dân Việt Nam chúng tôi vật với khái (hổ), bom đạn của Mỹ chỉ kích thêm con khái, càng thả xuống nhiều thì đồng ruộng, rừng núi chúng tôi càng xanh tốt. Chúng tôi quyết đánh Mỹ đến cùng…”. Tay nhà báo ngoại quốc gật đầu ái ngại: “Ớt nhỏ mà cay!”.
Rồi mãi đến năm 2005, sau gần 40 năm gặp lại Đại tướng tại nhà riêng, bà Huế xúc động trước những câu hỏi thân tình của Đại tướng: “Kim Huế đó à! cháu khỏe không, bữa ni răng rồi?...”. Trả lời những câu hỏi của Đại tượng, bà Huế cũng hỏi thăm: “Nhu nhân của bác mô rồi ạ?”. “Chị mi mới đi mổ ruột thừa về đó”, Đại tướng nói. Từ trong nhà bà Đặng Bích Hà bước ra, ôm chầm lấy bà Huế mà rằng: “Kim Huế, răng em gầy gò rứa, ở ngoài khổ lắm hả em?...”. Nghe những câu hỏi thân thương, bà Huế chợt nhận ra rằng, đã từ lâu, gia đình Đại tướng luôn xem mình như người thân trong gia đình vậy…
Đặng Hà Quảng