Gần 90% bãi chôn lấp rác không đảm bảo
(Dân trí) - Hầu hết các địa phương vẫn đang sử dụng biện pháp chôn, lấp chất thải, trong đó có tới 85-90% không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Đó là báo cáo được đưa ra tại cuộc họp với các Bộ, ngành hữu quan và Ngân hàng Phát triển Việt Nam về xây dựng Đề án Chương trình đầu tư các dự án xử lý rác thải giai đoạn 2009 - 2020.
Tại đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ, cần thực hiện thí điểm dự án xử lý rác thải quy mô cấp vùng, từ đó sớm xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực trên cả nước. Phó Thủ tướng yêu cầu trong xây dựng Đề án Chương trình, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần phân kỳ để triển khai với các kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu cơ bản là tạo được cơ chế phù hợp để các dự án khả thi về tài chính, nhà đầu tư có lợi, thu hút được các nguồn vốn xã hội. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp duyệt dự án cũng như phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các dự án.
Trên thực tế hiện nay, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách và bức xúc đối với các địa phương, đặc biệt ở các đô thị, khu công nghiệp. Hiện tại, tất cả các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/1 đô thị, trong đó có tới 85-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các công nghệ xử lý rác của nước ngoài cho thấy phần lớn đều không hiệu quả vì không phù hợp với đặc thù rác thải rất phức tạp, chưa phân loại đầu nguồn ở Việt Nam.
Hiện nay, Nhà nước vẫn chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư trong nước áp dụng công nghệ xử lý rác được nghiên cứu trong nước để đầu tư xây dựng dự án xử lý rác thải đô thị. Tuy nhiên, do chi phí cho một nhà máy xử lý rác thải rất lớn, mà chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay chưa hợp lý, cách tính để nhà đầu tư thu hồi được vốn lại rất phức tạp, lòng vòng nên nhà đầu tư không mặn mà trong lĩnh vực này.
Thanh Trầm