Gặp chủ "động" mại dâm lớn nhất Hà Nội trong tù
(Dân trí) - Những nhân vật “cộm cán” một thời sau khi sa lưới và bị pháp luật trừng trị có cuộc sống như thế nào trong trại giam? Chúng tôi đã có dịp thâm nhập thực tế để tìm hiểu về cuộc sống và tâm tư của họ; được chứng kiến nhiều khuôn mặt đầm đìa nước mắt ăn năn hỗi lỗi, những hy vọng và ước mơ làm lại cuộc đời...
Trong những cuộc gặp gỡ đó, ấn tượng nhất với tôi là cuộc trò chuyện với nhân vật “đứng đằng sau các nhân vật khác” trong vụ án mại dâm lớn nhất Hà Nội cuối năm 1998: Nguyễn Ngọc Dung, biệt hiệu Dung Thà.
Khoảng cuối năm 1998 đầu 1999, dư luận trong nước đổ dồn sự chú ý vào vụ án tổ chức và môi giới mại dâm “kinh thiên động địa” tại khách sạn Công Dung (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội). Điều đặc biệt của vụ án này không chỉ ở tính chất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều người mà bản thân những người cầm đầu đường dây là người có học.
Chủ khách sạn Công Dung là Ngô Văn Thà, có bằng thạc sỹ luật học, cùng vợ Nguyễn Ngọc Dung, cử nhân kinh tế, lúc bị bắt đang là cán bộ Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 20 bị can, Toà án nhân dân TP Hà Nội xử phạt các bị cáo tổng cộng 216 năm tù, số tiền phạm pháp phải thu hồi lên đến hơn 4 tỷ đồng. Riêng Ngô Văn Thà bị tuyên phạt 19 năm tù giam và Nguyễn Ngọc Dung 12 năm tù, kèm theo hình phạt bổ sung số tiền tổng cộng 4 tỷ 130 triệu đồng.
Bản án có hiệu lực, cả hai vợ chồng phải chấp hành án phạt tù tại trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Thông tin từ Ban Giám thị trại cho biết: vợ chồng họ đã chấp hành án phạt tốt, riêng Nguyễn Ngọc Dung thường xuyên đạt loại cải tạo khá, tốt.
Mới đây, vợ chồng Dung - Thà đã nộp đủ số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng. Biết nguyện vọng của phóng viên muốn được trao đổi trực tiếp với một số phạm nhân “cộm cán” nhưng đã có quá trình cải tạo tốt, người đầu tiên mà Ban Giám thị trại giam Xuân Nguyên giới thiệu với chúng tôi là Nguyễn Ngọc Dung.
Tôi hơi bất ngờ khi tiếp xúc với Dung trong trại giam. Nếu như những phạm nhân khác khá e dè khi tiếp xúc với phóng viên thì Dung tỏ ra rất cởi mở và vui mừng được gặp nhà báo như một người thân đặc biệt. Cuộc trò chuyện giữa tôi và Dung vì thế trở nên thoải mái hơn.
Câu chuyện bắt đầu từ trong trại giam đã chuyển ra chuyện ngoài xã hội lúc nào không hay. Người nữ phạm một thời là chủ động mại dâm lớn nhất Hà Nội nay đã trở thành con người khác, với những trăn trở, âu lo của một người mẹ, người chủ gia đình khi phải xa rời tổ ấm đó. Nhắc đến 2 cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, Dung bật khóc vì nhớ con.
Trong trại giam Xuân Nguyên, Dung là một trong số không nhiều phạm nhân có may mắn được đón nhận tình cảm gia đình thường xuyên. Hàng tháng hai cô con gái tuổi 12, 13 lại từ Hà Nội xuống thăm mẹ. Mỗi lần gặp con, khát vọng trở về với gia đình trong người đàn bà này lại cháy bỏng hơn bao giờ hết. Mọi khó khăn thiếu thốn trong trại giam không làm Dung nản lòng.
Dung rất tự tin và tràn đầy hy vọng thổ lộ: “Lỗi lầm của Dung bị pháp luật trừng trị là đáng lắm. Trong trại Dung mới hiểu hết những hậu quả do mình gây nên nhưng ân hận thì cũng muộn rồi. Giờ đây mục tiêu của Dung là cải tạo thật tốt để được cán bộ quản giáo xem xét đưa vào danh sách xét đặc xá nhân ngày 02/9 sắp tới.”
Mong muốn được trở về với xã hội là khát vọng không bao giờ nguôi trong con người từng một thời là “đại gia” như Dung. Còn nhớ, trong phiên toà xét xử vợ chồng Dung - Thà và đồng phạm, Toà án đã tuyên kê biên của hai vợ chồng Dung một tài sản kếch xù do phạm tội mà có là toàn bộ khách sạn ở Tây Hồ, Hà Nội và chiếc xe hơi Mescedes với biển số ấn tượng: 29L-3333.
Nếu không đi vào con đường phạm pháp, có lẽ giờ đây Dung đã là một con người khác. Sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần cơ bản, có bố là Hiệu phó một trường đại học, sau chuyển sang lãnh đạo một cơ quan Nhà nước với bậc lương tương đương Thứ trưởng, Dung có quá nhiều cơ hội để thành đạt.
Thuở còn là sinh viên trường Đại học Tài chính kế toán, Dung được đi học bằng xe hơi, điều mà nhiều bạn bè cùng trang lứa không bao giờ dám mơ tới. Khi là cán bộ thuộc Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính, Dung đã có cơ hội được đi ra 8 nước khác nhau trên thế giới.
Xã hội đã quá ưu đãi với Dung nhưng lòng tham trước cám dỗ của đồng tiền kiếm được quá dễ dàng đã mở cánh cửa trại giam ra trước mặt Dung. Được nghe kể về cuộc đời Dung, tôi vừa giận lại vừa thương, một tình cảm thật khó tả. Nếu mọi từ “giá như” có thể thành hiện thực thì tôi không ngần ngại “giá như”... với trường hợp của Dung.
Tôi tin trong danh sách được đặc xá nhân dịp 02/9 sắp tới có tên Dung.
Trần Đức
(Còn tiếp)