1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người phụ nữ vừa làm giúp việc vừa viết sách

(Dân trí) - Ngày làm việc nhà cho chủ, tối bà lại mang giấy bút ra viết. Câu chuyện đời buồn trải ra từng trang giấy nhưng viết rồi bà lại cất đi. Nhờ sự giúp đỡ của đồng đội cũ, cuốn sách cuộc đời bà được ra đời. Người ta gọi bà là “Osin viết sách”.

Bà Nguyễn Thị Thìn - tác giả tập truyện ngắn Liều thuốc thần kỳ
Bà Nguyễn Thị Thìn - tác giả tập truyện ngắn "Liều thuốc thần kỳ"

Câu chuyện về một người làm nghề giúp việc xuất bản tập truyện ngắn của riêng mình khiến tôi tò mò tìm đến nhà bà. Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1953, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) nằm chênh vênh trên đồi. Bà ở chung nhà với mẹ già và gia đình người em trai. Ngôi nhà cũ kỹ, xiêu vẹo tựa hồ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Bà đón khách bằng nụ cười hiền từ mà héo hắt. Câu chuyện buồn thảm của đời bà đã được tái hiện trong cuốn sách “Liều thuốc thần kỳ” vừa mới xuất bản nhưng nghe trực tiếp từ bà thấy xót xa hơn.

Viết để trải lòng

Học dở lớp 9, nhà nghèo, Thìn phải nghỉ phụ bố mẹ việc đồng áng. Nửa năm gác đèn sách, Thìn lên đường nhập ngũ, vào Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn, phụ trách điện báo. Năm 1974, bà xuất ngũ, được bố trí vào nhà máy dệt Việt Trì (Phú Thọ). Được một thời gian ngắn, sức khỏe yếu không thể đứng máy, bà xin nghỉ về quê, theo học tại trường vừa học vừa làm huyện. Kết thúc chương trình, trên đường tới trường lấy giấy báo dự thi đại học bà bị tai nạn. Chiếc xe đạp văng xuống vực, còn bà va vào vách đá. Cú tai nạn khiến bà mất trí nhớ một thời gian, con đường đến với học vấn thêm một lần gián đoạn.

Rồi như một phép màu, trí nhớ của bà dần dần hồi phục. Bà xung phong lên nông trường An Ngãi (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) xây dựng kinh tế mới. Tại đây, bà tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Thế nhưng chất độc da cam những ngày ở Trường Sơn đã ngấm vào người bà, không cho bà được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Mấy lần sinh con, bà chẳng được ôm núm ruột của mình lấy một lần.

Không có đứa con để níu giữ, tình cảm vợ chồng cứ phai nhạt dần. Không thể ích kỷ tước mất quyền làm cha của chồng, bà quyết định để chồng đi tìm hạnh phúc mới. Đúng lúc này, em gái đi bộ đội, em trai đi học xa, bà quyết định về quê chăm sóc bố mẹ. Một mình bà cày cấy 6 sào ruộng, công việc vất vả, ăn uống kham khổ và nỗi đau chất chứa trong lòng đã quật ngã bà. Một lúc bà phát hiện mình mắc 3 bệnh: yếu tim, viêm gan, máu không đông.

Cả cuộc đời bà là những chuỗi ngày buồn tủi
Cả cuộc đời bà là những chuỗi ngày buồn tủi

“Đó là vào năm 1987, tôi hết đi viện huyện rồi xuống viện tỉnh. Nằm viện, rảnh rỗi quá đâm ra nghĩ ngợi. Vậy là tôi viết. Truyện ngắn “Ánh sao xanh cuối trời” ra đời trong bệnh viện và được đăng trên tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh”, bà kể. Thực ra thì những ngày chiến đấu ở Trường Sơn bà cũng từng viết, từng có bài đăng báo Trường Sơn. Biết bà “viết được”, Báo Trường Sơn giới thiệu bà đi học để bồi dưỡng thành phóng viên chiến trường nhưng công việc quân bưu quá bận rộn khiến bà lỡ hẹn với nghiệp bút nghiên.

Có truyện ngắn đăng báo, lại được những người đi trước khuyến khích, bà mạnh dạn viết và tiếp tục gửi đi. Năm 1995, truyện ngắn “Một chuyến đi nghiệt ngã” được tạp chí Sông Lam giới thiệu với bạn đọc. Tưởng chừng như bà đã “bén duyên” với nghệ thuật thì biến cố gia đình tiếp tục ập đến. Cậu em trai bị tai nạn, gia cảnh vốn nghèo nay lại túng bấn hơn, bà “gác bút” ghé vai gánh vác chuyện gia đình lần nữa.

