Gặp lại chiến sĩ duy nhất còn sống của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca

(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với người lính của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca năm xưa vẫn còn in đậm những ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn”. Ngày trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội, anh bất ngờ khi thấy tên mình được khắc trên bia mộ liệt sĩ.

Những chiến sĩ anh hùng trên vùng đất lửa

Cách đây 46 năm, vào đêm 9/4/1972, Trung đội quân giải phóng mang tên người Trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm 20 chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, nhận nhiệm vụ mang 100kg bộc phá (thuốc nổ TNT) thọc sâu vào vùng địch chiếm giữ để đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn), cắt đứt quốc lộ 1A - chặt đứt con đường tiếp tế và rút lui của địch giữa Đông Hà, Ái Tử về Quảng Trị.


Ông Vũ Quang Thành - người chiến sĩ duy nhất còn sống sót của Trung đội Mai Quốc Ca

Ông Vũ Quang Thành - người chiến sĩ duy nhất còn sống sót của Trung đội Mai Quốc Ca

Từ trận địa này, đã xuất hiện một tập thể anh hùng - Trung đội Mai Quốc Ca. Ngày ấy, những chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca hầu hết có tuổi đời còn rất trẻ, Thiếu úy Nguyễn Văn Thỏa - Đại đội phó, quê ở xã Long Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) là người lớn tuổi nhất mới tròn 30; Trung đội trưởng Mai Quốc Ca, quê ở xã Hà Hải, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) vừa tròn 22 tuổi...

Tuy nhiên, với tinh thần "1 thắng 100”, 20 chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu anh dũng, kiên quyết bám trụ, giữ trận địa, đẩy lùi những đợt tiến công điên cuồng của địch từ nhiều phía.

Trên đường hành quân, mặc dù chạm trán với rất nhiều toán giặc, nhưng các anh đều vượt qua và còn tiêu diệt gọn một Trung đội lính Bảo an của địch ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Sau đó, Trung đội Mai Quốc Ca đã áp sát khu vực phía Bắc cầu Thạch Hãn để tiếp cận mục tiêu.


Ông Thành lưu giữ nhiều tư liệu về các đồng đội của mình

Ông Thành lưu giữ nhiều tư liệu về các đồng đội của mình

Rạng sáng ngày 10/4/1972, khi Tiểu đội đầu tiên của Trung đội xuất kích thì bị vướng phải mìn của địch. Mục tiêu bị lộ, địch đã điều động một lực lượng lớn với sự hỗ trợ của vũ khí hiện đại, tạo thành một gọng kìm lớn bao vây Trung đội Mai Quốc Ca. Cả Trung đội lọt thỏm giữa vòng vây của địch.

Chỉ với 20 chiến sĩ, nhưng các anh đã quả cảm quần nhau với giặc suốt từ rạng sáng cho đến quá trưa ngày 10/4/1972 thì 19 chiến sĩ hi sinh, còn lại một người bị thương khá nặng và bị giặc bắt. Các anh đã ngã xuống sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tiêu diệt 120 lính ngụy, 2 cố vấn Mỹ và bắn cháy nhiều xe cơ giới.

Khi tiếng súng ngừng hẳn, địch vẫn khép chặt vòng vây không cho bất cứ người dân đến mang thi thể các anh về an táng. Chúng sắp các anh nằm thành một hàng ngang, phơi nắng để thị uy tinh thần những ai có tấm lòng với cách mạng.

Hiện ông Thành tham gia Hội cựu chiến binh tại địa phương
Hiện ông Thành tham gia Hội cựu chiến binh tại địa phương

Tuy nhiên, trước sự đấu tranh của quần chúng nhân dân địa phương, địch buộc phải để nhân dân đưa 19 thi thể chiến sĩ về mai táng ở phía Bắc sông Thạch Hãn. Năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày non sông thống nhất, hài cốt các anh đã được cải táng đưa về nghĩa trang liệt sĩ Ái Tử, huyện Triệu Phong.

Tên anh đã khắc trên bia mộ liệt sĩ

Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp gặp lại người chiến binh duy nhất của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca còn sống là ông Vũ Quang Thành (SN 1953, thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Thời điểm chúng tôi đến, chỉ mình ông ở nhà, vợ ông đã đi giữ cháu ở Huế.

Chủ tịch nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc
Chủ tịch nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc

Gần 50 năm trước, cũng như bao thanh niên khác, tháng 5/1971, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Vũ Quang Thành nhập ngũ vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 634 thuộc Tỉnh đội Thanh Hóa. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị anh được điều động vào tăng cường cho Sư đoàn 304, đóng quân ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Tháng 9/1971, anh được biên chế vào Sư đoàn 304 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị để làm nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, gạo và lương thực tiếp tế cho chiến trường. Sau khi bị thương, bị địch bắt, đưa đi chữa trị và thẩm vấn nhưng không được. Tiếp đó là những tháng ngày anh bị tù đày, giam cầm tại nhiều nhà lao.

Ngày 10/3/1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, anh cùng các đồng đội bị giam cầm được trả tự do. Năm 1974, anh phục viên trở về quê nhà đi học lớp Trung cấp kế hoạch và tham gia công tác tại địa phương. Năm 1975, anh lập gia đình và sinh được 3 người con. Hiện các con đã trưởng thành, lập gia đình và công tác xa nhà.


Tên ông Thành được khắc trên bia mộ liệt sĩ

Tên ông Thành được khắc trên bia mộ liệt sĩ

Giữa năm 1996, trong dịp cùng thân nhân đồng đội trở lại chiến trường xưa, tìm lại những người đồng đội đã ngã xuống. Khi đến nơi, anh bất ngờ phát hiện có tên mình khắc trên tấm bia liệt sĩ.

Ông Thành bồi hồi nhớ lại: “Đêm 9/4/1972, Trung đội nhận lệnh xuống vùng địch để phá cầu Thạch Hãn. Trong quá trình hành quân thì bị địch phát hiện, đơn vị phải rải ra để chiến đấu. Chỉ với 20 người, nhưng đã quần thảo với địch từ mờ sáng đến khoảng 11h trưa”.

Nhắc đến các đồng đội của mình, ông Thành trầm giọng xuống: “Lúc đó, tôi thấy đồng chí Phạm Xuân Đức - Tiểu đội trưởng lao xuống hào ngay cạnh chỗ tôi và chỉ thấy anh ấy nấc lên mấy tiếng rồi hi sinh. Tôi đã lấy cơ số đạn của Tiểu đội trưởng tiếp tục chiến đấu”.


Hiện ông sống với người vợ trong căn nhà cấp bốn đơn sơ ở quê nhà, còn các con trưởng thành ra ở riêng và công tác xa nhà

Hiện ông sống với người vợ trong căn nhà cấp bốn đơn sơ ở quê nhà, còn các con trưởng thành ra ở riêng và công tác xa nhà

Rồi những ký ức về các đồng đội như ùa về trong tâm trí ông: “Lúc đang trên đường hành quân, gặp nhiều ổ phục kích của địch, đồng chí Hà Trọng Nguyện bị thương xuyên qua cổ, nhưng đã băng bó lại và tiếp tục hành quân. Thời điểm đó, đồng chí Phạm Văn Tiến dù bị thương nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Anh Tiến đã quay khẩu AK lại bắn về phía địch và bị trúng đạn hi sinh”.

Tháng 3/2007, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cùng với Sư đoàn 304 đã cử cán bộ đến nhiều địa phương để xác minh cụ thể tên tuổi của 19 anh hùng liệt sĩ. Để ghi nhớ công ơn các Anh hùng - Liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca, năm 1996 ngay tại nơi các anh hi sinh, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng một đài tưởng niệm...

Duy Tuyên