1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Gần hết năm rồi mà trời động, gió nhiều lắm...”

(Dân trí) - Những ngày giáp Tết, không khí xuân đang tràn ngập khắp nơi, những người dân đi biển lại bận rộn, lo lắng hơn vì đây là thời gian kết thúc một năm đánh bắt, dọn dẹp thuyền, nhà cửa để đón năm mới cùng người thân.

“Nghề nào cũng có cái khó của nó. Nhưng người đi biển phải biết yêu biển, bám lấy biển mà sống. Chẳng ngại gió mưa, giá rét miễn sao nơi nào có nhiều tôm, cá, mực… là lên tàu ra khơi, đó là chuyện thường”.

Ông Lê Đình Đào chia sẻ với phóng viên.
Ông Lê Đình Đào chia sẻ với phóng viên.

Đó là tâm sự của ông Lê Đình Đào, sinh năm 1963, trú thôn Đồng Minh, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - một trong những ngư dân có thâm niên trên 30 năm lênh đênh gắn bó với sóng nước biển khơi. Vốn là con nhà ngư, sinh ra đã thấy sóng và nước, tuổi thơ của ông luôn gắn bó, làm bạn với biển.

Trong ngôi nhà cấp bốn cũ nát, đồ đạc trong nhà không có gì quý giá, ông Đào tâm sự: “Nghề đi biển cũng lắm gian nan lắm nhất là việc đi đánh bắt xa bờ, ngoài khơi xa lại càng nguy hiểm hơn. Nhiều khi gặp bão bất ngờ ập đến tính mạng mình và anh em luôn bị đe dọa. Trong năm nay, tàu tôi bị người khác dùng súng hoa cải và gạch đá tấn công, tôi bị một viên đạn xuyên qua môi vào răng...”.

Gia đình ông có 5 người con, 3 người đã lập gia đình, còn 2 em đang học lớp 10 và lớp 8. Nghề chính của gia đình là đi biển, ngoài ra không còn nghề phụ nào khác. Bà Đinh Thị Yến là vợ ở nhà chỉ phụ giúp và lo nội trợ trong gia đình.

Đã cận Tết nhưng không khí vẫn còn im ắng nơi vùng quê ven biển.
Đã cận Tết nhưng không khí vẫn còn im ắng nơi vùng quê ven biển.

“Gần hết năm rồi mà trời động, gió nhiều lắm nên không thể đi biển được. Năm hết Tết đến rồi mà gia đình vẫn chưa sắm sửa được thứ gì cho nên hồn cả. Giá cả hàng năm nay kém nhiều so với năm trước lắm. Nếu thời tiết thuận lợi thì đi biển mãi ngày 30 với quay về đất liền. Sau đấy là thu dọn những vật dụng quan trọng trên thuyền mang về nhà. Anh em tập trung sơn thuyền, làm lại tất cả chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới. Mọi công việc dọn nhà, chuẩn bị đón tết đều phải nhờ vợ và các con ở nhà làm cả. Nhiều năm thì mùng 1 tết mấy anh em đã phải đi đánh bắt”, ông Đào chia sẻ.

Còn theo bà Lê Thị Ổn, vợ ông Hoàng Văn Viên, thôn Thanh Bình, xã Hải Ninh - người đi biển lâu năm cho biết, gia đình có 3 người con thì đều đi biển cả. Đầu tiên mấy bố con chỉ đi đánh bắt ở gần bờ. Nhưng đánh bắt gần bờ lâu này nguồn cá, tôm cũng cạn kiệt nên gia đình quyết định vay mượn tiền làm một chiếc thuyền công suất lớn để đi đánh bắt xa bờ.

Thuyền của gia đình bà chủ yếu đi đánh bắt ốc và ghẹ là chính. Nhưng xuống thuyền chưa được bao lâu thì từ tháng 9 tới nay trời động, đi đánh bắt không gặp con hàng nên chẳng thu nhập được gì. Những lần đi đánh bắt ở đảo thì mất khoảng một tháng mới về được.

Cuộc sống của ngư dân ven biển còn nhiều khó khăn.
Cuộc sống của ngư dân ven biển còn nhiều khó khăn.

Cuộc sống của ngư dân ven biển còn nhiều khó khăn.
Biển động nên mọi người đều đưa thuyền về bến để nghỉ ngơi và làm lại dụng cụ đánh bắt, chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới.

“Mọi người thì mua đồ để lo đón tết, còn gia đình tôi thì đang phải đi vay tiền để trả nợ. Giờ năm hết tết đến rồi, mong sao những ngày tiếp trời yên, biển lặng để mấy anh em đi đánh bắt hôm cuối kiếm ít đồng tiền lo cho cái tết. Sau đấy để đưa thuyền về quê, chứ mấy nay trời đang động gió nên thuyền đang để trong Hà Tĩnh”, bà Ổn chia sẻ.

Nghề biển vốn vất vả và lắm gian nan, mỗi khi ngư dân bắt đầu chuyến đi biển là mẹ và vợ con ở nhà lại lo lắng. Ông Nguyễn Văn Thế, 60 tuổi ở thôn Thanh Đông, xã Hải Châu cho biết: “Từ khi 18 tuổi tôi đã đi biển rồi nên nghề biển là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hai người con trai cũng đi biển, hai người con gái thì đi làm ăn ở trong nam. Lâu nay biển động, trời rét sức khỏe ngày càng kém nên ít đi lắm”.

Ông Nguyễn Văn Thế tâm sự về cuộc sống của ngư dân những ngày cận Tết.
Ông Nguyễn Văn Thế tâm sự về cuộc sống của ngư dân những ngày cận Tết.

“Tết năm nay gia đình tôi chưa sắm được gì cả. Mới đây đi dọn thuyền, khi tới bờ đê thì bị ngã nên sưng tay và chân. Khi về chỉ uống thuốc lá cho nhanh khỏi thôi, không có tiền mua thuốc”, ông Thế chia sẻ thêm.

Phía sau những nặng nhọc, vất vả, những giọt mồ hôi giữa biển khơi mênh mông của họ là ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng, sự mong đợi một cái Tết đủ đầy hơn.

Giang Nguyễn