Nghệ An:
Gặp cụ ông 92 tuổi và học sinh lớp 6 lao xuống sông cứu người
(Dân trí) - “Nghe thấy tiếng kêu cứu của đám nhỏ, tôi vội vàng chạy đến thì thấy mấy cháu đứng trên bờ, mặt tái xanh chỉ xuống sông nói: “Một bạn bị chìm rồi cụ à!”. Tôi liền nhảy xuống để lặn tìm nhưng không thấy cháu kia ở đâu cả..”, cụ Phan Công Biềng kể lại.
Chiều ngày 20/7, chúng tôi tìm về xóm Ngọc Thượng, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khi bà con, hàng xóm đang tiễn đưa em Trần Thị Phương Chi (SN 1999, học sinh lớp 8A, trường THCS Thanh Ngọc) về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong dòng người đưa đám em Chi, nhiều người không ngăn được những giọt nước mắt tiếc thương cho cô học trò ngoan ngoãn, hiền lành và học giỏi không may bị tai nạn đuối nước vào chiều ngày 19/7.
Sự việc xảy ra một ngày nhưng người dân xóm Ngọc Thượng vẫn chưa hết lời khen ngợi và cảm phục trước hành động của cụ ông 92 tuổi và học sinh lớp 6 đã dũng cảm cứu người, tìm kiếm người gặp nạn trên sông.
Trước đó, vào khoảng 13h30 phút ngày 19/7, một nhóm học sinh gồm các em Lê Thị Cúc (SN 1999), Trần Thị Thương (SN 1996), Phan Duy Quyết (SN 2001) và em Trần Thị Phương Chi (SN 1999) cùng trú tại xóm Ngọc Thượng đi chăn trâu tại khu vực sông Gang đoạn chảy qua xã Thanh Ngọc.
Sau khi ăn cơm trưa để chăn trâu, các em ra ngồi nghỉ mát thì thấy đàn trâu bơi qua bên kia sông để ăn. Vì sợ bị người ta bắt trâu đem phạt, cả 4 em liền rủ nhau lội qua sông để lùa trâu về. Tuy nhiên, vừa đi ra được một đoạn thì hai em Thương và Chi bị sa vào vùng nước sâu, chới với kêu cứu. Thấy vậy, em Quyết đi sau liền dũng cảm lao đến để cứu hai người.
Sau khi đẩy được Thương vào bờ an toàn, Quyết tiếp tục nhảy ra để cứu Chi nhưng do nước chảy mạnh nên Chi bị nước cuốn trôi. Nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh của các em nhỏ, cụ Phan Công Biềng (92 tuổi, trú xã Thanh Ngọc) chăn trâu gần đó chạy đến không ngần ngại lao xuống sông để cứu các cháu nhỏ.
Mặc dù tuổi cao nhưng cụ vẫn cố gắng lặn xuống nước nhiều vòng để tìm cháu Chi nhưng không được. Ngay sau đó, cụ đã báo với người dân và chính quyền xã Thanh Ngọc để tiếp tục cứu vớt cháu Chi. Khoảng một tiếng đồng hồ sau. lực lượng tìm kiếm cứu nạn và người thân mới tìm được thi thể em Chi.
Quá trưa 20/7, cụ Phan Công Biềng - một trong hai người trực tiếp tham gia cứu vớt các học sinh mới đi chăn trâu trong đồi về. “Sáng nay tôi cũng chăn trâu gần chỗ hôm qua. Lúc về tôi còn đi ngang qua nghĩa địa, nhìn nấm mộ mới đắp của cháu Chi mà đau xót quá!” - cụ Biềng nói mà nước mắt chực trào.
“Trưa qua, tôi mang nước cho mấy cháu nhỏ cùng đi chăn trâu với tôi để uống vì trong đó không có nước uống. Vừa ngồi nghỉ được một lát thì mấy cháu nói sang bên sông để lùa trâu về. Nghĩ đoạn nước đó cạn vì thường ngày chúng vẫn hay lội qua được nên tôi không để ý. Đến lúc nghe thấy tiếng kêu cứu của đám nhỏ, tôi vội vàng chạy đến thì thấy đứa đứng trên bờ, mặt tái xanh chỉ xuống sông nói: “Một bạn bị chìm rồi cụ à!”, cụ Biềng kể lại.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng có sức khỏe dẻo dai và có tài bơi lội nên cụ Biềng vẫn cố gắng lặn xuống và tìm kiếm cháu Chi dưới nước sâu. “Gặp người bị nạn mà mình không cứu thì tôi cảm thấy áy náy và ân hận lắm. Mặc dù đã cố gắng hết sức để cứu cháu Chi nhưng tôi không tìm thấy cháu ở đâu cả vì nước sâu lắm…”, cụ Biềng bùi ngùi.
Tuy đã 92 tuổi nhưng hằng ngày cụ Biềng vẫn thường vẫn tập thể dục mỗi sáng, ăn uống điều độ và chăm chỉ lao động nhờ vậy nên cụ vẫn còn rất minh mẫn và trở thành tấm gương sáng cho con cháu trong nhà noi theo.
Cách nhà cụ Biềng không xa, căn nhà của em Phan Duy Quyết (SN 2001) cũng có rất đông anh em, bà con hàng xóm đến hỏi thăm. Do chỉ mới học bơi cách đây khoảng hơn 1 tháng nên Quyết bơi chưa thành thạo. Dù vậy nhưng em đã dũng cảm nhảy xuống nước để cứu người thoát khỏi miệng “hà bá’. Cố gắng lấy chút bình tĩnh, Quyết nhớ lại: “Chiều qua, em và mấy bạn rủ nhau sang bên sông để đưa trâu về vì sợ bị người ta bắt. Vừa ra cách bờ khoảng mấy mét thì em thấy chị Thương và chị Chi bị sẩy chân vào vũng nước sâu. Em bơi ra thì chỉ đẩy được chị Thương vào bờ, lúc quay lại thì thấy chị Chi bị chìm rồi”.
Ngồi bên cạnh Quyết, bà Võ Thị Sáu (79 tuổi, bà nội của Quyết) tiếp lời: “Từ chiều qua đến nay thằng Quyết vẫn còn bần thần và không ăn uống được gì vì nó vẫn còn hoảng sợ sau vụ việc. Cũng may mà nó không bị gì chứ nếu nó có mệnh hề gì chắc tôi không sống nổi”. Được biết, Quyết là con trai đầu trong gia đình có hai anh em của anh Phan Duy Tâm (SN 1976), chị Đậu Thị Sâm (SN 1977), em là học sinh khá của trường và được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Chị Trần Thị Nhàn (SN 1966) - mẹ em Trần Thị Thương như rụng rời chân tay khi nghe tin con mình và các bạn gặp nạn trên sông Gang. May mắn hơn em Chi, em Thương được Quyết cứu thoát khỏi bàn tay “thủy thần”; chị Nhàn xem Quyết như ân nhân cứu mạng con mình. “Cháu Quyết thật dũng cảm, nếu không có cháu Quyết chắc con tôi đã gặp nguy hiểm rồi. Từ nay gia đình tôi sẽ nhắc nhở các cháu không tắm hay bơi qua sông để không gặp hậu quả đáng tiếc nữa”, chị Nhàn tâm sự.
Trước đó, chiều ngày 17/6, em Lê Văn Được (15 tuổi, học sinh lớp 9B, Trường THCS Thanh Ngọc, trú tại xóm Ngọc Hạ, xã Thanh Ngọc) cũng đã có hành động dũng cảm lao xuống sông Gang cứu sống 5 em học sinh nữ. Em Được được chủ tịch nước gửi thư khen, nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” và là cá nhân nhỏ tuổi nhất được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ X.
Theo nhiều người dân sống cạnh sông Gang, nơi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước do thời gian các em học sinh được nghỉ hè đi chăn trâu, tắm sông trong khi các bậc phụ huynh lại không để ý đến. Lòng sông chỉ rộng khoảng 50m nhưng lại có nhiều vùng nước sâu và xoáy. Ông Võ Văn Đình - Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc, cho biết: “Mùa hè đến, chúng tôi rất lo vì các em học sinh thường xuyên tắm sông, trong khi đó số em biết bơi lại rất ít. Việc dạy bơi, học bơi của các các em học sinh còn gặp nhiều khó khăn”.
Doãn Hòa - Nguyễn Duy