1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Duyệt” chức danh Tổng thư ký Quốc hội

(Dân trí) - Với 432 đại biểu cho “phiếu thuận” (tương đương 86,92% tổng số đại biểu), Quốc hội vừa thông qua Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ chính thức được trao nhận chức danh mới - Tổng Thư ký Quốc hội từ 1/1/2015 tới.

Sẽ có chức danh Tổng Thư ký Quốc hội từ 1/1/2015 (Ảnh: Minh Thanh)


Sẽ có chức danh Tổng Thư ký Quốc hội từ 1/1/2015 (Ảnh: Minh Thanh)
Dự thảo luật tổ chức Quốc hội lần chỉnh sửa cuối cùng để trình Quốc hội thông qua nêu rõ nội dung quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12, Điều 13).

Bác bỏ các ý kiến đề xuất không quy định về lấy phiếu tín nhiệm hoặc nhập cả quy định về lấy phiếu vào quy định bỏ phiếu, coi như đó là một bước thăm dò, tạo cơ sở cho việc bỏ phiếu, UB Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, điều khoản quy định này là cần thiết.

Lấy phiếu tín nhiệm, theo đó, về thực chất là một trong những phương thức để tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội đối với người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, đây cũng là một bước chuẩn bị cho việc thực hiện quyền bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp.

Mặt khác, thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội thực hiện và có kết quả tốt, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, đánh giá cao.

UB Thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu, quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được chỉnh lý rõ ràng, dễ hiểu hơn, bảo đảm tính thống nhất và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội (Điều 22), UB Thường vụ Quốc hội nhận định, đại biểu Quốc hội là chủ thể quan trọng nên việc quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội trong Luật này là phù hợp. Đây không chỉ là tiêu chuẩn để cử tri xem xét, đánh giá khi bầu một người làm đại biểu Quốc hội mà các tiêu chuẩn này cần được tiếp tục duy trì, bảo đảm trong suốt nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội, để đại biểu tự mình trau dồi, rèn luyện, đồng thời, là cơ sở để Quốc hội hoặc cử tri xem xét, nhận xét đối với từng đại biểu Quốc hội. 

Với ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung thuộc tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn về trình độ, kinh nghiệm công tác... cơ quan giải trình đã tiếp thu, chỉnh lý lại Điều 22 như dự thảo Luật để quy định cụ thể, rõ ràng và chính xác hơn về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. 

Với ý kiến đề nghị quy định cao hơn về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chất lượng của đại biểu, kể cả đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội dù chuyên trách hay kiêm nhiệm đều có chung tiêu chuẩn theo quy định của luật.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách không có tiêu chuẩn riêng, khác biệt với đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm; có khác chăng là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội.

Do vậy quy định về nội dung này vẫn được giữ nguyên để đưa ra Quốc hội biểu quyết quyết định. Trên cơ sở đó, căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể mà UB Thường vụ Quốc hội quyết định đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của mỗi khóa Quốc hội.

Về chức danh Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, các ý kiến đều cơ bản tán thành với quy định về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Có ý kiến đề nghị làm rõ vị trí, vai trò Tổng thư ký Quốc hội, quy định Tổng thư ký là đại biểu Quốc hội hoặc không phải là đại biểu Quốc hội, do Quốc hội phê chuẩn,... Cũng có ý kiến đề nghị không quy định Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý phân tích, trong điều kiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay thì việc quy định về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội như Điều 98 và Điều 99 của dự thảo Luật là phù hợp. Do vậy, xin đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như quy định trong dự thảo Luật.

Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ 1/1/2015 tới.

 Không buộc đại biểu biểu quyết bằng hình thức giơ tay

Đối với ý kiến đề nghị Quốc hội phải thực hiện biểu quyết bằng hình thức giơ tay để cử tri, người dân cả nước biết rõ chính kiến của từng đại biểu, UB Thường vụ Quốc hội lập luận, Quốc hội chỉ có hai hình thức biểu quyết tại phiên họp toàn thể là biểu quyết bằng bỏ phiếu kín và biểu quyết công khai, còn việc thực hiện bằng giơ tay hay bằng hệ thống điện tử chỉ là cách thức thực hiện.

Vì vậy, quy định này (khoản 2 Điều 96) đã được chỉnh lý hướng Quốc hội quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết là biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm