Gần 200 triệu đồng, dùng một lần rồi... bỏ
(Dân trí) - Đó là dự án nước sạch nông thôn ở thôn Trung Đơn, xã Hải Thành, Hải Lăng, Quảng Trị, với tổng số vốn đầu tư là 176 triệu đồng. Sau khi được đưa vào sử dụng, nhà máy chỉ vận hành một lần duy nhất rồi thôi.
Năm 1996, dự án nước sạch nông thôn do Trung tâm Nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Trị làm chủ dự án đã được triển khai xây dựng, nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt của người dân và hạn chế dịch bệnh lây lan.
Sau khi hoàn thành, công trình được đưa vào sử dụng nhưng máy chỉ vận hành một lần duy nhất. Dân chưa kịp biết nước sạch là gì thì công trình đã “về hưu sớm”. Từ đó đến nay, tiền triệu bỏ ra đầu tư theo thời gian hư hỏng hết. Nhà máy nước đóng cửa, các hệ thống - trang thiết bị bị tháo dỡ hoặc hư hỏng; bể chứa nước rạn nứt; hơn 8km đường ống dẫn nước bị người và trâu bò giẫm nát, đào lên bán phế liệu.
Ông Hồ Thanh Trà, Chủ tịch UBND xã Hải Thành, cho biết: “Nguyên nhân khiến công trình phải bỏ hoang là do máy bơm vận hành với lượng điện rất lớn, trong khi đó kinh phí của xã còn khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện địa hình ở đây không cho phép nguồn nước có thể chảy đến từng hộ gia đình”.
Công trình nước sạch nông thôn không phát huy tác dụng, nhân dân trong vùng phải đào giếng lấy nước, nhưng 100% giếng đào cũng không dùng được do nguồn nước ngọt quá khan hiếm. Những giếng đào sâu dưới 10m thì nhiễm phèn nặng, sâu trên 15m thì lại nhiễm mặn.
Năm 2006, chương trình bể lọc nước do Phần Lan tài trợ đã tiến hành xây một số bể lọc nước cho dân nhưng không mấy hiệu quả.
Một cán bộ xã cho biết: “Năm 2006 có thôn khoan gần 40 cái giếng và hơn 50 bể lọc nhưng chỉ uổng công. Có giếng khoan và bể lọc nhưng dân vẫn phải dùng nguồn nước ô nhiễm. Nhiều hộ dân phải ra sông lấy nước để dùng nhưng nước sông và nước giếng chẳng khác gì nhau”.
Do phải dùng nước không đảm bảo nên nhiều người dân trong xã bị các bệnh ngoài da và đau thận. Theo anh Lý Hữu Bính, trưởng thôn Trung Đơn, thì trong những năm gần đây số người dân trong vùng bị bệnh đau mắt, đường ruột, ghẻ lở, thận,... chiếm tỉ lệ rất cao, hơn 50%.
Trông chờ vào giếng “thần”
Trong cái nắng oi ức ngày hè, hàng trăm người dân 3 xã ra vào nhộn nhịp bên khuôn viên Trường tiểu học Hải Thành, thôn Trung Đơn để gánh nước; trong số đó có cả những người ở xã khác, sống cách đó gần chục cây số.
| |
Em Hải ngày nào cũng 2 lần đi múc nước ở giếng "thần". |
Chị Nguyễn Thị Nhạn, người dân ở thôn Trung Đơn, cho biết: “Những ngày trời nắng, đặc biệt là mùa hè như mấy ngày ni thì người đến đây lấy nước từ rất sớm, xếp hàng để lấy lần lượt”.
Tuy nhiên, chỉ có một giếng nước phục vụ tới 3 xã nên nhiều người dân không lấy được nước về dùng. Một người dân tên Hoàng Chí Tụ cho biết: “Do nguồn nước bị nhiễm phèn và mặn nghiêm trọng nên khi dùng nấu cơm thì cơm màu bầm tím, còn dùng giặt áo quần thì áo quần vàng úa, dùng để tắm thì da nổi mận ngứa. Các đồ dùng trong nhà sau khi sử dụng bị bám phải lớp cặn bả của chất phèn, lau chùi không ra. Nhiều người cho rằng, chính nguồn nước mất vệ sinh này là nguyên nhân chính xảy ra tình trạng dịch bệnh".
Trong các cuộc họp ở xã từ trước đến nay, nhiều người dân trong vùng đã bức xúc về nguồn nước sinh hoạt mất vệ sinh. Do vậy đã kiến nghị lên các cấp chính quyền sớm tìm ra giải pháp khả thi để cho người dân có nước sạch. Nhưng cho đến nay, những nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn chưa được các cấp chính quyền quan tâm.
Theo ông Trà, để công trình nước sạch nông thôn này hoạt động trở lại, cần đầu tư thêm... 400 triệu nữa. Quả là một con số khổng lồ đối với xã miền Trung này.
H.Giang - Đ.Thiện