1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tây Ninh:

Gặp kỹ sư “hai lúa” chế xe bọc thép cho Campuchia

(Dân trí) - Chuyện Ông Trần Quốc Hải sửa chữa hơn chục chiếc xe bọc thép cho Campuchia và còn chế hẳn chiếc xe mới với tính năng hiện đại, khiến ai cũng kinh ngạc. Càng nể hơn khi biết đó là công trình xuất phát từ “lòng tự ái dân tộc” của kỹ sư “hai lúa”.

Video: Nông dân Tây Ninh chế xe bọc thép cho Campuchia


Nhiều lần qua Campuchia để chuyển giao công nghệ cơ giới hóa cây mỳ tại đơn vị quân đội – Lữ đoàn 70, ông Trần Quốc Hải (ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh) thấy xe bọc thép hư hỏng rất nhiều, cứ bị đẩy ra đẩy vào mà không khởi động được. Ông đề nghị được sửa những chiếc xe này.


Phía lữ đoàn nghe rất thích nhưng không tin rằng một người chuyên làm máy nông nghiệp lại có thể sửa chữa được khí tài quân sự vốn phức tạp hơn rất nhiều. Bởi trước đây cũng có nhiều chuyên gia từ Nga, Ukraina và Việt Nam sang sửa chữa rồi.


Cha con kỹ sư “hai lúa” Trần Quốc Hải được Quốc vương Campuchia tặng Huân chương Đại tướng quân.
Cha con kỹ sư “hai lúa” Trần Quốc Hải được Quốc vương Campuchia tặng Huân chương Đại tướng quân.

“Vấn đề Nga hay Ukaraina tui không quan tâm. Nhưng, họ phàn nàn chuyên viên Việt Nam sửa xong vừa quay lưng đi là xe lại hỏng là tui rất tự ái”, ông Hải kể lại khởi đầu của hành trình trở thành nhà khoa học quân sự của nhà nước Campuhchia.


Sau khi xem qua một số bộ phận của xe ông Hải khẳng định chắc như đinh đóng cột là mình sửa được. Thể hiện rõ quyết tâm trước sự ngờ vực về năng lực và khả năng thành công của "phi vụ" này từ phía bạn, ông Hải bỏ hẳn tiền túi 25.000USD để sửa chữa. Với ông đây còn hơn cả canh bạc. Thua bạc thì chỉ mất tiền thôi, còn ở đây là lòng tự ái dân tộc bị tổn thương.


Ông Hải cũng đề nghị muốn sử dụng tốt ở Campuchia thì phải có nhiều cải tiến như sử dụng động cơ diesel, thay đổi một số tính năng của xe. Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng Campuchia, hai cha con ông Hải bắt tay vào sửa chửa.


Kết quả ngoài cả mong đợi của lữ đoàn 70, sau 15 ngày “tác nghiệp”, ông Hải làm chiếc xe chạy ro ro chẳng khác gì hàng mới. Chiếc xe bọc thép BRDM – 2 (do Liên xô cũ sản xuất) chỉ tiêu tốn 25 lít dầu/100km thay vì 45 lít như trước đây. Xe tác xạ nhanh hơn, cơ động hơn, hỏa lực mạnh hơn, súng có thể bắn ở cự ly hơn 7m so với cự ly trên 150m trước đây, tháp pháo tự động, phù hợp với chiến tranh du kích.


Cha con kỹ sư “hai lúa” Trần Quốc Hải được Quốc vương Campuchia tặng Huân chương Đại tướng quân.
Hai cha con ông Trần Quốc Hải được công nhận là nhà khoa học quân sự và kỹ sư quân sự bởi kỳ tích nâng cấp, sữa chữa và chế xe bọc thép cho Campuchia (ảnh nhân vật cung cấp)

Hết sức ngạc nhiên trước kỳ tích này của cha con ông Hải, lữ đoàn 70 đề nghị ông Hải tiếp tục sửa chữa toàn bộ xe bọc thép BRMD – 2 và BTR60PB. Sau khi nâng cấp, sửa chữa được 11 chiếc, phía Campuchia lại thách thức ông Hải chế tạo hẳn chiếc bọc thép mới phù hợp với đặc thù nước này.


Thật trùng hợp, đề nghị trên cũng chính là mong ước ông Hải ấp ủ từ lâu. “Làm khoa học không phải là làm kinh doanh doanh. Quan trọng nhất là đứa con tinh thần của mình có được ra đời hay không. Mình không thể thuyết phục người ta cho mình làm trong khi thật sự người ta không tin tưởng, chưa biết năng lực của mình. Mình làm khoa học thì phải có sự hy sinh, quan trọng là làm đối tác phải tin tưởng mình”, ông Hải cho rằng phải chứng minh cho người ta thấy người Việt Nam làm được nên việc bỏ tiền ra làm không phải vấn đề lớn, thất bại thì ông chịu mất tiền.


Mày mò tham khảo tài liệu, nghiên cứu, cộng với kinh nghiệm sẵn có khi cải tiến hơn chục chiếc bọc thép trước đây ông Hải tự tin vào khả năng thành công. Sau 4 tháng làm việc cùng một số cộng sự, chiếc xe bọc thép “made by ông Hải” ra đời với chi phí hơn 200.000 USD.


Chiếc xe này khắc phục được những hạn chế mà những chiếc bọc thép trước đây mắc phải. Theo ông Hải thì với địa hình Campuchia là chiến tranh du kích, nên cự ly tác xạ phải gần hơn trước, nếu bị đối phương đánh đầu rồi tấp hông thì rất nguy hiểm, bởi vậy xe mới có súng hai bên hông chiến đấu dễ dàng hơn. “Trước là xe kín, xạ thủ và tài xế thường ngồi trong xe. Nếu xe đạp phải mìn thì nổ, lính tử thương, gãy cổ chết, nên phải khắc phục nhược điểm đó và mang tính hiện đại. Gầm xe cũng được nâng lên cao hơn, tác chiến ở địa hình xấu, đỡ lún lầy hơn”, ông Hải cho rằng phải cần xe đặc thù cho vùng nhiệt đới.


Xe bọc thép “made by ông Hải” hoàn thành kịp tiến độ để dẫn đầu đoàn xe bọc thép trong lễ diễu binh ngày 13/10 - kỷ niệm 25 năm thành lập lữ đoàn 70. Với những đóng góp to lớn trong việc cơ giới hóa cây mỳ, nâng cấp sửa chữa và chế tạo mới xe bọc thép cho lữ đoàn 70, ông Hải cùng người con trai được Thủ tướng Hunsun và Quốc vương Campuchia ghi nhận.


Xe bọc thép “Made by ông Hải” dẫn đầu đoàn xe bọc thép trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập lữ đoàn 70
Xe bọc thép “Made by ông Hải” dẫn đầu đoàn xe bọc thép trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập lữ đoàn 70

Ông Trần Quốc Hải được phong tặng bằng khen và công nhận là nhà khoa học quân sự. Con trai Trần Quốc Thanh được gọi là kỹ sư quân sự. Trong lễ kỷ niệm của lữ đoàn 70, hai cha con ông kỹ sư “hai lúa” được Quốc vương Campuchia tặng Huân chương Đại tướng quân.


Ông Hải cho biết: “Tới đây phía Campuchia yêu cầu ông làm 2 chiếc xe nữa là xe bọc thép 6 bánh lội nước và xe 8 bánh có thể gắn hỏa tiễn bắn xa 45km. Người ta tin tưởng và yêu cầu thì mình mới có cơ hội cống hiến”.


Thật ra không phải bây giờ dư luận mới xôn xao về những sáng tạo của cha con ông Hải. Cách đây hơn 10 năm ông đã sáng chế ra chiếc trực thăng nặng 900kg. Sau đó, một bảo tàng của Mỹ đã mua chiếc trực thăng về trưng bày. Trong suốt những năm qua, ông vẫn miệt mài sáng tạo phục vụ cho việc cơ giới hóa ngành nông nghiệp đất nước.


Vùng quê Tây Ninh vốn rất nhiều mỳ. Ông muốn năng suất canh tác tăng lên mà bà con đỡ khổ, trong vòng 5 năm ông đã hoàn thành quy trình cho cây mỳ, từ máy trồng mỳ, làm cỏ, phun thuốc, nhổ mỳ… Ông so sánh: “Việc sáng chế ra quy trình trồng mỳ còn khó hơn cả xe bọc thép. Đơn cử, tôi làm xe bọc thép mất 4 tháng trong khi đó quy trình cho cây mỳ hết 5 năm”. Bên cạnh đó, rất nhiều máy móc khác như máy hút lá cao su, máy phun thuốc cao su,… được ứng dụng trong nước mà còn đi cả nước ngoài.


“Người Việt Nam mình rất thông minh, chịu khó tìm tòi, học hỏi, nếu được tạo điều kiện tốt thì ai ai cũng sẵn lòng góp chút sức cho nền khoa học đất nước”, ông Hải tâm niệm với niềm vui của người làm khoa học là được cống hiến.


Quốc Anh