1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

EVN có lừa người tiêu dùng giá bóng đèn compact?

Theo chương trình “1 triệu bóng đèn compact”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tuyên bố Nhà nước “hỗ trợ” 50% giá bán khi bán bóng đèn compact loại 20W cho dân - giá 25.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên thực tế, giá trúng thầu cho một bóng đèn compact chỉ tương đương 14.000 đồng...

0,9 hay 1,7 USD?

Người phản ánh sự mập mờ nói trên của EVN là ông Mai Trọng Tuấn - Tổng Giám đốc công ty TNHH Lá Xanh. Theo một nguồn tin, một nhóm cán bộ của Thanh tra Chính phủ đang làm việc với EVN và các đơn vị, cá nhân có liên quan để xác minh nội dung thư phản ánh của ông Mai Trọng Tuấn.

Trả lời về việc này, ông Trịnh Quốc Khánh - Phó ban Kinh doanh điện nông thôn của EVN - cho biết: Cuối năm 2005 và đầu năm 2006, EVN đã tổ chức 2 đợt đấu thầu để nhập khẩu 1 triệu bóng đèn compact (đợt 1 là 300.000 chiếc và đợt 2 là 2.700.000 chiếc).

Có 3 công ty tham gia đấu thầu là công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, công ty Philips Việt Nam và  Chi nhánh hãng Osram (của Đức) tại Singapore. Hãng Osram đã trúng thầu trong cả 2 đợt.

Theo như phản ánh của ông Mai Trọng Tuấn thì giá trúng thầu chỉ là 90cent (theo USD) quy ra khoảng 14.000 đồng/chiếc nhưng điều rất lạ là trong khi lãnh đạo EVN tuyên bố  trên báo chí là thực hiện chương trình này, Nhà nước hỗ trợ cho 50% giá để người dân khi mua loại bóng đèn này chỉ còn 25.000 đồng/chiếc, và sau này giảm còn 22.000 đồng/bóng thay vì phải mua giá thị trường là 50.000 đồng/chiếc (?).

Vậy thì, phần chênh lệch giữa giá trúng thầu với giá bán cho nông dân là ở đâu? Có phải EVN đã lừa người dân khi công bố giá “ưu đãi” như vậy?

Ông Trịnh Quốc Khánh không thừa nhận mức giá trúng thầu là 90 cent/chiếc mà vào khoảng 1,6 hay 1,7 USD/chiếc. Và sở dĩ, giá bán 24.000 đồng và sau này hạ còn 22.000 đồng/chiếc, rẻ khoảng 50% (so với giá bán cùng loại sản phẩm trên thị trường vào thời điểm cuối năm 2005 và đầu 2006) bán cho dân là do Chính phủ đã cho phép miễn thuế nhập khẩu loại sản phẩm này để thực hiện chương trình tiết kiệm điện do EVN đề xướng.

Giá bán 1,6-1,7 USD/chiếc là giá giao tại cảng (CIF) và EVN còn phải thêm nhiều chi phí như tiền bốc xếp, lưu kho bãi, vận chuyển, tuyên truyền, tổ chức phân phối sản phẩm... để các sản phẩm này đến tay người dân. Như vậy, giá bán 22.000 đồng hay 24.000 đồng/bóng đèn compact đã thể hiện đủ chi phí thực chứ không phải là giá đã được ưu đãi?

EVN có thể không nhập nhèm gì về tiền nong trong chuyện này nhưng tuyên bố với báo chí là mức giá ưu đãi 50% so với giá thị trường là không hợp lý và dễ gây nên sự hiểu nhầm. Trên thực tế, không ít người dân đã  hiểu nhầm là chương trình này là một chương trình ưu đãi.

Cần công khai, minh bạch hơn

Ông Đoàn Tiến Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Kinh doanh của Cty Philips Việt Nam - cho rằng, giá bán của EVN vào thời điểm cuối năm 2005 và đầu năm 2006 là mức giá “cạnh tranh” với các loại bóng compact có trên thị trường lúc đó vì thực tế, bóng đèn của hãng Osram cùng loại vào thời điểm đó, trên thị trường cũng khá cao.

Ông Dũng cho rằng EVN thực hiện chương trình này là “dở” và rất khó khăn để tiêu thụ hết số bóng đèn đã nhập khẩu. “EVN không có một chiến lược tốt khi giao số bóng đèn về cho các Sở, các công ty Điện lực ở các tỉnh và số bóng đèn trong các đợt đấu thầu này lại quay về các thành phố mà không hướng tới đối tượng là nông dân”.

Tuy nhiên, ông Trịnh Quốc Khánh lại nói, đây là một chương trình “thành công” và số bóng đèn compact trong các đợt đấu thầu trên đã tiêu thụ hết. “Từ việc thực hiện chương trình này, cùng với các đợt tuyên truyền, quảng bá sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện, đã có tác dụng lớn trong tăng mức tiêu thụ các loại bóng đèn tiết kiệm điện” - Ông Khánh nói.

Sự thật về việc EVN có nhập nhèm trong việc bán bóng đèn compact hay không, EVN có lợi ích gì khác trong việc cho rằng giá bán đến tay người dân là đã có 50% hỗ trợ của Nhà nước (trên thực tế là không có sự hỗ trợ nào cả trừ việc các lô hàng bóng đèn được miễn 50% thuế suất thuế nhập khẩu) sẽ được cơ quan chức năng (Thanh tra Chính phủ) làm rõ.

Qua đây cũng thấy, khi thực hiện một chương trình như thế này, EVN cần phải công khai hơn về thông tin: việc tổ chức đấu thầu, các tính toán về chi phí... để người dân có thể giám sát, tin rằng họ được mua bóng đèn compact có chất lượng cao, giá hợp lý.

Điều đó rất cần thiết, nhất là trong thời điểm, ngành điện có chủ trương vận động thay thế toàn bộ bóng đèn tròn bằng các loại bóng đèn tiết kiệm, có độ sáng tương đương.

Hơn nữa, trên thực tế, giá bóng đèn compact còn ở mức khá cao, nếu không để người dân biết và hiểu họ được mua bóng đèn với giá hợp lý thì việc tuyên truyền, cổ động thay bóng đèn để tiết kiệm điện sẽ mất đi tính hiệu quả.

Theo Mạnh Quân
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm