Gặp người lính Việt Minh gốc Hy Lạp
“Tôi sinh ra ở Hy Lạp nhưng Việt Nam là quê hương thứ nhất của tôi vì tuổi xuân của tôi đã trôi qua ở đây. Tôi đã cùng chia ngọt sẻ bùi với những người đồng đội, đồng chí trong chiến tranh”- Ông Nguyễn Văn Bông, người lính Việt Minh gốc Hy Lạp bồi hồi nói.
Sau một thời gian phiêu bạt ở Áo, châu Phi, đầu năm 1946, chàng trai trẻ người Hy Lạp Konstantinos Fitsitzoglou, khi đó 18 tuổi, đăng ký tham gia lực lượng lính lê dương của Pháp. Những người lính lê dương được Pháp thông báo sẽ được đưa sang Việt Nam để tước vũ khí của quân Nhật chứ không phải sang Việt Nam để tham gia vào cuộc chiến tranh chống người dân tại đây.
Tháng 5 năm 1946, Fitsitzoglou đặt chân tới Việt Nam và được điều về đại đội 3 thuộc trung đoàn bộ binh 812 đóng tại Bình Thuận. Khi mới sang, Fitsitzoglou cùng các đồng đội, đều không biết tiếng bản ngữ, không hiểu nhiều về chính trị, được Pháp tuyên truyền là Việt Minh là lực lượng chống đối cần phải tiêu diệt, những người lính khi bị Việt Minh bắt sẽ bị sát hại dã man.
Vốn tính cởi mở và qua nhiều lần tiếp xúc với người dân nơi đại đội đóng quân và những người lính Việt Nam ở trong đại đội, Fitsitzoglou dần hiểu ra rằng những gì mà quân Pháp reo rắc trong đầu của những người lính lê dương là không đúng.
Cũng trong thời gian này, Fitsitzoglou chơi thân với một người phiên dịch cho các sĩ quan Pháp mà không biết rằng đây là một người lính Việt Minh được cài vào hàng ngũ địch. Người phiên dịch này đã cho Fitsitzoglou biết cuộc chiến của Pháp tại Việt Nam là một cuộc chiến bẩn thỉu. Người Pháp là kẻ chiếm đóng và bóc lột khiến người dân Việt Nam lầm than và đau khổ. Không chịu được sự bóc lột này, người dân Việt Nam đã lập ra một tổ chức gọi là Việt Minh chống lại quân Pháp để giải phóng cho người dân.
Sau nhiều lần tâm sự, một ngày người phiên dịch hỏi Fitsitzoglou: “Anh có muốn đi theo Việt Minh để chống lại quân Pháp, giúp người dân Việt Nam thoát khỏi ách áp bức?”. Không đắn đo, Fitsitzoglou trả lời: “Tôi là người Hy Lạp không biết phải liên lạc với ai cả. Anh hãy giúp tôi liên lạc với Việt Minh”.
Khoảng 15 ngày sau, người phiên dịch dẫn Fitsitzoglou tới gặp một người lính người thiểu số Việt Nam, cũng thuộc đại đội quân Pháp và cũng muốn đi theo Việt Minh. Ngay trong đêm tháng 8 năm 1946 đó, 3 người mang theo súng vượt sông đi gặp những người lính Việt Minh.
Qua sông an toàn, cả 3 đi thêm khoảng 400 mét và đến một ngôi làng của người dân tộc Chăm. Tại đây, Fitsitzoglou và người lính thiểu số gặp mấy người lính Việt Minh và được đưa đến chiến khu rồi được phiên về đại đội Quang Trung. Cuộc đời của chàng trai Fitsitzogloubắt đầu thay đổi từ đây.
Thời gian đầu ở chiến khu, Fitsitzoglou gặp rất nhiều khó khăn: Không quen ăn cơm và các thứ củ rừng và chỉ nói chuyện được với một số ít người lính Việt Minh biết tiếng Pháp. Fitsitzoglou được bố trí ở cùng với một người lính Việt Nam tên Khôi, người gốc Huế, ở nhà một người dân tộc thiểu số để giúp làm quen với cuộc sống nơi núi rừng.
Những ngày tháng nằm gai nếm mật trên chiến khu biến Fitsitzoglou thành một người Việt Nam thật sự: Đi dép cao su, cùng ăn củ mài, cùng sinh họat và chiến đấu với những người đồng đội Việt Nam. Fitsitzoglou được người đồng đội tên Thôi đặt cho cái tên Việt Nam: Nguyễn Văn Bông. Trong suốt 7 năm tham gia kháng chiến chống Pháp sau đó, người lính trẻ Việt Minh Nguyễn Văn Bông đã tham gia hàng chục trận chiến lớn nhỏ khắp tỉnh Bình Thuận.