Đã có tuổi, lại mang bệnh tật trong người, nhưng bà hiền lành lại mến trẻ con nên có người giới thiệu đi làm giúp việc trông trẻ dưới TP Vinh. Tiếng là trông trẻ nhưng công việc nhà bà cũng phải kiêm nhiệm. Tối, khi công việc nhà chủ đã vãn, bà lại mang giấy bút ra viết. “Có đêm không ngủ được lại bật dậy viết. Viết như để giải tỏa nỗi lòng mình thôi. Có khi viết xong lại cất đi, chẳng dám gửi báo dù mình cần tiền để chữa bệnh. Nhưng rồi bạn bè cũng biết, khuyên gửi báo hay in sách. Nói thật là in riêng cho mình một cuốn sách là điều tôi chưa từng mơ tới”, bà tâm sự.

Viết lời đề tựa vào cuốn sách tặng PV
Viết lời đề tựa vào cuốn sách tặng PV

Gom góp những truyện ngắn tâm đắc, bà và đứa cháu tìm đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn để in. Một thời gian ngắn sau sách được duyệt in nhưng lo được 1,8 triệu tiền giấy phép xuất bản thì bà hết nhẵn tiền. Bạn bè, đồng đội cũ xúm vào giúp, rồi Hội đồng đội chiến trường, Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn giúp một ít, được tổng cộng 6 triệu đồng, bà mang tới nhà xuất bản. 200 cuốn truyện ngắn “Liều thuốc thần kỳ” được xuất bản. Đó là tuyển tập 6 truyện ngắn tái hiện một phần cuộc đời buồn thảm nhưng không ngừng hi vọng của bà.

Ước mơ của "Osin viết sách"

Ôm cuốn sách của mình trên tay, bà rưng rưng hạnh phúc. Nhưng sách in rồi biết bán cho ai? Bà phân vân. Bạn bè lại xúm vào giúp, giới thiệu thêm nhiều độc giả. Vậy nhưng bà vẫn còn mấy chục cuốn chưa bán được. Rồi mới đây những cuốn sách mới cứng đã trở nên nhàu nát sau cơn bão. Căn nhà tồi tàn của bà chẳng thể che ngăn nổi thiên tai. Sách ướt, bà thêm thắt ruột héo gan. Căn bệnh thiếu máu cơ tim lại hành hạ bà nhiều hơn.

Viết lời đề tựa vào cuốn sách tặng PV
Căn nhà tồi tàn xiêu vẹo - nơi bà Thìn sinh sống cùng người mẹ già và gia đình người em trai tàn tật

“Chị còn viết nữa không?” - “Có chứ. Phải viết chứ!”. Câu trả lời bật ra ngay lập tức. “Viết để có tiền chữa bệnh. Viết để tri ân đồng đội. Đó sẽ là câu chuyện về những người lính Trường Sơn đã chết thay cho 3 cô gái quân bưu, trong đó có tôi. Là câu chuyện của 3 cô gái quân bưu nắm toàn bộ mật danh toàn tuyến đường Trường Sơn đi ra khỏi chiến tranh nhưng ai cũng khổ, mỗi người khổ mỗi cách…”, bà ngậm ngủi.

Đôi mắt bà dừng lại ở cánh cửa lung lay rồi tối sầm lại. Cánh cửa đã bị trật khỏi bản lề, bức tường tróc nham nhở chẳng thể gắn lại bản lề nữa. Bên cạnh là chiếc móng nhà cỏ mọc xanh um. Móng đã có từ 7 năm nay rồi nhưng chưa có tiền để xây nốt căn nhà.

“Vừa rồi, bên chính sách hứa sẽ hỗ trợ một phần tiền xây nhà với điều kiện sẽ trao tiền sau khi nhà xây xong nhưng tôi chưa vay được tiền để làm. Từng này tuổi, tôi chỉ ước có một mái nhà lành lặn đúng nghĩa để mẹ tôi có thể yên tâm sống nốt những ngày cuối đời”, đôi mắt người phụ nữ nhiều bất hạnh ầng ậc nước.

Hoàng Lam