1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Gà ngoại hết thời, biến thành… gà nội

Khi người tiêu dùng không còn mặn mà với thịt gà nhập khẩu vì lý do ATVSTP, nhiều tiểu thương đã “chạy” bằng cách trộn cánh, đùi gà nhập khẩu chung với hàng trong nước; sử dụng bao bì cũ hoặc giả của các cơ sở giết mổ rồi bán với giá… gà nội.

Gần đây, do cơ quan thú y siết chặt công tác quản lý thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, nhất là các mặt hàng thịt gà, thịt heo do một số nguồn hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (nhiễm khuẩn, hàng cận đát, hết đát...) nên một số lượng khá lớn hàng hóa loại này đang tồn trong các kho lạnh.

 

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng không còn mặn mà với loại thực phẩm nhập khẩu này. Trước thực trạng này, nhiều chủ hàng tìm đủ mọi cách để tiêu thụ nhanh hàng tồn, thậm chí rã đông, đóng gói thành thịt gà trong nước để dễ tiêu thụ.

 

Vô tư ngâm nước tự rã đông

 

Hiện nay, tại nhiều khu vực chợ ngoại thành ở quận 8, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn... - TPHCM, các mặt hàng cánh, đùi, chân... gà không nhãn mác được bày bán khá nhiều. Người bán vô tư bày hàng ra mâm rồi bán cho khách. Tại chợ Nhị Thiên Đường, quận 8, chúng tôi hỏi mua 1 kg cánh gà “nóng”, người bán hàng vừa cân vừa giải thích: “chị bán toàn hàng nóng (gà của các cơ sở giết mổ trong nước) chứ không có hàng đông lạnh (hàng nhập khẩu), “bao ăn” luôn. Cánh gà nóng mới có giá 60.000 đồng/kg còn hàng đông lạnh chỉ 50.000 đồng/kg thôi”.

 

Chúng tôi thắc mắc làm sao biết được là hàng nóng hay đông lạnh? Chị ta lôi từ trong giỏ ra mớ bao bì nhựa đựng gà nhàu nhòe, ngả màu, nói: “Coi nè, bao bì có tên cơ sở giết mổ đàng hoàng!”. Khi chúng tôi mượn mớ bao bì để xem ngày sản xuất thì liền bị từ chối.

 

Gà ngoại hết thời, biến thành… gà nội  - 1

Thịt gà không có bao bì, người tiêu dùng khó phân biệt hàng trong nước hay nhập khẩu.

 

Tại khu vực kinh doanh gia cầm cũ (chủ yếu là vịt) ở cạnh Bến xe quận 8, từ 23 giờ đêm cho đến sáng hôm sau luôn tấp nập xe tải nhỏ chở gà đông lạnh “xuống hàng” cho các cơ sở kinh doanh. Người bán lẻ đến các cơ sở này lấy hàng (trung bình 1-2 thùng, 10- 15 kg/thùng), chuẩn bị sáng hôm sau mang ra chợ bán.

 

Để rã đông hoàn toàn cho đùi, cánh gà, khoảng 2 giờ sáng, người bán ngâm gà đông lạnh nhập khẩu vào các thùng nước lớn. Đến sáng, đùi, cánh gà được rã đông hoàn toàn, trông không khác gì các sản phẩm cùng loại giết mổ trong nước.

 

Anh Bé, tiểu thương chuyên bán gà tại chợ An Đông (quận 5), thừa nhận: Hiện rất nhiều tiểu thương tại các chợ, nhất là chợ tự phát đang có “chiêu” trộn cánh, đùi gà đông lạnh nhập khẩu chung với gà “nóng” để bán cho khách hàng. Còn “chiêu” sử dụng bao bì giả nhãn hiệu của các cơ sở giết mổ trong nước để bán thịt gà nhập khẩu là chuyện khá phổ biến.

 

Có cả gà thải loại

 

Thông tin từ Chi cục Thú y TPHCM cho biết hiện TP chỉ có vài cơ sở được phép rã đông thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, đóng gói để bán lẻ cho người tiêu dùng do nguồn hàng đáp ứng được quy trình rã đông bảo đảm kỹ thuật (còn lại chủ yếu là bán nguyên thùng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm).

 

Tuy nhiên, loại hàng này quy định trên bao bì phải có nhãn phụ bằng tiếng việt ghi rõ hàng đông lạnh rã đông và nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ cũng như tên nhà sản xuất, đóng gói. Thế nhưng thời gian qua, lực lượng thú y TPHCM đã phát hiện một số đơn vị tự tiện rã đông nguồn thịt gà đông lạnh nhập khẩu, đóng gói thành sản phẩm trong nước cũng như sử dụng nhãn hiệu riêng của mình để đánh lừa người tiêu dùng với giá bán cao như hàng trong nước.

 

Giới kinh doanh thịt gia cầm còn cho biết thị trường còn có cả loại gà nhập khẩu gần như nguyên con (chỉ mất đầu và chân). Đây là loại gà đẻ ở nước ngoài được thải ra. Mặt hàng này được tiêu thụ mạnh ở các quán ăn (quán phở, miến, tiệm cơm) cũng như dùng để nấu trong các đám tiệc. Do loại gà này được nuôi đẻ nhiều năm nên thịt dai như gà ta trong nước nên tiêu thụ khá mạnh...

 

Xung quanh công tác kiểm soát tình trạng gian lận trong kinh doanh mặt hàng thịt gà nhập khẩu, một cán bộ thú y cho biết: việc quản lý hàng đông lạnh phải từ gốc (tức từ các kho lạnh) còn khi hàng tung ra thị trường thì không cách nào quản lý nổi. Hàng được đưa về các cơ sở chế biến, bếp ăn tập thể thì cơ quan thú y không thể vào để kiểm tra được. Cũng không thể nào kiểm soát hết hàng bán lẻ ở các chợ do lực lượng thú y quá mỏng.

 

Dễ biến chất, nhiễm khuẩn

 

Theo bác sĩ Nguyễn Sĩ Hào, Phó Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm - Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, đối với gà đông lạnh, cần phải giữ lạnh đến khi sử dụng. Nếu rã đông bằng cách ngâm trong nước sẽ làm trôi chất dinh dưỡng trong thịt và làm thay đổi cấu trúc vật lý bên trong thớ thịt. Sau khi rã đông, nếu để ngoài không khí quá 2-3 giờ, thịt sẽ bị phân hủy và khả năng nhiễm khuẩn rất cao. Các nhà chuyên môn cũng cho biết hàng đông lạnh rã đông như cách làm của người bán ở chợ là vô cùng nguy hại, do rã đông trong nước nên thịt dễ bị nhiễm vi sinh dẫn đến thịt gà có màu tái, ở hai đầu xương có màu đỏ đen.

 

Theo N.Hải - T.Nhân

 Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm