1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gắn trộm bia lên mộ liệt sĩ vô danh

Tin vào nhà ngoại cảm, nhiều gia đình đã gắn bia lên những ngôi mộ liệt sĩ vô danh ở Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên dù chưa xác định được người dưới mộ là ai.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2380/He-lo-su-that-ve-cac-nha-ngoai-cam.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Hé lộ sự thật về các “nhà ngoại cảm”</b></a>

Quản trang Lê Tắc Quyết bên một ngôi mộ vô danh vừa được gắn bia. Ảnh: HM
Quản trang Lê Tắc Quyết bên một ngôi mộ vô danh vừa được gắn bia. Ảnh: HM
 
Nghĩa trang đồi 82 là cách gọi quen thuộc của Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, Tây Ninh. Đây là nghĩa trang lớn nhất tỉnh Tây Ninh, quy tập gần 14.000 mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 6.000 mộ liệt sĩ vô danh.

Gắn bia mộ giữa đêm

Quản trang Lê Tắc Quyết dẫn chúng tôi đến khu mộ liệt sĩ vô danh. Giữa hàng ngàn ngôi mộ giống nhau tăm tắp, có nhiều ngôi mộ vừa được gắn lên những tấm bia mới, có tên tuổi, địa chỉ, ngày hy sinh của liệt sĩ.

Anh Quyết cho biết hầu hết những gia đình liệt sĩ vào Nghĩa trang đồi 82 xin gắn bia lên mộ vô danh đều từ ngoài Bắc vào. Họ thuyết phục ban quản trang hãy tin tưởng nhà ngoại cảm, cho phép liệt sĩ được “nhận lại tên”. Nhưng do không có bằng chứng xác thực, ban quản trang không chấp nhận. Vậy là ban đêm giữa nghĩa trang mênh mông, họ lặng lẽ đến “gắn trộm” bia lên mộ liệt sĩ. Các mộ liệt sĩ vô danh được (hay bị) gắn trộm bia đều với một phương thức như vậy.

Không chỉ gắn trộm bia, nhiều gia đình còn tin tưởng nhà ngoại cảm tới mức bốc trộm hài cốt của liệt sĩ mang về quê nhà. Vài năm lại xảy ra một vụ việc như vậy. Ban quản trang đã cố ngăn chặn nhưng nhiều gia đình rất kiên trì, quyết làm cho bằng được. Họ lặng lẽ bốc cốt giữa đêm khuya rồi về quê ngay sau đó.

Hầu như không mấy gia đình đặt vấn đề xét nghiệm ADN, vì họ tin tưởng tuyệt đối vào nhà ngoại cảm. Hoặc có nhà ngoại cảm chỉ dẫn: Không được nghi ngờ, không mang đi xét nghiệm, nếu không gia đình mang tội, sẽ gặp tai họa, nên các gia đình chỉ còn cách… tin tưởng vô điều kiện.

Có bao nhiêu ngôi mộ được gắn bia như vậy? Quản trang Lê Tắc Quyết lắc đầu: Chuyện này đã xảy ra nhiều năm nay, số lượng tôi không nắm hết. Giờ muốn biết rõ phải đi hết nghĩa trang đếm mới biết được.

Nỗi khổ tâm của người quản trang

Mỗi ngày ban quản trang tiếp ít nhất 10 gia đình vào tìm mộ, viếng mộ. Len lỏi giữa các hàng mộ, đến ngôi mộ vừa được gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nguỳnh (quê An Lão, Hải Phòng) gắn bia, anh Quyết bùi ngùi kể: Gia đình liệt sĩ Nguỳnh từ Hải Phòng vào Tây Ninh gần chục lần để tìm kiếm mộ, tốn kém rất nhiều. Sau cùng, gia đình nhờ đến nhà ngoại cảm và “tìm được” liệt sĩ Nguỳnh ở khu mộ vô danh trên Nghĩa trang đồi 82. Mặc cho ban quản trang động viên, giải thích, em trai của liệt sĩ Nguỳnh vẫn khóc ngất trước mộ: “Anh tôi đây rồi, giờ tôi mới gặp được anh tôi”. Một buổi sớm ra thăm mộ, ban quản trang bất ngờ thấy tấm bia mang tên liệt sĩ Nguỳnh đã được gắn lên.

Anh Quyết nói: “Chúng tôi không đành lòng gỡ những tấm bia xuống. Chúng tôi không thể làm vậy. Dù biết tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm là không chính xác nhưng trước mất mát quá to lớn của thân nhân liệt sĩ, chúng tôi không thể làm họ đau đớn thêm lần nữa”.

Mỗi khi một tấm bia mới được gắn lên, anh Quyết chỉ biết đến thắp nhang, khấn nguyện mong vong linh liệt sĩ an nghỉ.

Trong chiều 30-10, có nhiều gia đình gặp ban quản trang để được hướng dẫn tìm mộ người thân. Anh Nguyễn Quang Thân, em họ của liệt sĩ Nguyễn Quang Mùi (Hoài Đức, Hà Nội), cho biết: “Tôi đi vào Nam đã hai chuyến rồi, vất vả lắm cô ạ. Mẹ liệt sĩ Mùi đã già yếu lắm rồi, bà chỉ có nguyện vọng duy nhất là đưa được anh về. Nếu không tìm được, có lẽ tôi cũng sẽ nhờ đến nhà ngoại cảm”. Qua báo chí, anh Thân cũng hoang mang về độ tin cậy của các nhà ngoại cảm nhưng anh vẫn không từ bỏ ý định: “Có thể mình nhờ nhà ngoại cảm tìm rồi xác định ADN cho chắc chứ bà cụ 90 tuổi rồi, không đưa được anh tôi về làm sao tôi ăn nói với bà cụ”. Anh Thân và anh Quyết nhìn nhau rưng rưng.

Khi mộ liệt sĩ bị gắn sai tên…

Nhu cầu tâm linh của hàng ngàn, hàng vạn gia đình liệt sĩ, muốn tìm được hài cốt người thân đưa về an táng là nhu cầu hết sức chính đáng. Những đội quy tập hài cốt của quân đội và cơ quan chức năng nhiều năm qua đã và đang nỗ lực để đáp ứng. Tuy nhiên, nếu vì tôn trọng nhu cầu thiêng liêng ấy mà chấp nhận việc gắn bia lên các mộ vô danh khi chưa xác định được danh tính người dưới mộ, hoặc bốc trộm mộ sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho cả nhân thân liệt sĩ và xã hội.

Cho dù tìm mộ bằng ngoại cảm hay phương pháp nào đi nữa, chỉ có thể xác định chính xác danh tính người dưới mộ trên cơ sở khoa học là thử ADN.

Do tin vào nhà ngoại cảm, nhiều gia đình đã từ chối giám định. Tâm lý này vô tình tạo ra cơ hội lừa đảo cho những người có ý đồ xấu, trục lợi bằng cách phán bừa, không có cơ sở.

Chưa kể khi mộ liệt sĩ bị gắn sai tên, người ta sẽ mất cơ hội xác định nhân thân cho liệt sĩ hoặc việc xác định sẽ khó khăn hơn bởi mộ đã có người nhận. Liệu có thể vì nhu cầu tâm linh của thân nhân liệt sĩ này mà làm mất đi cơ hội tìm hài cốt người thân của các gia đình liệt sĩ khác?
 

Thượng tá Trần Trung Lương - nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, chia sẻ: “Tôi có một đồng đội tên Đạo, hy sinh ở Long An nhưng cô con gái lại nhờ nhà ngoại cảm tìm bốc mộ ở đường 9 Nam Lào. Vị trí hy sinh của đồng chí này tôi biết rất rõ nên tôi đã nói lại với gia đình. Hơn chục năm nay tôi gắn với công việc tìm mộ liệt sĩ, tôi không đồng tình với các nhà ngoại cảm vì thấy họ đã làm khổ nhiều gia đình lắm. Các gia đình liệt sĩ đã mất người, mất của nhưng cũng không nhận được đúng hài cốt người thân”.

Theo Hồng Minh

Pháp luật Tp HCM