1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gặp người lính đánh trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh

(Dân trí) - Những ngày này, ông sống trong tâm trạng bồi hồi. Nhiều đồng đội đã ngã xuống để mở đường vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ-Ngụy. Trận chiến ấy không chỉ có niềm vui chiến thắng mà cả nỗi đau của người chỉ huy khi cả đại đội chỉ còn 9 người trở về.

Gặp người lính đánh trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh
Thiếu tá Chu Văn Lan hồi tưởng lại trận đánh vào phóng tuyến Xuân Lộc, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh

Sinh năm 1950 tại xã Hưng Yên (Hưng Nguyên, Nghệ An), 18 tuổi, chàng trai Chu Văn Lan (hiên trú tại khối 2, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An) lên đường bảo vệ Tổ quốc. Anh chiến đấu 5 năm trời ở mảnh đất khói lửa Quảng Trị cho đến ngày Hiệp định Pari được ký kết và được cử vào học Trường Sỹ quan lục quân 1. Học được hơn 1 năm, do tình hình chiến sự khốc liệt, tháng 7/1974, Chu Văn Lan được điều về Sư đoàn 341 với chức vụ Trung đội trưởng vệ binh rồi chính trị viên phó đại đội 5, tiểu đoàn 5, trung đoàn 270, Sư đoàn 341 (còn có tên gọi khác là Sư đoàn Sông Lam).

Sau 10 ngày ở Quảng Bình, đơn vị ông được lệnh hành quân thần tốc vào miền Đông Nam Bộ. Cùng với các đơn vị bạn, đại đội 5 được lệnh tấn công, giải phóng thị xã Xuân Lộc (thuộc tỉnh Long Khánh cũ, nay là tỉnh Đồng Nai).
 
“Xuân Lộc là 1 trong 3 phòng tuyến cuối cùng của Mỹ - Ngụy để bảo vệ Sài Gòn. Bởi vậy nơi đây được bố trí đông đảo lực lượng địch gồm sư đoàn 18 bộ binh, Lữ đoàn dù số 3, lực lượng bảo an, thủy quân lục chiến, lại dược sự yểm trợ của 3 sư đoàn không quân. Nếu phòng tuyến này bị chọc thủng, địch sẽ mất thành lũy cuối cùng là Sài Gòn. Bởi vậy, có thể xem Xuân Lộc là trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Trung tá Chu Văn Lan nói.

Nhiệm vụ của đại đội 5 là mở cửa mở để tiểu đoàn và đơn vị bạn tấn công, thọc sâu vào Xuân Lộc và cắm cờ trên nóc dinh tỉnh trưởng Long Khánh. 17h40 phút ngày 8/4, đơn vị được lệnh ra trận, đích thân đống chính Phó chính ủy sư đoàn - Thượng tá Phạm Bình Minh trao cờ “Quyết chiến - quyết thắng” và chúc anh em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đại đội 5 nằm trong đội hình trung đoàn 270 cùng Trung đoàn 266 (E3) đảm nhận tấn công hướng thứ yếu từ phía Đông Bắc thị xã Xuân Lộc.

4h sáng ngày 9/4, đơn vị tiếp cận trận địa. 5h40 phút, pháo cấp tập vào thị xã Xuân Lộc, đại đội 5 nâng đội hình đến sát vị trí dự định mở cửa mở. 6h sáng, bộc phá liên tục được đánh vào hàng rào của địch và tiếng xung phong vang dậy đất trời. Lúc này, địch đã xác định được hướng tấn công của ta nên điều lực lượng mạnh cùng pháo cao xạ tới quyết đẩy lùi quân giải phóng ra phía sau.

Ông Lan (ngoài cùng bên phải) và những người đồng đội ngày gặp lại
Ông Lan (ngoài cùng bên phải) và những người đồng đội ngày gặp lại

“Sau đợt phản công đầu tiên của địch, trung đội trưởng Nguyễn Văn Giai cùng 14 chiến sỹ hi sinh tại cửa mở. Đại đội phó Hồ Viết Sửu tiếp tục tổ chức anh em xung phong nhưng trúng hỏa lực mạnh của định và hi sinh. Anh Hoàn - đại đội trưởng ôm súng xung phong nhưng bị bắn trọng thương ở đùi. Chính trị viên Ngô Sỹ Hường tiếp tục xông lên nhưng cũng bị thương. Lúc này, tôi được lệnh trực tiếp chỉ huy đại đội tổ chức xung phong”, ông Lan nhớ lại.

