"Em đi bán lì xì để mua đôi giày mới..."
(Dân trí) - Tết với những đứa trẻ này không phải là thời gian để nghỉ ngơi. Xếp tạm sách vở, chúng tỏa ra các khu chợ trong thành phố, bán những món đồ phục vụ tết, ki cóp từng đồng bạc lẻ phụ giúp bố mẹ.
Dạo quanh thành phố Vinh (Nghệ An) ngày cuối cùng trong năm, các khu chợ vẫn tấp nập kẻ bán người mua. Ai cũng cố gắng mua cho gia đình những vật dụng tối cần thiết trước thềm năm mới. “Mua bao lì xì cho em đi chị, em bán rẻ cho, 3.000 đồng một chục”, tiếng cô bé cất lên giữa dòng người nườm nượp níu chân tôi lại. Ngân - 12 tuổi nhỏ thó bê cái mẹt rải những phong bao lì xì đỏ chót chìa đến tận mặt khách mời chào.
“Em học lớp 6 Trường THCS Lê Mao (TP Vinh). Ngày Tết em xin bố mẹ 100 ngàn đồng mua phong bao lì xì ra chợ Vinh bán kiếm lời nhưng mấy bữa nay nhiều người bán quá nên hàng ế. Chị mua hộ em đi, bình thường em bán 5.000 đồng nhưng giờ chỉ bán 3.000 đồng thôi”, Ngân buồn rầu nói. “Bán mấy ngày rồi thế lãi có nhiều không?”, tôi hỏi. Cô bé hất mớ tóc lòa xòa trước mặt trả lời: “Có lãi chứ, nhưng mới được hơn 5 chục nghìn thôi chị. Em xin bố mẹ đi chợ bán để kiếm tiền mua đôi giày đi Tết đó. Nhưng mà 50 nghìn không mua được giày mô, bố hứa sẽ bù cho em rồi. Chiều bố sẽ đưa em đi mua giày mới đấy”.
Cũng như Ngân, muốn kiếm ít tiền để tự mình mua sắm vật dụng yêu thích, trước cổng chợ Vinh có chừng gần 10 đứa trẻ bán phong bao lì xì. Chúng đặt hàng trong những chiếc mẹt hay chiếc rổ con rồi mang tới mời chào từng người khách vào chợ. Những đứa trẻ già trước tuổi và sớm lo toan ấy mời chào một cách lịch sự thế nhưng mẹt hàng của chúng vẫn đầy ắp. Nhiều giấc mơ nhỏ nhoi thành ra dở dang, ví như đôi giày của bé Ngân vậy.
Trước cổng chợ Ga, tôi chú ý đến một thằng bé vẫn trong bộ đồng phục học sinh với đôi tay đầy nhựa cây. Hoàng - tên cậu bé, 12 tuổi quê ở xã Nghi Liên (Tp Vinh). Nhà Hoàng vốn có truyền thống trồng cây cảnh và cây lộc. Ngày Tết, cả nhà đổ xô ra đường để bán hàng. Cậu bé Hoàng cũng được phân công 2 bó cây lộc ra bán tại chợ Ga. Cậu bé đen nhẻm ấy cứ lăng xăng chạy chỗ này, chỗ kia ngắm nghía một tý, lúc nào có khách đến lại chạy về chỗ bán của mình. “Bố mẹ bán ở đường 3-2, anh trai bận ôn thi đại học nên em ra đây bán phụ bố mẹ cho kịp, nếu bán không hết thì ra Tết lộc cũng phải vứt đi, phí công chăm sóc của bố mẹ lắm”, Hoàng cho biết.
Hiếu phụ mẹ bán hoa tại chợ Ga chỉ mong nhà thật giàu để mẹ không còn phải vất vả sớm tối
Những lúc rảnh rỗi, Hoàng lại chạy sang hàng hoa, nơi cậu bé Hiếu - 8 tuổi, ra phụ giúp mẹ bán hàng. Chị Xuân - mẹ Hiếu cho biết: “Tết nhất, được nghỉ học, ở nhà cũng không biết làm gì nên cho cu Hiếu ra đây phụ mẹ một chút. Con nhà nghèo, phải chịu khó thôi”. Mặc dù là năm đầu tiên giúp mẹ bán hàng nhưng xem ra Hiếu khá thành thạo trong việc giúp khách lựa hoa, gói thành từng bó rồi thu tiền. Những lúc mỏi chân quá, Hiếu ngồi thụp xuống cái chõng kê hoa của mẹ rồi gọi Hoàng sang. Hai đứa bé rủ rỉ huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời rồi lại cười rinh rích. “Em ước nhà em thật là giàu để mẹ không phải đi bán hoa như thế này nữa”, Hiếu thỏ thẻ.
Dọc các tuyến đường của thành phố Huế trong những ngày này cũng không khó để bắt gặp những em bé đi bán bao lì xì, bán hoa dạo, sung, dừa hay vé số…
Em Dương Văn May, trú ở phường Phú Hậu tâm sự: “Năm nào cũng thế, bắt đầu từ 23 tháng Chạp là em cùng mấy đứa trong xóm đi bán bao lì xì. Mặc dù đi bộ hơi mệt những trung bình mỗi ngày bọn em cũng kiếm được 30.000- 40.000 đồng lận đó”.
Còn em Hồng thì cho biết: “Năm nay mẹ em lấy thêm hơn 200.000 đồng hoa giấy Thanh Tiên, ông Công, ông Táo, bánh in để cho hai chị em em bán. Nếu bán được thì hai đứa em cũng lời hơn 100.000 đồng phụ giúp gia đình nữa”.
Đi bán dừa cúng tết
Nhiều bé gái bán ốc phóng sinh bên chân cầu Gia Hội
Phụ mẹ bán cau trầu cuối năm
Em Dương Văn May đang mời khách mua bao lì xì
Hoàng Lam - Nguyễn Dũng - Đại Dương