1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Em gái bán gạo trả lại ví tiền nhặt được

(Dân trí) - Nhà nghèo, phải nghỉ học sớm đi bán gạo nhưng khi nhặt được chiếc ví với gần 3 triệu đồng tiền mặt, 3 thẻ ATM và nhiều giấy tờ giá trị, em Nguyễn Thị Thùy đã trả lại cho người bị mất.

Chiều 17/5, mua xong đậu phụ tại chợ Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội), Thùy lên xe đạp định về thì nhìn thấy một chiếc ví màu trắng nằm dưới đất. Thấy chiếc ví dày, Thùy nhặt lên kiểm tra trong ví có nhiều tiền mặt và giấy tờ.
 
Em gái bán gạo trả lại ví tiền nhặt được - 1
Em Nguyễn Thị Thùy và mẹ bên hàng gạo ở góc vỉa hè. (Ảnh: Hoài Nam).

Thùy lập tức đưa số điện thoại, địa chỉ của mình cho người bán rau gần chỗ chiếc ví bị rơi để người mất có thể liên lạc. Thùy về nhà nói với mẹ, hai mẹ con Thùy tìm giấy tờ trong ví để liên lạc với người bị mất nhưng không tìm thấy số điện thoại. Giấy tờ, thẻ ATM trong ví lại mang tên của nhiều người.

Hơn một giờ đồng hồ sau, hai mẹ con đang chuẩn bị viết giấy nhặt được của rơi để dán ngoài chợ thì người bị mất ví tìm đến. Người bị mất ví là chị Phan Thị Nhàn, ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai). Mẹ con Thùy trả ngay chiếc ví cho chị Nhàn.

Chị Nhàn cho biết, trong ví có gần 3 triệu tiền mặt, 3 thẻ ATM có tổng số tiền trong tài khoản trên 20 triệu đồng và nhiều giấy tờ quan trọng. Chị Nhàn cảm động: “Rơi ví ở chợ gần một tiếng sau tôi mới quay lại tìm, đinh ninh là đã mất rồi nhưng thật may mắn…”. Chị Nhàn có ý muốn gửi tặng mẹ con Thùy một khoản tiền nhưng mẹ con Thùy nhất quyết không chịu nhận.

Em Nguyễn Thị Thùy 18 tuổi, quê ở thôn Nam Dương, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Gia đình khó khăn, Thùy phải nghỉ học sớm đi bán gạo cùng mẹ. Hàng gạo mẹ con Thùy được bày bán ở góc vỉa hè trước ngõ 117 Vương Thừa Vũ.

Nhiều người dân quanh đó cho hay, trước đó mẹ con Thùy đã nhiều lần nhặt được ví người khác đánh rơi, có lần cả chục triệu đồng nhưng lần nào họ cũng tìm bằng được người bị mất để trả lại. Chị Đinh Thị Tỉnh, mẹ Thùy, bộc bạch: “Nhà mình nghèo, 1.000 đồng của mình làm ra cũng quý nhưng không bao giờ lấy của ai một đồng”.

 Hoài Nam