1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện chưa từng tiết lộ về tướng cướp hiền “đầu bạc” khét tiếng xứ Thanh:

Gặp người chỉ huy trinh sát luồn sâu, đột nhập hang ổ tướng cướp

Người chỉ huy tổ trinh sát ấy là đại tá Phạm Quang Khảm, hiện là giám thị Trại giam Suối Hai (Tổng cục VIII, Bộ Công an). Trước đây, từ một trinh sát, ông đã trưởng thành và từng giữ chức Phó phòng CSHS Công an Hà Sơn Bình (cũ).

Đại tá Phạm Quang Khảm
Đại tá Phạm Quang Khảm
 
Khi nhắc đến chuyên án V89, tấn công, vây bắt băng cướp Hiền “bạc”, mặc dù thời gian đã trôi qua hơn 20 năm nhưng ông vẫn nhớ như in đến từng chi tiết, bởi đây là một trong những dấu ấn trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

 

Có điều, hơn 20 năm qua, vụ triệt phá băng cướp Hiền “bạc” dù được coi là một trong những chiến công xuất sắc, một chuyên án “kinh điển” của lực lượng CSND, có khá nhiều tờ báo viết về chiến công này nhưng chưa hề có một bài báo nào đề cập đến mũi tấn công của nhóm trinh sát quả cảm Công an Hà Sơn Bình (cũ) - chỉ có 4 CBCS hóa trang thành dân đào đãi vàng, cắt rừng, leo núi, thọc thẳng vào sào huyệt băng cướp Hiền “bạc”.

 

Thử thách đầu tiên và chuyện suýt bại lộ

 

Đầu tháng 9.1990, sau những cuộc vây bắt bất thành, những vụ trả thù đẫm máu, Phạm Quang Khảm đang là Đội trưởng Đội trọng án Phòng CSHS Công an Hà Sơn Bình thì được Cục CSHS, Bộ Công an triệu tập lên họp cùng với đồng chí Trần Thùy -Trưởng phòng CSHS (nay là Thiếu tướng, Phó giám đốc CA TP.Hà Nội).

 

Sau khi nghe Công an Thanh Hóa báo cáo tình hình và trình bày phương án truy bắt băng cướp Hiền “bạc”, Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp - lúc ấy là Cục trưởng Cục CSHS, người mà tên tuổi gắn liền với chuyên án nổi tiếng phá vụ bắt cóc, tống tiền, sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga - đã có ý kiến chỉ đạo:

 

Do địa hình vùng vàng Lũng Cao hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo nên không thể đánh trực diện mà yêu cầu Công an Hà Sơn Bình tổ chức lực lượng bí mật cắt rừng, trèo núi đánh tập hậu, tạo điều kiện cho Công an Thanh Hóa tổ chức lực lượng chia làm 4 mũi tấn công vào bãi vàng. Ông cũng yêu cầu Công an Thanh Hóa phải có một mũi chốt chặn ở khu vực Eo Kén, không cho bọn cướp tháo chạy sang Nghệ An.

 

Sau cuộc họp ấy, 2 trinh sát Nguyễn Như Thụ (nay là thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng) và Phạm Diễn (nay đã nghỉ hưu) được giao nhiệm vụ vào Lũng Cao trinh sát. Trong “vai” dân đào đãi vàng, Thụ và Diễn mất mấy ngày luồn rừng tìm đường tiếp cận bãi vàng hang Kịt. Lũng Cao là một thung lũng nhỏ, bao bọc xung quanh toàn là núi cao, hiểm trở với những mỏm tai mèo lởm chởm. Có con đường mòn dân vẫn đi nhưng đột nhập theo con đường này dễ bị lộ. Nếu trèo qua núi, tuy vất vả nhưng giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ và điều quan trọng là đột nhập ngay vào khu hang Kịt, sào huyện Hiền “bạc”.

 

Với địa hình hiểm trở như thế, không thể triển khai được lực lượng đông, Trưởng phòng Trần Thùy quyết định chỉ chọn 4 trinh sát giỏi võ thuật, dũng cảm, mưu trí, có sức khỏe trèo qua núi, bí mật, bất ngờ đánh thẳng vào hang Kịt, nơi Hiền “bạc” đặt “đại bản doanh” và khu vực chứa lương thực, vũ khí, với mục đích khiến bọn cướp hoảng sợ, bỏ chạy tạo điều kiện cho các mũi tấn công của Công an Thanh Hóa và quân đội đánh vào.

 

Phương án táo bạo này được Cục CSHS nhất trí. Bốn trinh sát được Trưởng phòng Trần Thùy chọn thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm ấy là Phạm Quang Khảm, Nguyễn Như Thụ, Phạm Diễn và Đỗ Thế Dự do Đội trưởng Khảm trực tiếp chỉ huy. Mỗi trinh sát được trang bị 1 khẩu AK báng gấp, 1 khẩu K54 cùng 2 cơ số đạn và thuốc chữa bệnh, bông băng, lương khô đảm bảo chiến đấu, sinh hoạt trong 3 đến 4 ngày.

 

Theo kế hoạch, trưa 11.9.1990, 4 trinh sát cùng Trưởng phòng Trần Thùy từ Hà Đông lên đường. Đến khu vực ngã ba Tòng Đậu thuộc Mai Châu (Hòa Bình), nhằm tránh “tai mắt” của Hiền “bạc”, các trinh sát xuống xe ôtô, theo đường 15 đi bộ nhằm hướng Bá Thước. Súng đạn giấu trong ba lô, các trinh sát hóa trang thành dân đào đãi vàng cũng có máng đãi vàng, cuốc, xẻng... Trời về chiều. Mặt trời khuất dần sau dãy núi trên đỉnh Thung Khe. Họ cùng nhau lầm lũi bước.

 

Sau khi chia tay các trinh sát, Trưởng phòng Trần Thùy đến Công an huyện Mai Châu đặt “sở chỉ huy” ở đây để giữ liên lạc với Cục CSHS và Công an Thanh Hóa, sẵn sàng huy động lực lượng chi viện.

 

Do địa hình, máy bộ đàm không sử dụng được nên quy ước nếu có gì trục trặc phải cử người chạy bộ ngược trở ra bưu điện gần nhất thuộc Mai Châu điện báo về cho Trưởng phòng Trần Thùy. Trời tối dần.

 

Đi đến khu vực Co Lương thuộc xã Vạn Mai (Mai Châu), tổ trinh sát bỏ đường 15 cắt rừng đi theo lối tắt. Tới rạng sáng, khi đi đến địa phận Xăm Khòe (Mai Châu), tổ trinh sát gặp 6-7 người quê ở Hòa Bình cũng đang trên đường vào bãi vàng hang Kịt.

 

Không thể để những người dân vô tội này đi vào nơi sắp xảy ra “chiến sự”, các trinh sát khéo léo nói với họ rằng, trong khu hang Kịt có tên cướp Hiền “bạc” khá tàn độc không nên vào, còn họ vốn là “dân” đào đãi vàng ở khu vực này vừa tìm được hang mới nên bí mật quay trở lại, định làm ăn lẻ.

 

Trong số các trinh sát, có Phạm Diễn, dáng cao lớn, hầm hố với cặp môi trề nên có biệt danh Diễn “trề” trông bộ dạng chẳng khác gì chủ “bưởng” nên nghe anh nói đám người ấy quay trở ra.

 

Tuy nhiên, các trinh sát không thể ngờ, trong số người này có Đặng Văn Hợi (SN 1959), quê ở Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Sơn Bình) được Hiền “bạc” cử đi tuyển dụng số nhân công này. Nghi nhóm 4 tay “thợ” đào đãi vàng là cảnh sát nên sau khi giả vờ trở về, Hợi quay lại chạy vào hang Kịt báo tin cho Hiền “bạc”.

