1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Em ngã chị nâng

Có những giai đoạn quá tuyệt vọng, Trúc đã nghĩ tới việc dùng thuốc độc để hai chị em cùng chết, cũng thật may là cô kịp hồi tâm. Hơn 20 năm qua, cuộc sống khắc nghiệt đã đem lại cho cô bản năng phải bảo vệ em mình trong mọi hoàn cảnh.

Tuổi thơ buồn tủi

 

Cha làm bốc xếp ở cảng, mẹ buôn bán lặt vặt kiếm cơm qua ngày, gia đình trong ký ức của Nguyễn Thị Thu Trúc là những trận cãi vã liên miên của cha mẹ. Đã thế, sau mỗi lần gây gổ, cả hai bậc sinh thành thường bỏ nhà đi đâu đó vài ngày, bỏ luôn cô con gái nhỏ không người chăm sóc. Khi Trúc được tám tuổi, mẹ sinh thêm em trai Nguyễn Hoài Thanh nhưng những mâu thuẫn của người lớn không nhờ thế mà giảm đi. Từ lúc em trai còn nhỏ xíu, Trúc đã quen với việc qua nhà hàng xóm xin thức ăn, dỗ dành chăm sóc Thanh mỗi khi ba mẹ bỏ mặc hai đứa con dại sau những cuộc cãi vã. Tới khi Thanh được hai tuổi, ba mẹ Trúc chính thức ly dị, căn nhà nhỏ tại quận 7 bị chủ nợ tìm tới xiết luôn.

 

Thương hai đứa nhỏ bơ vơ, người cô ruột đón các cháu về chung sống, nhưng gia cảnh vợ chồng cô và bốn người con cũng rất khó khăn bởi chỉ dựa vào việc buôn bán lặt vặt tại chợ Tân Thuận (quận 7). Trúc cho biết, nơi sinh hoạt của tám con người là khu nhà vệ sinh trong chợ, đêm xuống mọi người ngủ trên những tấm phản bán hàng vì gia đình người cô không thuê nổi một mái nhà. Hai đứa trẻ thiếu bàn tay chăm sóc cứ thế lớn lên như những hòn đá lăn lóc, tự ăn tự chơi lấm lem bùn đất từ sáng tới chiều. Không có tiền để học trường công, may mà chị em Trúc được nhận vào học miễn phí tại ngôi trường tình thương Ánh Linh gần đó, thời gian còn lại thì phụ buôn bán và làm những việc lặt vặt cho gia đình người cô. Đến năm học lớp 10, Trúc đã kiếm sống bằng nghề phụ hồ, chở xà bần thuê và làm bất cứ công việc nặng nhọc nào cô tìm được, miễn có tiền nuôi em.
 
Thử thách khắc nghiệt

 

Thử thách khắc nghiệt

 

Trúc tâm sự, cô luôn động viên em cố gắng học hành để hướng tới tương lai dù không ít lần Thanh đòi nghỉ học đi làm. Lo em bị bạn bè xấu lôi kéo, mỗi khi Thanh đi đâu về trễ một chút là cô đứng ngồi không yên. Vậy mà định mệnh chưa buông tha chị em cô. Cô nhớ lại: “Mười giờ đêm 7/3/2011 vẫn chưa thấy Thanh đi học về, tôi có cảm giác bồn chồn bất an rất khó tả nhưng không dám gọi điện, sợ em trai nghe điện thoại ngoài đường dễ gặp tai nạn… Khi nghe tin Thanh bị xe đụng, tôi chạy vội ra hiện trường, chân còn không kịp mang dép…”

 

Một người đàn ông say xỉn chạy xe máy với tốc độ cao từ trong hẻm đã đâm ngang sườn xe Thanh, hất cậu ngã văng khỏi xe, bất tỉnh tại chỗ. Đưa Thanh tới bệnh viện cấp cứu, cả gia đình người cô của Trúc dồn hết tiền bạc lại cũng chỉ đủ trả cho chi phí may vết rách trên đầu em. Người cô phải điện thoại khắp nơi vay nóng tiền mua thuốc cho cháu với cam kết bán hết tài sản hiện có để trả nợ trong thời gian nhanh nhất, còn Trúc cũng đôn đáo chạy vạy vòng quanh cầu cứu. Ba tháng ròng Thanh vật lộn với thần chết trong phòng hồi sức cấp cứu, Trúc dọn luôn vào bệnh viện để tiện chăm sóc em. Đêm đến, cô trải chiếu nằm ngủ ngay dưới nền giường bệnh, xin cơm chay từ thiện qua bữa để dành tất cả tiền chạy vạy được lo chi phí điều trị cho em. Sau ba tháng, cô muốn ngã gục khi bác sĩ cho biết Thanh bị gãy đốt sống C5-C6 dẫn tới liệt tứ chi, không thể hồi phục.

 

“Tôi luôn tin vào luật nhân quả, nên khi mình nhận được lòng tốt từ người khác, thì cũng nên tìm cách trả lại cho những hoàn cảnh bất hạnh”.

Mặc dù Thanh còn rất yếu, nhưng vì tiền bạc đã kiệt quệ nên Trúc đành đưa em về lại nhà người cô. Từ ngày Thanh gặp nạn, mọi việc chăm sóc ngày ba bữa ăn tới vệ sinh cá nhân, tập các động tác vật lý trị liệu cho em đều một tay cô làm, cô chưa một lần dám rời em đi chơi cùng bạn bè dù chỉ ít phút vì sợ em có việc cần tới mình. Vừa chăm sóc em, Trúc còn tranh thủ đi vớt rau muống ngoài sông bán, chạy xe ôm… để có chi phí duy trì cuộc sống hai chị em. Nhưng điều làm cô đau lòng nhất là Thanh không chịu chấp nhận mình đã là người tàn tật, nhiều lần cậu tuyệt thực để mong được chết, mặc chị hết lời động viên. Trúc thổ lộ, nhiều lúc chính bản thân cô cũng tuyệt vọng, nhưng không khi nào dám thể hiện trước mặt em hay bất cứ ai khác.

 

Còn đó những phép mầu

 

Cơ may đến với chị em Trúc khi có một số nhà từ thiện của tổ chức Maison Change tìm tới tận nhà, nhận trợ giúp cho cả hai chị em đúng vào thời điểm thuốc men điều trị cho Thanh đã hết, tiền mua thức ăn cũng không biết trông vào đâu. Tuy vậy, phải sau rất nhiều thời gian tìm hiểu, cân nhắc Trúc mới đồng ý nhận trợ giúp vì lo người xấu sẽ lợi dụng sự tàn tật của em mình.

 

Từ ngày được nhận vào ngôi nhà May mắn của tổ chức Maison Change hồi tháng 10/2012 tới nay, Thanh được điều trị vật lý trị liệu hàng ngày và theo học một lớp vi tính dành cho người khuyết tật, từ từ cậu cũng thoát khỏi suy nghĩ bi quan, còn Trúc được bố trí một công việc để vừa có thời gian chăm sóc em, vừa có thêm thu nhập.

 

Cô chia sẻ: “Tôi vẫn giữ cuốn sổ có ghi chi tiết thông tin về những người hảo tâm đã giúp đỡ chị em tôi trong lúc nguy nan, để mong có ngày đền đáp. Tôi đang dự định theo học một khoá huấn luyện vật lý trị liệu để tập cho Thanh cũng như những người đồng cảnh ngộ khác. Tôi luôn tin vào luật nhân quả, khi mình nhận được lòng tốt từ người khác, thì cũng nên tìm cách trả lại cho những hoàn cảnh bất hạnh…”

 

Theo Hương Vũ
 Sài Gòn tiếp thị