Gần 100 nhà khoa học thế giới đến VN bàn về Biến đổi khí hậu

(Dân trí)- Từ ngày 21 - 25/3/2010, tại Đại học Quốc gia HN gần 100 nhà khoa học hàng đầu từ 25 nước trên thế giới bàn luận về biến đổi khí hậu với chủ đề: "Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu".

Đây là Hội nghị quốc tế của Uỷ ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (International Panel on Climate Change - IPCC) phối hợp với ĐH QGHN tổ chức.
 
Gần 100 nhà khoa học thế giới đến VN bàn về Biến đổi khí hậu  - 1
Các đại biểu tại hội nghị

Đây là một hội nghị quan trọng, quy tụ gần 100 nhà khoa học hàng đầu từ hơn 25 nước trên thế giới. Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề nóng bỏng, mang tính cấp bách mà những tác động của biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt các giải pháp quản lý rủi ro, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu được các nhà khoa học đặt lên bàn nghị sự.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Việc chọn Việt Nam là điểm đến của các nhà khoa học hàng đầu thế giới cho thấy mức độ quan tâm của IPCC cũng như các đối tác khác đối với Việt Nam - một nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu”.

Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, giám đốc ĐH QGHN, vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn trong nghiên cứu học thuật và những cảnh báo của các nhà khoa học về các hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn thu hút được sự chú ý của đông đảo dân chúng và đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạch định chính sách của mỗi quốc gia. Biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn nhất mang tính toàn cầu mà chúng ta và các thế hệ mai sau phải đối mặt.

Năm 1988, IPCC được thành lập bởi Tổ chức khí tượng thế giới và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc. Đây là cơ quan liên chính phủ với 194 quốc gia thành viên.

IPCC là cơ quan khoa học chịu trách nhiệm biên tập và soạn thảo các báo cáo đặc biệt với những thông tin về khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội trên toàn thế giới, tập trung vào việc hạn chế các rủi ro thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các báo cáo của IPCC được trích dẫn rộng rãi trong các cuộc tranh luận liên quan đến thay đổi khí hậu và được các quốc gia lấy làm căn cứ khoa học cho nhiều đối sách của mình.

Hồng Hạnh