1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gặp nghệ nhân cuối cùng “vẽ Xuân” cho người nghèo

(Dân trí) - Trong không khí ấm áp ngày cuối năm, chúng tôi về làng Chuồn (Huế), nơi vốn nổi tiếng với bánh tét, rượu, cá đầm và một thứ đặc sản không nơi nào có - tranh trướng, liễn Tết.

Nghề của Tết

 

Làng Chuồn là tên xưa của thôn An Truyền, xung quanh vây quanh bởi một đầm nước lợ, cách TP Huế chừng 9km, được thành lập từ năm 1553.

 

Vùng đất này vốn nổi tiếng là vùng đất học, người dân nơi đây ai cũng ham học, văn hay, chữ tốt, từ đó theo luôn nghề chữ nghĩa. Theo lời kể nhiều bô lão trong vùng, nghề độc đáo nhất của làng và của cả miền Trung thời bấy giờ là làm tranh trướng liễn bằng giấy. Tuy nhiên, nghề chỉ được làm duy nhất vào mùa Xuân, đúng dịp Tết.
 
Gặp nghệ nhân cuối cùng “vẽ Xuân” cho người nghèo - 1

 

Đối tượng phục vụ là những gia đình nghèo không có tiền mua gỗ, vải để làm trướng, liễn. Thợ làm tranh trướng liễn chỉ có một việc là sao chép lại nội dung từ mộc bản qua giấy với nhiều thủ thuật. Thợ giỏi là làm sao khi hoàn thành một bộ tranh, treo lên nhà thay liễn, trướng cả xóm vào đều khen là thành công. Thủy tổ nghề hiện tại vẫn là một ẩn số. Đã từ rất lâu, không người nào biết nghề này do ai truyền vào đất Huế. 

 

“Nghệ nhân Lý” là tiếng gọi thân thương mà chòm xóm đặt cho lão nông 94 tuổi Huỳnh Lý - người làm tranh liễn cuối cùng ở làng Chuồn. Dù chưa một lần được nhà nước phong danh nghệ nhân, nhưng công việc độc đáo của cụ Lý đã được bà con tin yêu hơn 80 năm qua. “Tết đến là tui đem mùa xuân vào nhà người nghèo qua vài tấm giấy có ghi chữ nghĩa thôi”, cụ Lý húng hắng nói. 

 

Cụ cho biết, hiện tại các thợ cùng thế hệ xưa đã qua đời hết, chỉ còn lại mình cụ theo nghề này.

 

Nghề làm trướng liễn đã phát triển hưng thịnh ở Huế trong suốt thời phong kiến. “Ông nội rồi đến cha tôi đã kinh qua, bày lại cho tôi. Trước Tết 2 tháng là bắt đầu làm. Từ nhà, hàng ngàn bức tranh được đưa đi khắp chốn thị thành, ra ngoại tỉnh, kể cả nước ngoài. Người không có tiền rất thích mua tranh để treo, vừa thêm sắc màu nhà cửa, vừa có phước cho năm mới”, cụ Lý vui vẻ kể lại.

 

Tranh trướng liễn theo cụ, thường hay treo nhất sau bàn thờ tổ  tiên hay phòng khách. Mỗi năm treo một lần rồi hạ  xuống sau ngày đưa ông Táo. Do vậy, đã thành tục lệ, cứ cuối năm là hầu hết người dân đều mua tranh mới, có khi phải đặt hàng trước cả tháng mới có tranh.

 

Đỏ thắm sắc Xuân trướng, liễn

 

Cụ Lý  dẫn chúng tôi đi thăm xưởng làm việc sau nhà. Gọi là xưởng nhưng thật ra chỉ là vạt đất trống có mái che được cụ dựng tạm. Có bộ phản đặt giấy trướng liễn vừa mới làm xong, bên cạnh là cái bàn gỗ đã mục để các lọ màu và một chiếc đòn dưới đất
 
Gặp nghệ nhân cuối cùng “vẽ Xuân” cho người nghèo - 2
"Xưởng sản xuất" của cụ Lý.
 

Cụ lôi ra trong gầm phản một tấm bảng gỗ to, dài hơn cánh tay có hình chữ phúc, trên có khắc bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng) rất sắc sảo và lạ. Cụ Lý cho biết, lúc xưa có một vị quan tại Quảng Nam nhân chuyến thân chinh ra Huế tiếp kiến chúa Nguyễn, đã tặng triều đình một chữ Phước. Sau này, các quan đã phổ biến đến dân chúng mẫu chữ này nhằm treo trong nhà dịp tết về, xem đó là phúc của vua chúa ban tặng. Ông nội của cụ Lý từ đó đã khắc một tấm mộc bản để in thô sơ hàng loạt tranh liễn dịp cuối năm. Đến giờ, tấm gỗ có khắc chữ Phước này đã trên trăm năm tuổi.

