1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Gặp người kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn độc lập

(Dân trí) - Sau 69 năm, giây phút kéo cờ vẫn in đậm trong tâm trí GS. Lê Thi, người phụ nữ đã kéo lá cờ đỏ sao vàng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9.



 

Hồi ức về thời khắc lịch sử hào hùng của ngày 2/9/1945, bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa) vẫn vẹn nguyên xúc động nhớ về những giây phút tự hào với niềm vinh dự đặc biệt!

“Tôi là người may mắn nhất trong thời khắc lịch sử ấy”

Theo lối cầu thang gỗ của ngôi nhà cổ trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), chúng tôi lên căn phòng ấm cúng của gia đình bà Lê Thi - người thiếu nữ năm xưa kéo cờ trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đồ đạc trong căn nhà không có gì đặc biệt ngoài những tập sách, ảnh và những kỷ vật của một thời tuổi trẻ với đồng đội. Tất cả đều được bà lưu giữ rất cẩn thận.

Bà Lê Thi sinh năm 1926 trong một gia đình nho học, là con gái thứ tư của cố giáo sư Dương Quảng Hàm, một trí thức nổi tiếng, thầy dạy Việt văn và sử Việt Nam ở trường Bưởi. Năm 1942, khi đang học tại trường Đồng Khánh, bà Lê Thi và một số người bạn thường truyền tay nhau đọc báo Cứu quốc và sớm có ý thức ủng hộ Việt Minh. Liều lĩnh bỏ qua mong ước của cha mẹ là cho con gái thi cao đẳng sư phạm để nối nghề dạy học, bà trốn nhà đi hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, bà Lê Thi chính thức trở thành chiến sĩ Việt Minh, hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ cứu quốc.

Cô gái trẻ năm ấy đi tìm tất cả những người quen biết, vận động mọi người tham gia cách mạng. Chỉ bằng những mối quan hệ trong giới học sinh, Thi đã thu gom được nhiều gạo, muối, tôm khô... để gửi lên chiến khu, nơi có lãnh tụ Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh.

Gặp lại nữ sinh Đồng Khánh kéo cờ ngày 2/9/1945
Bà Lê Thi - nữ sinh Đồng Khánh kéo cờ trong giây phút lịch sử 69 năm trước.

Hơn một tháng, gần đến ngày khởi nghĩa, cô nữ sinh mới quyết định về nhà báo cáo với cha mẹ. “Tôi về nhà lúc đó cũng sợ lắm, đinh ninh sẽ bị cha mẹ trách mắng, nhưng không ngờ cha tôi chỉ nhắc nhở vài câu rồi bỏ qua. Cha mẹ cũng hiểu cho tôi trong không khí cách mạng lúc bấy giờ” - bà Lê Thi kể.

Câu chuyện diễn ra cách đây 69 năm, nhưng qua lời kể của bà, cảm xúc tràn về như mới diễn ra ngày hôm qua. Bà Lê Thi bồi hồi nhớ lại: “Việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập là hoàn toàn ngẫu nhiên, không hề được báo trước.

Ngày đó, tôi dẫn đầu đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh “Thi lên đi”. Khi ấy, tôi run lắm nên vẫn đứng yên. Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, tôi “liều” bước lên”.

Khi bà lên đến nơi, đã thấy một chị du kích người Tày đại diện cho An toàn khu đứng ở đó. Chưa kịp hỏi tên nhau, hai cô gái đã được dẫn đến cột cờ chuẩn bị nghi lễ. Bà Thi cho biết: “Được chọn lên để kéo cờ là may mắn của tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi và nhiều người được nhìn thấy Bác, vị cha già kính yêu của dân tộc. Lúc đó, Người mặc bộ quần áo ka ki, đi dép cao su...”.

Kí ức mùa thu độc lập!

Có lẽ bà Thi có duyên với việc kéo cờ. Bà kể, thời còn là học sinh trường Đồng Khánh, chiều nào bà cũng phải cùng một bạn kéo cờ Pháp. Thế nhưng vì có ý chống đối chính quyền Pháp nên kéo cờ lúc nào cũng trong tình trạng cái cao, cái thấp, nhiều khi lại làm cờ bị mắc kẹt, có lần bà còn cố tình để cờ rơi xuống đất. Thế nên ngày 2/9/1945, đứng trước lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, làm một nhiệm vụ trọng đại mà không được tập trước... bà rất run.

“Tôi lo lắm vì mình kéo cờ nhỡ mắc thì sao? Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì có tiếng nói cắt ngang: “Chuẩn bị kéo cờ”. Tôi vội vàng nói với chị du kích người Tày: Chị thấp chị nâng cao cờ lên, em cao hơn sẽ kéo. Hai chị em thỏa thuận như thế và “nín thở” kéo cờ. Đến khi lá cờ đã lên cao, tung bay trong bản nhạc Tiến quân ca tôi mới dám thở phào”, bà Thi chia sẻ.