Đội hình bắt đầu rối loạn do cán bộ đại đội, cán bộ trung đội bị thương và hi sinh. Xốc lại tinh thần, củng cố đội hình đội ngũ, ông Lan phát động xung phong chiếm lĩnh trận địa. Với sự yểm trợ của 2 khẩu đại liên, các chiến sỹ vượt qua được hỏa lực địch, tiếp cận và chiếm lĩnh trường học (lúc này đã bị địch biến thành lô cốt chống trả sự tấn công của quân giải phóng). Với khẩu súng chắc trong tay, chính trị viên phó Chu Văn Lan vượt qua vòng vây của pháo và đạn súng trường bắn như vãi trấu, tiếp cận được trường học. Các chiến sỹ khác cũng lao lên. Địch hoảng sợ, bỏ lô cốt tìm đường tháo chạy.

Đến 8h30 phút, tiểu đoàn và các đại đội khác đã xông lên tiếp cận được cửa mở để tiến sâu vào trong. Đại đội 5 dưới sự chỉ huy của Chính trị viên phó Chu Văn Lan đã chiếm được các lô cốt đầu cầu, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn xông vào, phát triển đội hình tiến thẳng vào dinh tỉnh trưởng. Tuy nhiên, do chưa quen với địa hình địa vật nên lực lượng ta bị thương vong khá nhiều. Hai bên đi vào thế giằng co quyết liệt.

Đến 6h chiều ngày 9/4, cả đại đội 5 đi cùng Chu Văn Lan chỉ còn 7 người, trong đó hầu hết đã bị thương. “Biết không thể tiến sâu thêm nữa, chúng tôi quyết định rút ra ngoài. Tuy không hoàn thành được nhiệm vụ cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng nhưng đại đội 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở cửa mở, tạo đà cho các lực lượng khác thọc sâu vào căn cứ Xuân Lộc. Về đến địa điểm tập kết, toàn đại đội chỉ còn vỏn vẹn 9 người, còn lại đã hy sinh hoặc trọng thương trên đường tấn công”.

Cuộc chiến đấu phá vỡ phòng tuyến Xuân Lộc giằng co thêm 11 ngày nữa lực lượng quân giải phóng mới có thể chiếm lĩnh trận địa, cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng và giải phóng hoàn toàn Long Khánh. Phòng tuyến Xuân Lộc bị phá vỡ, địch bỏ chạy tán loạn hoặc co cụm chống cự yếu ớt trước khi tìm đường tháo chạy ra biển hoặc lên máy bay trốn sang Mỹ.

Ông Lan (ngoài cùng bên phải) và những người đồng đội ngày gặp lại
Phút trầm tư khi nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống, trong trận đánh vào Xuân Lộc, đại đội của ông chỉ còn 9 người trở về

Trận Xuân Lộc toàn thắng, dù đang bị thương nặng nhưng chính trị viên phó Chu Văn Lan vẫn quyết định ở lại, xốc lại đội hình. Được bổ sung thêm một trung đội vận tải và cán bộ thu dung của các đơn vị khác, đại đội lại bước vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ông Lan được bổ nhiệm chức vụ chính trị viên đại đội, đơn vị được tổ chức, kiện toàn.

Đêm 26/4, tiếp tục nhận nhiệm vụ mở cửa mở, đại đội 5 được lệnh tấn công vào căn cứ Trảng Bom. Đến 9h sáng ngày 27/7, căn cứ Trảng Bom đã bị xóa sổ. Thừa thắng xông lên, trên đường tiến vào Sài Gòn, đơn vị ông tiếp tục hạ căn cứ Hố Nai và đánh đuổi đám tàn quân của địch đang co cụm về Sài Gòn.

“Khi chúng tôi tiến vào trung tâm thành phố thì Quân đoàn 2 đã hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập được hơn 1 tiếng. Không thể nói hết được niềm hạnh phúc, vui mừng của thời khắc giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi, những người lính rất trẻ đã ôm nhau khóc, nhảy múa trước tiếng hò reo của cờ và hoa, của niềm vui trong ngày đại thắng”, ông Lan bồi hồi nhớ lại.

Đất nước thống nhất, với những đóng góp quan trọng trong trận chiến cuối cùng, đại đội 5 được phong tặng anh hùng. Hết chiến tranh, sư đoàn 341 tham gia nhiệm vụ quốc tế ở Camphuchia, ông tiếp tục chiến đấu cho nhiệm vụ quốc tế cao cả ở đây đến năm 1980. Năm 1990, thiếu tá, tham mưu phó Trung đoàn 270 Chu Văn Lan chính thức nghỉ hưu cùng với một mảnh đạn ăn sâu vào não.

Hiện 3 người con trai của ông đều đã thành đạt, có vị trí xã hội ở Sài Gòn và Hà Nội. Ông và vợ cũng theo ra thủ đô chăm sóc các cháu và quây quần với các con. Ông hài lòng với hạnh phúc bình dị ấy nhưng vẫn canh cánh bên mình hình ảnh những người đồng đội đã ngã xuống trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm