Hà Tĩnh:

Đường Hồ Chí Minh "kêu cứu"!

(Dân trí) - Hành lang, những dãy ta luy đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh đang bị người dân ngang nhiên chiếm dụng, "băm nát". Thực trạng này khiến giao thông trên tuyến đường bị đe dọa nghiêm trọng.

Hành lang, taluy bị "băm nát", đường Hồ Chí Minh kêu cứu.

 

"Băm nát" ta luy

Đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận Hà Tĩnh có chiều dài hàng chục km, không khó để nhận ra thực trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông ở mức báo động trên nhiều lý trình. Về mặt pháp lý, để tháo gỡ các dãy taluy kiên cố, chắc chắn bảo vệ các tuyến quốc lộ, các địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, trước khi được Bộ GTVT mà đơn vị thực thi là Cục đường bộ Việt Nam chấp thuận. Thế nhưng, quy định trên đã bị người dân, doanh nghiệp tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh phớt lờ.

Sai phạm nhiều nhất là tại các xã Phúc Đồng, Hòa Hải thuộc huyện Hương Khê. Bất chấp pháp luật, bất chấp những hiểm nguy, người dân tại các địa phương trên đã ngang nhiên “xẻo” ta luy an toàn để tạo lối đi.

Chỉ tính riêng tại khu vực quanh KM815 địa phận xã Phúc Đồng, đã có hơn chục điểm ta luy bị người dân xẻ ngang, tạo lối đi cho trâu bò hay đấu nối với các cơ sở kinh doanh.


Một hộ dân tại Phúc Đồng ngang nhiên xẻo ta luy, chiếm dụng luôn hành lang ATGT trên đường Hồ Chí Minh.

Một hộ dân tại Phúc Đồng ngang nhiên "xẻo" ta luy, chiếm dụng luôn hành lang ATGT trên đường Hồ Chí Minh.

 

Không chỉ ngang nhiên phá ta luy đường, người dân tại các huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê còn ngang nhiên chiếm dụng hành lang an toàn giao thông để sản xuất, kinh doanh.

Thực trạng nêu trên đã khiến nhiều cung đường vốn đã nguy hiểm lại càng nguy hiểm hơn, không chỉ do hàng loạt công trình, vật liệu xây dựng buôn bán che khuất tầm nhìn của các chủ phương tiện tham gia giao thông, mà do sự nguy hiểm của các phương tiện ra vào “ăn” hàng trên các điểm kinh doanh chiếm dụng trái phép gây ra.

“Chúng tôi chạy qua cung đường này gần như hằng ngày. Đi qua đoạn đường xã Phúc Đồng, Hòa Hải này, ban ngày cũng như ban đêm đều rất nguy hiểm. Cây cối nhiều chỗ um tùm, đã thế hành lang bị chiếm dụng, nhiều công trình của người dân mọc lên che khuất tầm nhìn. Nguy hiểm hơn, bờ ta luy bị xẻ chi chít nhiều chỗ. Ngoài đường dân sinh chung, người dân còn ngang nhiên xẻ ta luy cho trâu bò đi lại, làm đường vào cơ sở kinh doanh, vào nhà ở, khiến tài xế khi nào cũng nơm nớp lo sợ có xe, trâu bò chạy tạt ngang. Nếu không cẩn thận tai nạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào”- anh B.N.T, tài xế của một tập đoàn vận tải chuyên chở thạch cao từ Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) ra Ninh Bình bức xúc.

 


Một dãy ta luy vừa bị xẻo, phục vụ buôn bán vật liệu xây dựng. Theo nhiều tài xế, việc các xe vận tải ra vào những điểm như thế này khiến nguy cơ tai nạn tăng cao.

Một dãy ta luy vừa bị "xẻo", phục vụ buôn bán vật liệu xây dựng. Theo nhiều tài xế, việc các xe vận tải ra vào những điểm như thế này khiến nguy cơ tai nạn tăng cao.

 

Nhiều cán bộ tại xã Phúc Đồng, Hương Bình, Hòa Hải  huyện Hương Khê xác nhận, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phương đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn, trong đó có những vụ tai nạn chết người rất thương tâm do thực trạng đường mất an toàn.

Đường "kêu cứu", đơn vị quản lý vẫn bình thản

Sáng ngày 9/11, PV Dân trí đã liên lạc với ông Thuận - Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ 496 (thuộc Công ty Cổ phần 496, Cienco 4, đơn vị được giao quản lý tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Hà Tĩnh) về thực trạng đáng lo ngại nêu trên.

Điều 7, Chương II, Quyết định số 38/2004/QĐ-BGTVT nêu rõ: “Các đơn vị quản lý, sửa chữa đường bộ trực thuộc Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thanh tra giao thông đường bộ để bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ”.

Nhận phản ánh từ phóng viên, vị hạt trưởng này lại bình thản trả lời: “Người dân có vi phạm nhưng chỉ lẻ tẻ vài điểm thôi”.

Vị Hạt trưởng này cho rằng, để xảy ra thực trạng trên là do Ban ATGT tỉnh, chính quyền các địa phương làm không nghiêm, trong khi đơn vị không có chức năng xử lý. “Chúng tôi không có chức năng xử lý mà chỉ thực hiện kiểm tra, phát hiện sai phạm thì lập văn bản báo cáo chính quyền địa phương xử lý”- ông Thuận nói.

Có vẻ như người đứng đầu đơn vị quản lý đường bộ vừa không nắm được thực trạng hành lang an toàn giao thông bị chiếm dụng, tài sản nhà nước bị phá hoại; vừa thiếu trách nhiệm với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Văn Dũng - Huy Thái