Bà Lê Thi - nữ sinh Đồng Khánh kéo cờ độc lập ngày 2/9/1945, lúc 19 tuổi.

Nữ sinh Đồng Khánh kéo cờ độc lập ngày 2/9/1945, lúc 19 tuổi.

Bà khoe với chúng tôi tấm ảnh chụp chung với cô du kích người Tày - bà Đàm Thị Loan, người cầm lá cờ cho bà Thi kéo ngày hôm ấy. Bà Đàm Thị Loan là phu nhân cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, đã viết lại những dòng hồi ký của mình về “cô thiếu nữ Hà Nội” trong cuốn Từ Việt Bắc đến Tây Ninh xuất bản năm 1988. Còn bà Lê Thi thì viết bài báo đăng trên nội san của cơ quan mình về “cô du kích người Tày". Vô tình tìm được mối liên hệ giữa hai bài báo, hai người đã có những cuộc hội ngộ xúc động vào ngày 2/9/1989, sau 44 năm. 

Bà Thi cho biết, bà Đàm Thị Loan sinh năm 1926 tại Cao Bằng. Người thiếu nữ dân tộc Tày đã sớm đến với cách mạng từ những ngày còn gian khó; tròn 14 tuổi đã bắt đầu tham gia hội Việt Minh, ở xã Bình Long, huyện Hòa An, Cao Bằng, từ đó Đàm Thị Thoa lấy bí danh là Thanh Xuân.

Cô gái người Tày này là một trong số 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trong lễ tuyên thệ ngày 22/12/1944. Sau ngày Độc lập, bà Loan được giao giữ chức trung đội trưởng Đội tự vệ thành Hoàng Diệu, sau này chiến tranh xảy ra lại trở về chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, bà chuyển sang làm nhiệm vụ cơ yếu (Bộ Tổng tham mưu). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, bà lại có mặt ở Tây Ninh.

Nhưng kể từ năm 2010, mỗi dịp Quốc Khánh đến, bà Lê Thi buồn hơn nhiều vì không được gặp người bạn cùng kéo cờ năm xưa nữa. Bà Đàm Thị Loan sau một thời gian dài lâm bệnh đã mất, đem quá khứ hào hùng ấy vào cõi hư vô.

Sống và làm việc theo cách mạng

Mãi cho đến sau này, bà Thi vẫn luôn thầm cảm ơn cơ hội “ngàn năm có một” ấy, không những đem lại niềm vinh dự, tự hào mà khi được nhìn thấy Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, được nghe hàng triệu người đồng thanh hô to: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!” - bà đã hoàn toàn tin tưởng, quyết tâm đi theo, làm cách mạng đến cùng.

Bà bảo, sau ngày 2/9 lịch sử ấy, bà dành tất cả thời gian và sức lực cho cách mạng. Bà vận động những gia đình giàu có quyên góp gạo, muối mang đi cứu đói cho người nghèo. Bà dạy học ở những lớp bình dân học vụ rồi thoát ly gia đình gia nhập Trung đoàn Thủ đô... 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), người phụ nữ bé nhỏ ấy đã chiến đấu như những người lính thực thụ để bảo vệ từng tấc đất Hà Nội, cùng thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bà Lê Thi - nữ sinh Đồng Khánh kéo cờ độc lập ngày 2/9/1945, lúc 19 tuổi.
Một góc nhỏ làm việc của bà Lê Thi với nhiều kỷ vật khó quên và những bằng khen thưởng được trao tặng.

Vào chiến khu, bà được điều động lên Vĩnh Yên làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ Tuyên Quang. Trên những cương vị mới, bà đã hoàn thành xuất sắc việc vận động và tập hợp nữ giới tham gia kháng chiến, xây dựng hậu phương cho cuộc đấu tranh chống Pháp trường kỳ.

“Thời kỳ gian khổ nhất là những năm 1950-1953, tôi được điều về hoạt động giữa lòng địch trong nội thành Hà Nội. Tôi tiếp tục làm công tác vận động, tuyên truyền chị em phụ nữ ở đây ủng hộ kháng chiến. Nhiều lần giáp mặt với lính Pháp, phải dùng mưu kế để thoát thân và hoàn thành nhiệm vụ”.

Quãng đời hoạt động cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp chung của bà tiếp tục trải qua nhiều công việc, sau đó kết thúc bằng việc thành lập và đứng đầu Viện Nghiên cứu gia đình và giới. Bà được Nhà nước phong hàm giáo sư năm 1991.

Giờ đây, khi tuổi đã cao, bà Lê Thi vẫn tìm niềm vui trong công việc nghiên cứu, viết sách. Bà đã có 15 đầu sách được xuất bản trong đó cuốn “ Truyền thống trung hậu, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà của phụ nữ Việt Nam” vừa mới được ra mắt 2 tháng trước, năm bà 88 tuổi.

Bà chia sẻ, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn muốn cống hiến cho xã hội những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm tháng học tập và chiến đấu mà mình đã trải qua.

Xuân Ngọc - Quốc Cường - Quỳnh Nguyên