1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống

Xuân Sinh

(Dân trí) - "Đội của tôi 15 người thì có 8 người mãi không trở về, có những người đồng đội hy sinh trước mắt mình, thi thể không còn nguyên vẹn nữa…".

Ranh giới sống - chết mong manh

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống - 1

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Lứ kể về những năm tháng hào hùng trong nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức bi tráng vẫn còn nguyên trong tâm trí Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Lứ (SN 1942, trú tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hồng Lộc, 21 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Lứ lên đường tham gia làm công nhân ngành Giao thông vận tải (GTVT) Hà Tĩnh. Sau đó, ông được cử đi học lớp rà phá đánh bom từ trường.

Sau khi học xong, nhờ sự thông minh, nhanh trí, lại can trường, ông được cấp trên tin tưởng, giao giữ chức vụ Đội trưởng Đội rà phá bom mìn của ngành GTVT Hà Tĩnh. Khu vực hoạt động của đội chủ yếu ở Ngã ba Đồng Lộc, đường 15A và quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Can Lộc, Đức Thọ.

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống - 2

"Có những nhiệm vụ mà chúng tôi xác định bước vào là chết nhiều hơn sống, nhưng điều đó không làm chúng tôi chùn bước", ông Lứ chia sẻ. 

Nhiệm vụ của đội là quan sát, kịp thời phát hiện các vị trí quân địch rải bom, để cắm tiêu và tổ chức tháo gỡ bom, đảm bảo tuyến đường luôn được xuyên suốt.

Trong 5 năm làm Đội trưởng Đội rà phá bom, ông cùng các đồng đội đã trải qua không biết bao nhiêu nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ là một ký ức mà có lẽ ông không bao giờ quên.

"Có những nhiệm vụ mà chúng tôi xác định bước vào là chết nhiều hơn sống, nhưng điều đó không làm chúng tôi chùn bước. Chúng tôi đã luôn xác định, làm nhiệm vụ này thì ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh", ông Lứ nói.

Ông Lứ kể, vào đầu tháng 6/1968, quân địch đánh phá ác liệt, rải bom khắp nơi trên chiến trường Can Lộc và có nhiều quả bom đã rơi chìm dưới sông đoạn Cầu Già (huyện Can Lộc), chia cắt tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam. Nhiệm vụ của đội là phải xác định vị trí và phá hết những quả bom này để làm cầu phao thông tuyến cho xe qua.

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống - 3

Dù mang nhiều vết thương ở trên người, nhưng được sống để trở về là niềm hạnh phúc, may mắn đối với ông.

"Có lẽ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhất. Vì bom chìm dưới nước, để xác định được vị trí của nó rất khó và việc phá càng khó hơn", ông Lứ cho biết.

Lúc này, ông Lứ xung phong làm nhiệm vụ. Biết sẽ rất nguy hiểm, lành ít, dữ nhiều nên trước khi làm nhiệm vụ, các đồng đội đã làm lễ truy điệu sống cho ông.

"Vào đó thì xác định là chết sẽ nhiều hơn sống, nên các đồng đội đã làm lễ truy điệu sống cho tôi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ phải vận dụng hết khả năng của mình để hoàn thành nhiệm vụ, vì đại cục", ông Lứ chia sẻ.

Ông Lứ cho biết, để phá những quả bom đang bị chìm dưới nước, ông phải ghép các thùng phi lại với nhau giống như cái bè. Phần mặt thùng phi tiếp giáp với nước, ông nối những cục nam châm rồi thả xuống, dùng sức kéo qua kéo lại để nam châm chạm trúng các quả bom.

"Chỉ trong chốc lát, hàng loạt tiếng nổ vang trời, nước bắn tung tóe. Sau đó, tôi thấy một sức ép mạnh đẩy, hất văng tôi lên. Khi tỉnh dậy thì tôi đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện", ông Lứ nhớ lại.

Đó không phải lần đầu, mà trong suốt thời gian làm nhiệm vụ rà, phá bom, ông đã 4 lần được các đồng đội làm lễ truy điệu sống cho mình. Bản thân ông cũng 9 lần bị thương thì 6 lần phải nhập viện vì bom đạn.

Phải sống cho xứng với sự hy sinh của đồng đội

Khi đang kể về những năm tháng hào hùng ấy, ông Lứ bỗng ngừng lại, ánh mắt nhìn xa xăm, rơm rớm nước mắt. Đã có nhiều đồng đội của ông đã phải hy sinh, hy sinh trước mắt ông.

"Được truy điệu sống nhiều lần, mang nhiều thương tích trên người, nhưng tôi vẫn được trở về sau ngày giải phóng. Trong khi đó, nhiều người đồng đội của tôi đã mãi không về", ông Lứ rơm rớm nước mắt.

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống - 4

Có những lần đang làm nhiệm vụ, những quả bom phát nổ, mảnh bom văng qua đầu ông.

Ông Lứ tiếp câu chuyện, vào đêm của một ngày đầu tháng 6/1968, quân địch đã lặng lẽ thả hàng chục quả bom tại trận địa Cầu Cổ Ngựa (xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc). Đến sáng ngày hôm sau ta mới phát hiện, đoàn xe hành quân của ta bị tắc lại, không đi được.

Lúc ấy, đội của ông được chia thành nhiều tổ nhỏ để tổ chức rà, cắm tiêu và tháo gỡ bom.

"Ngay trong sáng hôm đó, chúng tôi đã tháo gỡ an toàn 36 quả bom loại 50 kg. Đến trưa, khi chúng tôi vừa về thì địch tiếp tục thả tiếp 24 quả bom nữa", ông Lứ cho biết.

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống - 5

Mỗi lần kể về cuộc chiến, ông Lứ đều ngưng lại, bồi hồi nhớ về những người đồng đội của mình đã mãi mãi nằm xuống.

Đội của ông lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, nhưng lần này 3 người đồng đội của ông đã mãi không về.

"Lúc ấy, tôi đi đầu tiên rà bom rồi cắm tiêu đánh dấu. Sau đó có 3 đồng đội của tôi đi sau làm nhiệm vụ gỡ bom thì bất ngờ 2 quả bom phát nổ khiến cả ba người hy sinh. Tôi đứng cách các đồng đội chỉ 50 m", ánh mắt ông Lứ chớp liên hồi như cố giấu đi những giọt nước mắt đang chực tuôn ra.

Ông Lứ cho biết, đội của ông có 15 người thì 8 người đã hy sinh trong những lần làm nhiệm vụ.

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống - 6

Tháng 4/2015, ông Nguyễn Xuân Lứ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

"Đồng đội hy sinh thì mình phải càng quyết tâm hơn nữa để gánh vác, hoàn thành các nhiệm vụ được giao", ông Lứ chia sẻ.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông tiếp tục về công tác tại ngành GTVT Hà Tĩnh và đã vinh dự nhận được rất nhiều danh hiệu như: Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Bằng khen của Chính phủ và Trung ương Đoàn thanh niên.

Với những thành tích đáng tự hào, tháng 4/2015, ông Nguyễn Xuân Lứ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Gặp người anh hùng 4 lần được truy điệu sống - 7

Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông tiếp tục có nhiều đóng góp, xây dựng quê hương.

Năm 1991, ông được nghỉ chế độ về quê sống cuộc đời bình dị và tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương.

"Mình còn được sống là niềm hạnh phúc, may mắn. Mình phải sống sao cho thật xứng đáng với những hy sinh cha ông, của những đồng đội tôi", ông Nguyễn Xuân Lứ tâm sự.