Hít một hơi dài, người lính già bồi hồi kể lại kỷ niệm về những trận đánh đầu tiên mà ông tham gia. Ông kể: Trận đầu tiên mà tôi cùng các đồng đội đánh Pháp đó là trận tập kích đêm nhằm vào đồn Sông Lưa, cách Hòa Đa (Bình Thuận) 4 km. Trận đánh đã thành công hơn cả dự tính, hơn một nửa số lính Pháp trong đồn đã bị tiêu diệt.
Nhưng trận đánh khiến ông nhớ nhất đó là trận phục kích nhóm lính Pháp thuộc đại đội 11 sau khi nhóm lính này tham gia một trận càn đang trên đường trở về khu đồn ở vùng Thái An (Bình Thuận). Đại đội của ông Bông, khi đó ông giữ chức tiểu đội trưởng, được lệnh phục kích dưới một đám ruộng nằm bên cạnh một con suối cạn sâu khoảng 1,8m. Người chỉ huy trung đội lệnh chờ cho nhóm lính Pháp, hơn 20 tên, đến thật gần mới nổ súng. Cả đại đội chỉ có 1 khẩu Bren và khoảng 30 người có súng, những người còn lại chỉ có giáo mác và mã tấu.
Khi chỉ còn cách chỗ phục kích 40m, tiểu đội của ông Bông bị nhóm lính Pháp đi trên ôtô phát hiện. Nhóm lính bắn như mưa về phía quân ta. Ông Bông lao tới chộp khẩu súng Bren do một người lính Việt Minh giữ lao lên mặt đường bắn lại.
Sau 15 phút giao tranh, một số lính Pháp chết, số còn lại vứt súng bỏ chạy thục mạng. Ông Bông cùng đồng đội tiến về phía những tên lính Pháp bị chết để lấy súng và đạn dược thì phát hiện đây là chính là những người lính lê dương thuộc đại đội 3 mà trước đây ông từng biết. Trong số những người lính này có một người Đức bị đạn bắn vào đầu.
Tưởng người lính đã chết, ông Bông đưa tay lấy chiếc bi đông nước ở thắt lưng của lính thì đột nhiên người này chồm lên bỏ chạy. Chạy được 10m thì người lính lảo đảo ngã xuống, lại đứng dậy chạy và rồi chết. Giọng ông chợt chùng xuống khi kể về cái chết của người đồng đội cũ. Những hình ảnh về quá khứ đau thương như quay lại đè nặng lên người lính già.
Ngừng một lát, ông Bông kể tiếp: Năm 1954, tôi tập kết ra Thanh Hóa rồi sau về làm lái xe tại Nông trường Phú Quý cách Đồng Hới (Quảng Bình) 3-4 km. Tại đây, ông Bông gặp một cô gái Quảng Bình có bố làm nghề bán thuốc đông dược. Năm 1961, họ nên vợ nên chồng và có 3 cậu con trai. Khi được hỏi về mối tình của mình, ông Bông nói: “Người ta chỉ có thể yêu một lần trong đời. Tình yêu của tôi với vợ cũng vậy”.
Năm 1965, được sự cho phép của chính phủ 2 nước, ông Bông cùng vợ trở về Hy Lạp thăm người mẹ già đã 80 tuổi và người anh trai của mình. Không quen với cuộc sống thành thị, vợ chồng ông Bông chọn một hòn đảo du lịch cách thủ đô Athens 500 cây số làm nơi sinh sống.
Đây là quãng thời gian khó khăn nhất đối với ông Bông. Không có nghề cụ thể, ông Bông phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống: Sửa chữa ô tô, xe máy, lái xe. Sau một thời gian làm việc, tiết kiệm ông Bông mở một cửa hàng sửa chữa và bán đồ phụ tùng ô tô và ông gắn bó với cửa hàng cho đến khi nghỉ hưu, cách đây 2 năm.
Năm 1994, sau khi nghỉ hưu, ông Bông cùng vợ quay trở lại Hòa Đa thăm chiến trường xưa, tìm lại những người đồng đội từng chia ngọt sẻ bùi với ông sau gần 30 năm bặt tin. Sau một vài ngày tìm kiếm, tình cờ ông Bông gặp ông Nhẹ, một đồng đội từng chiến đấu với ông. Tiếng gọi “Đồng chí Bông” của người lính già khiến ông Bông lặng người. Chuyến đi của ông đã không vô ích.
Được tin báo, hơn 30 đồng đội của ông Bông liền tổ chức một cuộc gặp mặt tại Phan Thiết chào đón người đồng đội trở về thăm chiến trường xưa. Vài ngày sau, ông Bông quay trở về Hy Lạp.
Sau khi trở về nước những kỷ niệm đẹp thời trai trẻ và tình cảm của những đồng đội cũ luôn thôi thúc ông quay lại Việt Nam. Mỗi khi tích cóp được một khoản tiền từ những đồng lương hưu ít ỏi là ông Bông lại lên đường về Việt Nam. Từ năm 1994 đến nay, ông Bông đã trở lại Việt Nam 4 lần.
Theo Phạm Tuyên
Tiền phong