Quảng Bình:
Gần 700 hộ dân “khát” nước sạch
(Dân trí) - Hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bao năm nay luôn than phiền vì không có nước sạch để dùng. Tình trạng “khát” nước sạch kéo dài khiến người dân khốn khổ.
Người dân lo lắng vì nguồn nước nhiễm phèn
Thôn Phù Ninh (xã Quảng Thanh) hiện có 451 hộ dân sinh sống. Trước đây, nhiều người trong thôn vẫn có thói quen dùng nước mưa vì giếng đào bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm phèn. Tuy nhiên do thời gian gần đây lượng mưa có phần hạn chế bởi thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với nguồn nước mưa chứa nhiều bụi bẩn nên nhiều người dân chủ động đào và khoan giếng thật sâu, nhưng nước vẫn đục ngầu.
Gia đình bà Ngô Thị Hồng (SN 1957) ở thôn Phù Ninh là một trong số nhiều hộ dân nơi đây có nguồn nước nhiễm phèn. Được biết, cái giếng hiện tại mà cả gia đình 5 thành viên của bà đang sử dụng bị nhiễm phèn khá nặng, mặc dù gia đình bà đã đào đi, vét lại rất nhiều lần.
Bà Hồng cho biết: “Giếng ni tui đã đào sâu tới hơn chục mét, nhưng khi múc lên nước vẫn cứ vàng hoe dù đã có lọc nước, không biết làm răng mà uống được hết. Bây giờ nước giếng chỉ dùng cho tắm, giặt còn nấu ăn thì phải đi mua nước”.
Cùng cảnh tương tự, gia đình cụ Phan Thị Tráng (70 tuổi) ở thôn Tân An đã phải đào giếng đến 4 lần ở nhiều vị trí khác nhau trong vườn nhà để tìm nguồn nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước cũng không cải thiện đáng kể.
Chúng tôi đến thử giếng nước mà cả gia đình cụ Tráng sinh hoạt nhiều năm nay. Khi lấy một xô nước đã được sàng lọc qua lớp cát bằng phương pháp thủ công mà nhiều hộ vẫn hay dùng để lọc nước, có thể thấy do nguồn nước bị nhiễm quá nhiều phèn, sau khi lọc lại nước vẫn còn mùi chua, hôi, nổi váng không đảm bảo sức khỏe và mọi sinh hoạt hằng ngày.
Nước giếng đào nhiễm phèn với đủ chất độc hại, nhưng hằng ngày một số hộ dân nghèo vì không đủ điều kiện mua nước vẫn thường dùng để ăn uống và sinh hoạt: “Dù biết nước ô nhiễm, nhưng gia đình tui cũng phải dùng phèn chua để khử mùi tanh và lớp váng dầu, sau đó mới sử dụng. Biết là nguy hại cho sức khỏe nhưng tui cũng chẳng biết làm răng, nước dùng nhiều rứa thì tiền mô mà mua cho lại… ”, cụ Tráng than phiền.
Được biết, ở 2 thôn Phù Ninh, Tân An có tất cả 681 hộ dân thì khoảng 80% số hộ có giếng nước bị nhiễm phèn, muốn có nước sạch để uống, họ phải bỏ ra 60 ngàn đồng/1 khối. Với người dân nơi đây đó là khoản tiền không nhỏ.
“Nước nhiễm phèn nghi do ảnh hưởng từ sông Gianh?”
Nằm ven trên QL 12, phía sau là sông Gianh bao bọc nên nguồn nước ngầm ở xã Quảng Thanh đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của dòng sông Gianh trải dài nằm sát khu dân cư.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Ngô Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh chia sẻ: “Do yếu tố địa lý của địa phương nằm sát sông Gianh, nên nhiều giếng nước của bà con bị nhiễm chua, phèn và cũng có thể nguồn nước sinh hoạt thải ra không có hệ thống tiêu thoát nước rồi thấm ngược trở lại mới dẫn đến tình trạng trên”.
Theo tìm hiểu, hầu như tất cả hộ dân nơi đây đều tự xây cho mình một bể chứa, phòng khi mưa xuống có nước sạch dự trữ để dùng khi cần hoặc có thể mua nước cho vào bể sử dụng. Nhưng tất cả những biện pháp trên chỉ là giải pháp tạm thời còn tương lai thì người dân luôn hy vọng chính quyền địa phương tạo điều kiện có được nguồn nước sạch lâu dài.
“Trước đây huyện Quảng Trạch cũng có một dự án cấp nước sạch cho bà con toàn huyện, xã Quảng Thanh cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên hiện tuyến nước sạch đang ưu tiên cho một số xã vùng phía Nam của huyện. Trước mắt chúng tôi cũng động viên người dân sử dụng tạm nguồn nước mưa hay khuyến khích dân mua nước để phục vụ sinh hoạt”, ông Bình cho hay.
Hoàng Phúc - Đặng Tài