 

Đấu súng chát chúa giữa sào huyệt

 

Sau khi tay không bám vào những mỏm núi tai mèo trèo lên sây sát đến tứa máu, rồi dùng dây đu người xuống, khoảng 5 giờ sáng hôm sau, tổ trinh sát lọt vào hang ổ bọn cướp. Mặc dù được Hợi báo tin nhưng Hiền “bạc” ỷ vào địa hình núi non hiểm trở, trước đây Công an Thanh Hóa còn không làm gì được, huống hồ bây giờ lại chỉ có 3-4 “thằng công an quèn” nên chủ quan.

 

Hắn cười khẩy rồi viết mấy chữ lên tờ giấy dán ở cửa hang, giọng đầy kiêu ngạo: “Tôi đã biết trước cách đây 2 ngày, các ông rút đi cho được việc và an toàn tính mạng. Ký tên: Hiền”. Sau đó, hắn ôm người tình ngủ tiếp. Chỉ đến khi 4 trinh sát nổ súng, tiếng AK dội vào vách núi rền vang, Hiền “bạc” mới choàng tỉnh, không kịp mặc quần áo, hốt hoảng vơ khẩu K54, kéo người tình bỏ chạy lên núi.

 

Như rắn mất đầu, đám “đệ tử” của Hiền “bạc” cũng bỏ chạy tán loạn. Cùng lúc các mũi tấn công của Công an Thanh Hóa phối hợp với lực lượng quân đội đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trong sào huyệt băng cướp.

 

Nhanh chóng chiếm “kho” lương thực, vũ khí của băng cướp theo đúng kế hoạch được giao nhưng Khảm không trụ lại mà anh cùng tổ trinh sát giả vờ rút đi sau đó bí mật quay lại, ém mình mật phục.

 

Đúng như nhận định, tối hôm ấy, các trinh sát tóm được Mai Đình Thành - kẻ phụ trách “hậu cần” của băng cướp, do đói quá nên Hiền “bạc” cử về lấy lương khô. Rồi tên Mai Văn Sinh được cử đi Thái Nguyên tuyển dụng nhân công vừa quay về cũng bị các trinh sát bắt giữ.

 

Hôm sau, các trinh sát tiếp tục phục bắt được Bùi Văn Thăng và Đặng Văn Hợi, thu 1 lê AK. Đến lúc này, các anh mới biết Hợi có mặt trong nhóm người ở Hòa Bình và chính hắn lẻn chạy về báo tin cho Hiền “bạc”. Qua khai thác, các trinh sát được biết, Hiền “bạc” cùng người tình và một vài tên cướp khác đang ẩn náu trên đỉnh mỏm Tai Bèo với ý định chờ công an rút sẽ trở về hang Kịt lập lại “giang sơn”.

 

Bắt bọn này dẫn đường, 4 trinh sát bí mật trèo lên tập kích vào mỏm Tai Bèo. Bị bất ngờ, Hiền “bạc” hốt hoảng chỉ kịp nổ được một phát súng bắn trả, rồi bỏ cả người tình và đồng bọn tháo chạy xuống núi. Sau đó, Khảm và các trinh sát được Công an Thanh Hóa thông báo, Hiền “bạc” chạy dạt xuống nhà một nhà dân ở làng Hang, xã Lũng Cao cướp quần áo mặc rồi chạy đến nhà ông Vi Văn Sầm cùng bản lẩn trốn thì bị tóm giữ cùng 1 khẩu K54.

 

Suốt 3 ngày đêm chỉ với lương khô và nước suối, tổ trinh sát Công an Hà Sơn Bình đã kiên trì, mưu trí chiến đấu bắt được 4 tên cướp và điều quan trọng là nổ súng đánh ngay từ trong hang ổ khiến Hiền “bạc” và toán cướp bỏ chạy, góp phần cùng Công an Thanh Hóa triệt xóa băng cướp nguy hiểm này.

 

Theo Đỗ Đức Thiết

Lao Động