Nghệ An:
Đường trăm tỷ 4 năm "đi" được... 7km
(Dân trí) - Người dân không chịu giải tỏa mặt bằng vì đền bù chưa thỏa đáng. Trong khi đó chính quyền địa phương lại cho rằng do năng lực thi công của nhà thầu kém dẫn đến việc 4 năm chỉ mới hoàn thành chưa được 1 nửa con đường trị giá 117 tỷ đồng.
Dự án đường nối từ đường mòn Hồ Chí Minh qua xã Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) vào xã vùng sâu Phú Sơn có chiều dài 18km với tổng vốn đầu tư 117 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Dự án này khi hoàn thành sẽ giảm khoảng cách giữa các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Kỳ với trung tâm huyện. Đây cũng là con đường vận chuyển nguyên liệu mía cho Công ty mía đường Sông Con.
Đường được khởi công từ ngày 11/6/2009, thời gian hoàn thành là 820 ngày. Trước đó, vào tháng 10/2009, mặt bằng đã được chính quyền các địa phương có đường chạy qua bàn giao cho đơn vị thi công. Thế nhưng sau gần 4 năm triển khai, tới nay dự án mới hoàn thành được 7km, chưa bằng một nửa tổng chiều dài con đường. Trong khi đó, nếu tính về mặt thời gian, công trình này đã chậm so với dự kiến 1 năm trời.
Ngày 31/10/2012, chúng tôi có mặt tại công trường thi công con đường trị giá 117 tỷ đồng này. Từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào, đoạn đi qua xóm 12 xã Nghĩa Hành đã được rải nhựa chừng hơn 1km. Tiếp đó là một đoạn đường đất bụi tung mù mịt mỗi khi có xe chạy qua. Những chiếc cầu có chiều dài 30m (cầu trung) đang được thi công dở dang. Mỗi điểm thi công chỉ có lèo tèo vài công nhân làm việc cầm chừng. Đi sâu vào phía trong, một đoạn đường cũng đã được rải nhựa, một toán công nhân đang… rải đá gia cố lại đoạn đã thi công.
Tại cầu Phú Sơn, ngoài trụ bên trái sông Con đã được đổ, lởm chởm những cọc thép chọc thẳng lên trời, hai nhịp cầu đứng chơ vơ thì hầu như công trường này không có hoạt động gì đáng kể. Hàng loạt máy móc cũng nằm im bất động, trong khi đó người dân xã Phú Sơn vẫn ngày ngày trả tiền để được đi đò qua sông Con nếu muốn lên huyện.
Anh Nguyễn Văn Phú (xã Phú Sơn) ngán ngẩm: “Ngày người ta tổ chức khởi công xây dựng cầu dân chúng tôi mừng lắm. Từ nay sẽ thoát cảnh đi đò nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Thế nhưng không hiểu sao đã hơn 3 năm trôi qua, cầu vẫn chưa thấy đâu cả. Ngay cả 2 cái cột trụ lớn này người ta cũng chỉ mới hoàn thành cách đây chừng nửa năm. Xây xong rồi cũng bỏ đó, không thấy động tĩnh gì nữa. Tình hình này chắc phải dăm bảy năm nữa dân chúng tôi mới có cầu mà đi. Phía bên Nghĩa Hành đường đất nham nhở nhưng dù sao còn dễ đi chứ phía bên kia sông, đoạn thuộc địa phận xã Phú Sơn thì dân khổ hết chỗ nói. Ngày mưa, bùn lầy ngập ngụa đến tận đầu gối”.
Năng lực nhà thầu kém
Để thực hiện dự án này, có gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng về đất đai, tài sản hoặc phải di dời để nhường đất cho dự án. Thế nhưng tính tới thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất. Theo ông Đinh Xuân Lãm - cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Tân Kỳ - thì hiện có 9 hộ dân nhận tiền đền bù nhưng không chịu bàn giao mặt bằng và có đơn khiếu nại lên huyện, lên tỉnh vì cho rằng giá đền bù các loại đất đai, công trình kiến trúc, hoa màu… chưa phù hợp, quá thấp. Một số hộ dân khác đã nhận tiền đền bù, không có đơn thư khiếu kiện nhưng lại ngăn cản, không cho nhà thầu thi công.
“Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công trình chậm tiến độ. Các đoàn thanh tra của huyện, của tỉnh cũng đã vào cuộc và khẳng định việc áp giá đền bù là đúng theo quy định trong bảng giá đền bù của UBND tỉnh ban hành. Trong thời gian tới, nếu các hộ vẫn nhất quyết không chịu bàn giao mặt bằng, huyện sẽ tổ chức lực lượng bảo vệ thi công”, ông Lãm cho hay.
Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thăng Long (xóm 4, xã Nghĩa Hành, Tân Kỳ) cho biết: “Con đường mới “ăn” vào tận bậc thềm, cột quyết của nhà tôi. Mới chỉ đổ nền đường mà các của kính đã bị nứt vỡ, tường bị nứt, nếu tiến hành đầm nền đường thì còn hư hỏng nhiều nữa. Theo quy định thì các công trình bị ảnh hưởng trực tiếp và phá dỡ một phần để nhường đất thi công thì phải đường bồi thường toàn bộ căn nhà nhưng họ vẫn nhất quyết không bồi thường. Nếu không đồng ý bồi thường cả căn nhà thì tôi yêu cầu bên thi công phải cam kết trong quá trình làm đường sẽ không làm hư hỏng nhà cửa. Chúng tôi không muốn làm khó đơn vị thi công nhưng quyền lợi của người dân phải được đảm bảo”.
Bên cạnh lý do thời tiết thì nguyên nhân quan trọng nhất khiến con đường trăm tỷ này chậm tiến độ, theo ông Đinh Xuân Lãm là do năng lực nhà thầu yếu. Dự án được chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu số 1 do liên doanh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Constrexim số 16 (Constrexim 16) và Công ty CP Xây dựng giao thông 419 thực hiện. Gói thầu số 2 do liên doanh giữa Constrexim 16 và Công ty Cp Xây dựng Minh Sáng thực hiện.
“Trong quá trình thi công, các nhà thầu chỉ thi công cầm chừng rồi bỏ bê. Tính tới thời điểm này phần nền đường đã thực hiện được 90%, 7km đã được rải nhựa. Cầu Phú Sơn mới triển khai được 39 cọc nhồi, thi công 1 mấu và 3 trụ cầu. Các nhà thầu cũng mới chỉ thi công được 3/4 cầu trung. Vừa qua, do năng lực thi công của nhà thầu yếu, không chịu triển khai thi công nên UBND huyện Tân Kỳ đã trình UBND tỉnh Nghệ An cắt 2km của gói thầu số 2 thuộc trách nhiệm thi công của Constrexim 16 cho Công ty CP xây dựng Minh Sáng”, ông Lãm cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Vương Đình Lập - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ rất kiên quyết: “Các đơn vị thi công còn lại nếu thi công kém chúng tôi cũng sẽ cắt tiếp”.
“Để đẩy nhanh tiến độ thi công đường vào Phú Sơn, UBND huyện yêu cầu các nhà thầu thi công các đoạn đường không có vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Cứ 200m trở lên không vướng mắc là phải thi công, không chờ đợi nữa. Trong khi các nhà thầu thi công, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục làm việc với các hộ còn vướng mắc. Thời gian từ nay tới ngày 31/12/2012, nếu các hộ trên vẫn không chấp nhận phương án đền bù UBND huyện sẽ tổ chức bảo vệ thi công”, ông Vi Văn Quang - Phó Ban quản lý dự án huyện Tân Kỳ cho biết.
Hoàng Lam