Gần hết hợp đồng, lao động xuất khẩu rủ nhau trốn
Những ngày này, lãnh đạo Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Sông Đà (Simco) như ngồi trên đống lửa. Tu nghiệp sinh gần kết thúc hợp đồng 2 năm làm việc tại xứ sở kim chi đồng loạt bỏ trốn khiến doanh nghiệp và cả chủ sử dụng Hàn Quốc "khóc dở, mếu dở".
Lao động bỏ trốn, doanh nghiệp khốn đốn
Ông Trần Hoàng Khánh, Phó tổng giám đốc Simco, thông báo, trong hơn 100 người kết thúc hợp đồng vào tháng 7 tới thì 35-40% đã trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Tỷ lệ này tiếp tục gia tăng bởi từ tháng 7 đến hết năm 2006, Simco có 270 tu nghiệp sinh hoàn thành hợp đồng làm việc 2 năm tại Hàn Quốc.
"Lãnh đạo công ty vừa tiếp xúc với doanh nghiệp Hàn Quốc, họ kêu nhiều lắm. Nhiều công trình đang gấp rút hoàn thành thì lao động trốn khiến công trình đình trệ. Doanh nghiệp vừa bị phạt, vừa đứng trước nguy cơ không được tiếp nhận lao động nước ngoài, trong khi họ đang rất cần", ông Khánh cho hay.
Phía doanh nghiệp đưa tu nghiệp sinh đi cũng khốn đốn vì bị mất uy tín, bị đối tác hủy đơn hàng. Bản thân Simco đã bị hủy 5 đơn hàng với khoảng 100 lao động.
Không chỉ Simco, tình trạng lao động gần hết hợp đồng rủ nhau bỏ trốn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình tu nghiệp sinh công nghiệp và tu nghiệp sinh xây dựng. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện Việt Nam có khoảng 11.000 lao động bỏ trốn. Số này cư trú và làm việc bất hợp pháp, không báo với cơ quan đại diện.
Lợi ít, rủi nhiều
Lý do thúc đẩy lao động phá vỡ hợp đồng là thu nhập. Họ sẵn sàng bỏ khoản tiền đặt cọc (chừng 50 triệu đồng), bỏ mấy tháng lương do chủ giữ vì sợ trốn (khoảng 3.000 USD). Lao động suy nghĩ đơn giản rằng nếu ở lại làm việc bất hợp pháp, với mức lương tháng 1.100-1.300 USD, họ có thể nhanh chóng gỡ lại khoản tiền đã mất.
Tuy nhiên, rủi ro của lao động làm việc bất hợp pháp rất cao. Nếu xảy ra tai nạn, hoặc do mâu thuẫn, chủ sử dụng gọi cảnh sát đến bắt thì lao động trở thành tay trắng. Đã có không ít lao động phải gánh chịu rủi ro này, song chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận. Hiện Bộ Tư pháp và Cảnh sát Hàn Quốc đẩy mạnh truy quét mạnh lao động bất hợp pháp. Nếu bị bắt, ngoài việc bị trục xuất về nước, lao động không có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
Ngoài ra, theo dự luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2006 và áp dụng từ đầu năm 2007) thì biện pháp buộc lao động bất hợp pháp về nước được coi là một biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp lao động đã bị xử phạt hành chính, nhưng không về nước thì theo điều 274 của Bộ Luật hình sự, họ có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Cơ hội cho người làm việc đúng hợp đồng
Trước tình hình tu nghiệp sinh bỏ trốn gia tăng, ngày 23/6, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Đào Công Hải đã có công văn gửi Simco thông báo chính sách nhập cư của Hàn Quốc đối với lao động nước ngoài làm việc tại quốc gia này.
Theo đó, lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, sau khi kết thúc hợp đồng về nước đúng thời hạn, được phía Hàn Quốc có nhu cầu thuê sử dụng lại, đặc biệt được chủ cũ tuyển dụng lại, thì sau từ 1 đến 6 tháng kể từ khi xuất cảnh Hàn Quốc, có thể được phép tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc. Ngoài ra, chủ sử dụng Hàn Quốc cũng được tạo điều kiện hoàn tất thủ tục nhanh chóng để sớm tiếp nhận lại lao động mà họ có nhu cầu.
Ông Trần Hoàng Khánh đánh giá, quy định này mở ra lối thoát cho tu nghiệp sinh xây dựng hoàn thành đúng hợp đồng. Từ trước đến nay, dù họ hoàn thành nghĩa vụ 2 năm, nhưng không được quay trở lại làm việc. Mặt khác, cơ hội được tuyển dụng lại của tu nghiệp sinh xây dựng hiện rất cao. "Các đối tác như Huyndai, Sambo, Eunsan, Dongbu, Jinsung... đều muốn nhận lại tu nghiệp sinh từng làm việc tại Hàn Quốc. Bởi họ được đào tạo bài bản, quen với công việc và biết chút tiếng Hàn", ông Khánh thông báo.
Theo Hồng Khánh
Vnexpress