1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gần 6.000 vụ tai nạn lao động năm 2007

(Dân trí) - Thống kê chưa đầy đủ năm 2007 cả nước đã xảy ra 5.951 vụ tai nạn lao động trong đó có 505 vụ tai nạn lao động làm chết người với 621 nạn nhân.

Con số trên được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại lễ khi mạc tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ năm 2008 (ATVSLĐ - PCCN) sáng nay 16/3.

So với năm 2006, tổng số vụ tại nạn lao động (TNLĐ) năm 2007 tăng 70 vụ (1,19%), số người bị nạn tăng 249 người (4,1%), số người chết tăng 85 người (15,8%), đặc biệt số người bị thương nặng tăng 1.141 người (123,5%).

Phân tích nguyên nhân của các vụ TNLĐ chết người năm 2007 cho thấy, hầu hết là do nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ của cả người lao động và người sử dụng lao động chưa cao.

Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến sức khoẻ của người lao động là bệnh nghề nghiệp của công nhân. Đó là môi trường làm việc của công nhân tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Hiện cả nước mới chỉ có 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được kiểm tra môi trường lao động trong tổng số hàng trăm nghìn các doanh nghiệp. Điều đó cũng chứng tỏ sự thiếu quan tâm đến sức khoẻ của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Trong tổng số 55.255 công nhân được đưa đi khám thì có gần 3.000 người được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp. Đến tháng 12/2007 tổng số công nhân bị mắc bệnh nghề nghiệp lên đế 23.827 trường hợp. Trong đó bệnh bụi phổi silic là gần 18.000 ca, điếc nghề nghiệp là gần 4.000 ca.

Riêng về công tác phòng chống cháy nổ, tính đến cuối năm 2007 cả nước đã xảy ra 2.628 vụ cháy. Trong đó có gần 2.000 vụ cháy xảy ra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổng thiệt hại trong các vụ cháy làm chết 43 người và bị thương gần 200 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 400 tỉ đồng.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trước hết phải lập kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, ATLĐ, VSLĐ, đến năm 2010 mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng, những cá nhân, tổ chức nào mà thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định về ATVSLĐ - PCCN thì đều bị xử lí nghiêm. Như vậy mới bảo vệ được nguồn nhân lực cho đất nước đông thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Tuấn Hợp