 

Mài mực tàu một lúc rồi phết lên các thớ khắc nổi, cụ nhẹ nhàng cầm tờ giấy điều đỏ chói ép sát chính vào toàn bộ bảng mộc. Xong, dùng tay vuốt từng vuốt một. 5 phút sau, cụ gỡ ra, tờ giấy đã in hình chữ Phước cùng những họa tiết bắt mắt. 

 

2 con lân, đôi chim phượng hoàng, thần kim quy và rồng tượng trưng cho thiên tử đã thành hình, nổi đậm trên chữ Phước. Cầm tờ giấy cụ chỉ “Màu đen của mực tàu, màu đỏ tươi của giấy điều báo hiệu mùa xuân đến. Bộ tứ linh nằm trên cùng một chữ Phước càng tăng thêm phúc đức cho gia đình trong một năm”.

 

Tiếp đến là giai đoạn tô nét tứ linh. Dùng màu tự nhiên xưa với vỏ điệp xay nhỏ (trắng), lá mồng tơi giã với hoa hòe (xanh dương), lá tương cận (vàng), cây vang (đỏ), lá bông ngót (xanh lục). Cuối cùng là vẽ thêm vào những chi tiết phụ như các đường viền, mặt trời, trang trí cúc đại đóa, mai, lựu hay bát bửu vào biên giấy màu lục bên ngoài.

 

Để có một bộ tranh liễn hoàn chỉnh, còn phải thêm hai hay bốn câu đối nằm đối xứng chữ Phúc. Cách thức làm cũng như trên nhưng đơn giản hơn vì không tô màu chữ. Nội dung chúc phúc ngày Xuân trong tranh trướng liễn theo cụ Lý quan trọng nhất nằm ở câu đối.
 
Gặp nghệ nhân cuối cùng “vẽ Xuân” cho người nghèo - 3

 

Ngoài bộ tranh liễn chữ trên, cụ Lý còn có một bộ tranh liễn bông gồm các chữ Thọ kèm diềm hoa lá rất đẹp mắt dành cho người mua chỉ thích hình tượng dịp Xuân. Riêng nhà nào nghèo quá, không có rèm treo trước và sau bàn thờ hay các gian phụ thì cũng có thể đến đặt cụ làm tranh liễn. Tranh cũng được tạo nên từ giấy điều đỏ, trên  vẽ lưỡng long triều nguyệt, ô hộc quả… và không khác đôi rèm thật bằng vải thật là mấy.

 

Những mùa Xuân cuối cùng

 

Do tuổi cao sức yếu nên Tết này, cụ Lý chỉ nhận hơn chục bộ tranh để làm. Theo cụ, các nhà cao tầng đã thay thế nhà xưa nên bàn thờ từ đó cũng đơn điệu, không dùng tới tranh trướng liễn nữa. Giờ chủ yếu nhà cụ chỉ bỏ hàng tại chợ Đông Ba, nhờ người bán giúp kiếm ít kinh phí tiêu trong Tết này. 

 

Với giá 50.000đ/bộ tranh trướng liễn được giữ từ mấy năm nay, cụ Lý tâm sự “Như vậy để khách nghèo còn nhớ tới mình. Mua bán là chuyện cả đời, tui không bán cao làm gì, tội bà con chú bác”.

 

Đã có nhiều đơn vị muốn đến nhà cụ muốn mua lại toàn bộ số mộc bản về trưng bày hay chế tác xưởng bán tranh liễn đại chúng nhưng cụ đều từ chối. “Tôi đến chừng nào chết thì thôi, bán đi thì bà con muốn có tranh liễn treo nhà dịp Tết, tôi đâu có đồ nghề mà làm nữa. Hơn vậy, bộ mộc bản đó gắn bó cả đời với nhà tôi. Nó cùng tôi làm ra tiền cho cả bầy con đi học nên người. Tôi coi nó không khác gì con ruột”, giọt nước mắt cụ Lý bỗng chảy quanh đôi mắt đã đầy vết chân chim.
 
Gặp nghệ nhân cuối cùng “vẽ Xuân” cho người nghèo - 4
Bộ mộc bản đã gắn bó cả đời với cụ Lý, không biết còn được sử dụng mấy năm nữa!

 

Ngồi với cụ một ngày cuối năm, thấy không có khách nào vãng lai. Dù biết năm trước hay cả chục năm qua, cứ đến tết là tấp nập người ra kẻ vào hỏi mua tranh cụ Lý. 

 

Bàn tay cụ run run vuốt tờ giấy điều trên bản gỗ chữ  Phước. Cụ đang làm một tấm tranh để đặt lên bàn thờ tổ tiên nhà mình. Nhìn những động tác thuần thục như gắn vào máu thịt của người nghệ  nhân còn lại duy nhất với Huế này, lòng tôi tự hỏi “nghề làm trướng liễn ngày Tết ở Huế liệu còn nữa hay không, sau một vài năm nữa?”

 

Đại Dương

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm