Gần 60 vụ án "ảo" được phát hiện như thế nào?
(Dân trí) - Một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, việc một tòa án huyện lập gần 60 vụ án "ảo" là chưa từng có trong lịch sử. Vụ việc được phát hiện từ manh mối 3 người xuất hiện trong 57 đơn kiện.
Theo đó, năm 2016, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Song thụ lý giải quyết 57 vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản do 3 người đứng tên nguyên đơn.
Ba người này gồm ông Nguyễn Tiến V. (trú xã Trường Xuân), ông Lê Hồng K. (trú xã Nam Bình) và ông Nguyễn Văn H. (trú xã Nâm N'Jang).
Toàn bộ 57 đơn kiện của 3 cá nhân trên được bà Nguyễn Thị Hồng H. (thẩm tra viên, trực phòng tiếp dân) tiếp nhận. Tuy nhiên, tất cả lần tiếp nhận này đều không ghi rõ mốc thời gian nhận đơn.
Trong đó, có 45 đơn tiếp nhận sau ngày 1/7/2016 (thời điểm Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chính thức có hiệu lực) nhưng không cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
57 đơn khởi kiện này được chuyển đến cho thẩm phán Nguyễn Xuân Triệu xem xét, xử lý. Cả 57 đơn đều được thụ lý sau khi có biên lai tạm ứng án phí do bà Bùi Thị Dung, nguyên thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song cung cấp.
Trong tổng số 57 vụ án dân sự này, ông Phạm Văn Phiếm - nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song thụ lý 8 vụ; bà Nguyễn Thị Hải Âu - nguyên Phó Chánh án, thụ lý 12 vụ; bà Bùi Thị Dung thụ lý giải quyết 20 vụ.
Điểm chung trong việc giải quyết các vụ án này là không có văn bản mời gặp, làm việc với các đương sự. Các thẩm phán được phân công giải quyết không tiến hành xác minh chứng cứ như lấy lời khai của đương sự, xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự… theo Bộ luật tố tụng hình sự.
Sau đó, căn cứ đơn xin rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, các thẩm phán trên đã ban hành 57 quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Thời điểm này, VKSND huyện Đắk Song nghi ngờ một số cán bộ TAND Huyện Đắk Song có dấu hiệu vi phạm về việc thụ lý, giải quyết một số vụ án dân sự nên đã tiến hành xác minh. Qua đó khẳng định, TAND huyện Đắk Song có dấu hiệu tự tạo lập hồ sơ vụ án.
"Quá trình xác minh, một nguyên đơn khẳng định từ trước đến nay chưa từng khởi kiện bất cứ một vụ án dân sự nào. Trong khi đó, kiểm tra rà soát tại địa phương, nhiều nguyên đơn, bị đơn khác cũng không tồn tại, tức là không tạm trú, thường trú tại địa chỉ ghi trong đơn kiện", một cán bộ huyện Đắk Song tiết lộ.
Sau quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, do bà Bùi Thị Dung muốn được tái bổ nhiệm thẩm phán nhưng tỷ lệ án hủy vượt mức quy định 1,16% nên đã tự nộp đơn khởi kiện mà không có tranh chấp thực tế.
Bà Dung tự bỏ tiền để đóng tiền tạm ứng phí, sau đó rút đơn khởi kiện nhằm nâng cao số lượng án giải quyết, giảm tỷ lệ án hủy để được tái bổ nhiệm.
Trước sự việc này, TAND tỉnh Đắk Nông kết luận "không xử lý kỷ luật" mà chỉ kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm tại cơ quan đối với Chánh án TAND huyện Đắk Song và các cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, ngay sau đó, TAND tối cao khẳng định, việc tạo lập 57 hồ sơ "ảo" này đã vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. TAND tối cao đề nghị TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, điều chuyển vị trí những cán bộ có liên quan, đảm bảo việc phòng ngừa, giáo dục theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Dân trí đã thông tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Phiếm - nguyên Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đắk Song; bà Nguyễn Thị Hải Âu - nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song và ông Nguyễn Xuân Triệu - nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song.
Theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông, trong năm 2016, cả 3 người này đã để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự mà không có đương sự, không có tranh chấp thực tế. Sau đó, 3 cá nhân trên được phân công thụ lý, trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.