1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gần 10 ngàn tỷ đồng xây dựng 7 khu xử lý chất thải rắn

(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam. Dự kiến có 21 tỉnh nằm trong phạm vi lập quy hoạch này với 7 khu xử lý liên tỉnh.

Cụ thể: Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ bao gồm 8 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng;

Vùng KTTĐ miền Trung bao gồm 5 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định;

Vùng KTTĐ phía Nam: bao gồm 8 tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Riạ-Vũng Tàu, Bình Dương. Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang.

Có 4 phương pháp được áp dụng đối với công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp; đó là: Chôn lấp áp dụng đối với các loại rác hỗn hợp có thành phần độc hại không đáng kể, khu vực có diện tích đất lớn. Chế biến phân compost áp dụng đối với khu vực có diện tích chôn lấp nhỏ và lượng CTR hữu cơ lớn;

Tái chế áp dụng đối với các loại rác còn giá trị sử dụng sau khi được xử lý về mặt kỹ thuật; Đốt áp dụng đối với loại rác có độ ẩm thấp, dễ cháy và độc hại (công nghệ này trước mắt áp dụng cho một số đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh).

Các khu xử lý chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, quỹ đất đủ lớn hoặc có khả năng mở rộng đối với các bãi có sẵn, để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cần thiết dựa trên dự báo tới năm 2020, điều kiện tự nhiên phù hợp... và sự chấp thuận của cộng đồng.

Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cấp vùng cho ba vùng kinh tế trọng điểm xác định 7 khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng 7 khu xử lý này dự kiến lên tới 9.683 tỷ đồng. 

Lan Hương