1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gần 2.000 tỷ đồng tồn dư Quỹ phòng, chống thiên tai là của các địa phương

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khẳng định gần 2.000 tỷ đồng tồn dư Quỹ phòng chống thiên tai là của các địa phương. Nhiều tỉnh đã chi để ứng phó, khắc phục hậu quả bão Yagi.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão số 3 (tên gọi quốc tế là Yagi).

Theo đó, VCCI đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc chi Quỹ phòng, chống thiên tai để cứu trợ, khắc phục hậu quả của bão số 3. Đây là quỹ do doanh nghiệp và người lao động đóng góp và đến tháng 5/2023 còn kết dư gần 2.000 tỷ đồng.

Địa phương trực tiếp sử dụng quỹ phòng chống thiên tai

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc thu, chi của Quỹ phòng, chống thiên tai, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ ngoài ngân sách.

Nguồn thu của quỹ này là do các tỉnh thu của người dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các nguồn thu khác nếu có. Các tỉnh sẽ trực tiếp sử dụng quỹ để hỗ trợ cho công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai trên địa bàn. 

"Hiện nay quỹ này hoàn toàn ở các địa phương còn ở Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương chưa có đồng nào", ông Luận khẳng định. 

Gần 2.000 tỷ đồng tồn dư Quỹ phòng, chống thiên tai là của các địa phương - 1

Nhiều tàu du lịch ở Hạ Long bị chìm do bão Yagi (Ảnh: Mạnh Quân).

Vị Cục trưởng cho biết, trước đây, có những địa phương thu được nhiều tiền của Quỹ phòng, chống thiên tai nhưng lại ít xảy ra thiên tai nên tồn đọng lại.

Do đó đã có định hướng thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương để Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chuyển một phần tiền của các địa phương về quỹ trung ương và từ quỹ trung ương về địa phương.

Song mô hình hoạt động của quỹ trung ương chưa phù hợp, còn vướng mắc nên Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương đã thành lập nhưng chưa hoạt động.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Chính phủ về vấn đề trên. Chính phủ đồng ý cho sửa lại Nghị định 78 năm 2021 và sẽ trình vào quý IV năm 2024.

"Hiện tại tỉnh nào tồn dư Quỹ phòng, chống thiên tai nhiều thì thẩm quyền quyết định là của Chủ tịch UBND tỉnh. Quỹ này phục vụ ngay cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh", ông Luận nói. 

Thu, chi được quy định chặt chẽ

Theo Cục trưởng Phạm Đức Luận, mức thu đối với người dân thấp nhất là 10.000 đồng/người/năm còn đối với doanh nghiệp cao nhất không quá 100.000.000 đồng/doanh nghiệp/năm.

Trong 3 năm gần đây, mức thu không được lớn nhưng quỹ này là vô cùng quý giá khi giúp ngay cho các địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai.

Đơn cử như TP Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi.

Gần 2.000 tỷ đồng tồn dư Quỹ phòng, chống thiên tai là của các địa phương - 2

Quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) tan hoang, đổ nát bởi sức mạnh của bão Yagi (Ảnh: Ngọc Tân).

Trước khi bão Yagi đổ bộ, Hải Phòng tồn dư khoảng 70 tỷ đồng Quỹ phòng, chống thiên tai. Nhưng trong và sau bão Yagi Hải Phòng đã nhanh chóng chi khoảng 50 tỷ đồng từ quỹ này để triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục. 

Còn đối với tỉnh Lào Cai thu được ít tiền hơn do nhiều người được miễn giảm, địa phương ít doanh nghiệp nhưng ngay khi chịu ảnh hưởng của bão Yagi tỉnh này cũng đã chi tiền từ Quỹ phòng, chống thiên tai để hỗ trợ người dân.

Ông Luận khẳng định, mức thu, chi của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định rất chặt chẽ. 

Đặc biệt việc chi từ nguồn của Quỹ phòng, chống thiên tai được các địa phương sử dụng vào những công việc thiết yếu như: Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa thiên tai,...

Tiền thân của Quỹ phòng, chống thiên tai là Quỹ, phòng chống lụt bão đã có từ năm 1997. Đến nay Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương chưa hoạt động, chưa có đồng quỹ nào.

Được biết, Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương được Chính phủ thành lập theo quy định tại Nghị định 78 năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Đối với quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, do các địa phương quản lý.

Hiện quỹ Phòng chống thiên tai đã được thành lập tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đối với Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh yêu cầu bắt buộc các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trên địa bàn đóng 0,02% tổng giá trị tài sản (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng).

Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội phải đóng 1/2 mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.

Người lao động tại doanh nghiệp đóng 1/2 mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng. Người lao động khác đóng 10.000 đồng/người/năm.

Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, bão Yagi đã khiến 329 người chết và mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; hơn 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ…

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3.

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi