1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập 1945

(Dân trí) - Bà Lê Thi là 1 trong 2 người phụ nữ cách đây 70 năm đã vinh dự được chọn lên lễ đài kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945; mặc dù đã bước sang tuổi 90, sức khỏe yếu, nhưng bà Thi vẫn nhớ rất rõ ngày trọng đại đó của đất nước.

Bất ngờ được giao nhiệm vụ thiêng liêng

Trong căn phòng nhỏ rộng chừng 20m2 tại khu tập thể trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), chúng tôi may mắn gặp được người phụ nữ mà cách đây 70 năm cùng với bà Đàm Thị Loan vinh dự được cử lên lễ đài kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.

4-copy-1440961301185

Đó là bà Lê Thi (SN 1926), mặc dù năm nay bà đã đã bước sang tuổi 90, sức khỏe yếu nhiều, chân tay run nhưng trí nhớ của bà vẫn rất tốt. Bà Thi gần như nhớ đến từng chi tiết nhỏ trong ngày trọng đại của đất nước cách đây 70 năm.

2-copy-1440961301155

Bà Thi lật tìm những bức ảnh kỷ niệm trong cuốn sổ "bảo bối" của mình

Năm 1943 bà Thi học xong trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương), sau đó bà tham gia cách mạng và làm công tác phụ nữ tại phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/21945 cả nước nô nức hướng về Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) dự Lễ Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam).

Bà Thi kể, cách ngày 2/9/1945 khoảng 1 tuần, bà nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ trong phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn trang phục quần áo để chuẩn bị đi dự ngày trọng đại của đất nước.

Sáng ngày 2/9/1945, bà Thi cùng với số chị em trong hội phụ nữ phố Hàng Bông đi vận động các gia đình đóng cửa hàng để đi ra Quảng trường Ba Đình: “Tôi dẫn 1 số chị em phụ nữ phố Hàng Bông đi lên Quảng trường Ba Đình, chúng tôi mặc quần trắng áo dài, đi giầy ba ta trắng. Riêng tôi cầm cây gậy vừa đi vừa hô “1, 2…1, 2” để cho chị em đi đều. Đến quảng trường Ba Đình tôi thấy các đoàn thể đứng theo giới, phụ nữ, thanh niên, công nhân, viên chức… Đoàn phụ nữ Hàng Bông chúng tôi đứng đầu đoàn phụ nữ của Thủ đô” – bà Thi kể lại.

Bà Thi kể tiếp, khi sắp đến giờ khai mạc, người của Ban tổ chức xuống khu vực nơi bà Thi đang đứng và bảo “các chị cử 1 người lên kéo cờ”; ngay lúc đó tất cả đều im lặng, khoảng 1 lúc sau thì nhiều phụ nữ đồng thanh hô “Thi lên đi”, thế là bà Thi bước lên lễ đài làm nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc.

“Lúc tôi bước lên lễ đài, tôi vừa đi vừa run, vì sợ kéo không được ở dưới nhiều người sẽ trách vì đó là sự kiện trọng đại của đất nước và tôi cũng không được tập trước. Khi bước tới gần lễ đài, tôi gặp 1 phụ nữ ăn mặc trang phục người Tày, sau đó chúng tôi dắt tay nhau bước tời lễ đài. Khi tới nơi, tôi bảo với chị ấy là em cao để em kéo, còn chị đỡ cờ. Khi bài hát Quốc ca vang lên, chúng tôi từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao, khi cờ vừa lên đến đỉnh tung bay trước gió cũng là lúc bài hát Quốc ca kết thúc. Lúc đó tôi biết tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” – bà Thi xúc động kể lại.

Bà Thi cho biết, khi vừa hoàn thành nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc xong, bà lùi lại phía sau và quan sát xem trên lễ đài là ai. Đó là lần đầu tiên bà Thi được nhìn thấy Bác Hồ, bà rất bất ngờ trước phong cách giản dị của Bác. “Lúc nhìn thấy Bác Hồ, tôi nghĩ sao Bác ăn mặc giản dị thế, Bác mặc bộ kaki trắng, đi đôi dép cao su. Bác khác hẳn với tưởng tượng của tôi, vì trong trường tôi học những ngày lễ trọng đại người ta thường mặc comple veston và đi giầy đen bóng loáng. Tôi thấy Bác giản dị quá”.

Người phụ nữ kéo cờ cho biết thêm, trước đây bà cũng đã từng tham gia kéo cờ, nhưng chưa bao giờ bà kéo cờ 1 cách “tử tế”, vừa kéo vừa “trêu tức” đối phương. Bà Thi dí dỏm kể lại: “Khi tôi còn học tại trường Đồng Khánh, họ cũng tập hợp chúng tôi lại để kéo cờ Pháp và cờ bù nhìn thì chúng tôi kéo cái thấp, cái cao, hoặc kéo cho 2 cái tắc tị lại không lên được để trêu tức chúng, nhưng chúng không làm gì được chúng tôi. Cũng chính vì chưa bao giờ kéo cờ 1 cách tử tế nên hôm được cử tham gia kéo cờ ngày 2/9, tôi mới run, sợ kéo không thành công”.

Nghe xong Bản Tuyên ngôn độc lập, đổi ý không làm cô giáo

Bà Thi kể, quê bà ở Hưng Yên nhưng bà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, sống ở 98 Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Cha bà Thi là một nhà giáo nổi tiếng: Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.

3-copy-1440961301166

Ảnh bà Lê Thi chụp năm 1947 (ảnh: bà Thi cung cấp)

Tên thật của bà Thi là Dương Thị Thoa, vì tham gia cách mạng nên mới lấy bí danh như vậy. Họ Lê là theo họ vua Lê Thái Tổ, còn Thi là tên người bạn thân của bà.

“Khi kéo cờ xong, tôi thấy Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập, tôi ấn tượng nhất với câu nói của Bác: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, ở dưới hàng vạn người hô vang “rõ rõ”. Sau đó, trong lời của Bản Tuyên ngôn độc lập có đoạn “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vừng quyền tự do, độc lập ấy”. Nghe xong, từ đó tôi quyết định học làm cán bộ cách mạng, chứ không đi học làm cô giáo như dự định trước đây nữa” – bà Thi chia sẻ.

 

1-copy-1440961301131
Bà Lê Thi (trái) chụp ảnh cùng bà Đàm Thị Loan ở Quảng trưởng Ba Đình năm 1997 (ảnh: bà Thi cung cấp)

Về người phụ nữ kéo cờ cùng, bà Thi cho biết, thời điểm đó 2 người cũng không hỏi tên nhau. Mãi đến 20 năm sau, nhờ cơ quan chức năng bà mới biết người phụ nữ kéo cờ cùng là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Ngày 2/9/1997, 2 người phụ nữ ấy đã gặp nhau và chụp chung với nhau bức hình tại Quảng trường Ba Đình. Đến năm 2010 thì bà Đàm Thị Loan qua đời.

Nguyễn Dương