1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thừa Thiên Huế:

Đường vào khu di tích lầy lội như... ao bùn

(Dân trí) - Nhiều năm nay, tuyến đường vào khu di tích lăng mộ Đặng Huy Trứ và lăng mộ Danh nhân Đặng Văn Hòa thuộc địa phận thôn Hiền Sĩ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn là con đường đất gập ghềnh, gây khó khăn cho việc đi lại, nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng và trở thành nỗi lo lắng của người dân địa phương khi ngang qua đoạn đường này, đặc biệt là vào mùa mưa.

Có mặt tại đoạn đường trên, mặc dù trời nắng, nhưng chúng tôi chứng kiến cả con đường dường như bị phá nát, cá biệt có đoạn vẫn lầy lội như ao bùn đúng nghĩa. Ở đoạn khác, dù khô ráo hơn, nhưng cũng đầy “ổ voi, ổ trâu”, chỉ có hai lõng nhỏ hai bên để dành cho việc đi lại của cư dân trong vùng. Nhìn những chiếc xe gắn máy phóng qua lại, người lái vẹo vọ người để giữ thăng bằng thật chẳng khác nào đang "làm xiếc"...

Chị Đỗ Thị Nguyệt, người dân địa phương, cho biết: “Các anh về là trời nắng, mặt đường còn kha khá nhiều đấy, còn cứ trời mưa, dù chỉ một trận nhỏ là mặt đường lập tức chuyển nhão như cháo, đất bùn đỏ bám chặt lấy bánh xe, khiến việc đi lại của người dân chúng tôi khổ sở vô cùng. Mong muốn tha thiết của bà con chỉ là sớm nâng cấp những đoạn đường lầy lội”.

Nhiều ổ trâu ổ voi tại đường vào khu di tích lăng mộ Đặng Huy Trứ ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nhiều ổ trâu ổ voi tại đường vào khu di tích lăng mộ Đặng Huy Trứ ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

“Di tích gì mà đường vào thì lậy lội nhưng không thấy tu sửa, đường như vậy nên không ai muốn vô thăm…” - Bà Trần Thị Hường, một người dân sống gần đây bức xúc.

Hơn nữa, đây không chỉ đơn thuần là con đường vào khu di tích lăng mộ Đặng Huy Trứ và lăng mộ Danh nhân Đặng Văn Hòa, mà đây cũng chính là con đường độc nhất vào khu vực sản xuất nông nghiệp của nhân dân 2 thôn Hiền Sĩ và Đông Dạ của xã Phong Sơn.

Một xe máy cố gắng vượt qua đoạn đường cực hình
Một xe máy cố gắng vượt qua đoạn đường "cực hình"

Bảng chỉ dẫn vào khu di tích
Bảng chỉ dẫn vào khu di tích

Tại đây, khu vực sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã Nam Sơn rộng hơn 70 ha, với gần 250 hộ đang trồng lúa, lạc, bắp… ở 3 cánh đồng: Tân Quang, Bù và Đồng Đờn. Do việc đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên giá trị các loại nông sản mà người dân trồng ở khu vực này thấp hơn ở những khu vực thuận lợi khoảng 20 - 25%. Người dân thôn Hiền Sĩ đã nhiều lần kiến nghị về việc đầu tư nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng.

“Tôi có ruộng đất ở khu vực cánh đồng Tân Quang nên hầu như ngày nào cũng phải đi xe máy vào thăm nom. Nhiều hôm đất nhão khiến bánh xe quay không nổi, còn chuyện “vồ ếch”, quần áo lấm lem là như cơm bữa. Chúng tôi chỉ mong có con đường đàng hoàng hơn để đi lại” - ông Hoàng Ngoc Vinh, nông dân sản xuất ở Hợp tác xã này bộc bạch.

Người dân phải dắt xe đi bộ vào chứ rất khó khăn để chạy được
Người dân phải dắt xe đi bộ vào chứ rất khó khăn để chạy được

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Nam Sơn, cho biết: “Việc đường lầy lội mà bà con xã viên phản ánh là có thật, nhất là sau mỗi trận mưa, đường sẽ lập tức lầy lội nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho giao thông đi lại. Hơn nữa, sắp tới người dân ở đây vào mùa thu hoạch lúa, lạc, bắp… nhưng đường sá như vậy rất dễ bị tư thương ép giá, kéo theo đời sống nông dân ngày càng khó khăn. Điều mong mỏi nhất của người dân là được nâng cấp tuyến đường vào khu vực sản xuất”.

Trước tình trạng trên, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng đề nghị được nâng cấp con đường, nhưng cho đến nay con đường đẹp với người dân dường như vẫn chỉ là mơ và mỗi ngày đi lại hiện với họ tiếp tục là một “cực hình".

Người dân mong mỏi nhà nước sẽ đầu tư một con đường vào đây cho đỡ nhọc nhằn
Người dân mong mỏi nhà nước sẽ đầu tư một con đường vào đây cho đỡ nhọc nhằn

Ông Hoàng Ngọc Mua, Trưởng thôn Hiền Sĩ, cho biết: “Vì điều kiện ngân sách của địa phương hạn hẹp nên cũng chỉ khắc phục tạm thời và sau mỗi trận mưa thì đâu lại vào đó. Điều đáng nói là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường này đã khiến bà con khó khăn trong việc vận chuyển nông sản, điều này đã làm giảm sụt kinh tế của thôn trầm trọng”.

Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc để có sự trùng tu, tôn tạo kịp thời, qua đó lưu giữ được những giá trị lịch sử to lớn và cũng là để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau về di tích lịch sử cách mạng. Đồng thời, giúp bà con nhân dân có con đường để họ đi lại thuận tiện hơn, từ đó họ yên tâm sản xuất, đảm bảo cuộc sống.

Tiến Dũng – Đ.Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm