1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Được xã tiếp tay, cát tặc mặc sức "đại náo"

(Dân trí) - Không được cấp phép khai thác cát, nhưng mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tấp nập ra vào xóm Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chở cát ra khỏi địa bàn.

Khai thác vô tội vạ

Từ những thông tin tình trạng mua bán, vận chuyển cát một cách vô tội vạ, gây nhiều bức xúc cho người dân xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, hơn một tháng qua nhóm PV Dân trí đã vào cuộc. Những tưởng ảnh hưởng của cơn bão số 10 sẽ khiến nạn khai thác cát ở đây sẽ tạm lắng, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Đầu nậu "làm gỏi" bãi cát rộng lớn ở xóm Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh
 
Liên tục trong hai ngày 6, 7/10, có mặt tại xóm Tân Văn, xã Thạch Văn với vai người mua cát đổ nền nhà, chúng tôi giật mình trước vấn nạn khai thác cát vô tội vạ ở xã Thạch Văn. “Anh mua cát phải không? Số lượng nhiều không? Có xe vận chuyển chưa? Mua bao nhiêu ở đây bọn tui cũng cấp hết. Giá cả anh đi hỏi một vòng thì biết, ở đây rẻ hơn nhiều. Cứ tính toán cho kỹ rồi làm việc với bên đây. Tiền trả trực tiếp, không cần hóa đơn giấy tờ chi mô” – một thanh niên phụ trách khai thác chào mời.
 
Một bảo vệ canh gác bãi cát cho đầu nậu
Một bảo vệ canh gác bãi cát cho đầu nậu
 
Hình ảnh cho thấy bãi cát của đầu nậu đang được mở rộng
 
Hình ảnh cho thấy bãi cát của đầu nậu đang được mở rộng
 
Đi một vòng, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khai thác cát lậu ở xóm Tân Văn rất rầm rộ. Do mưa, cát lún, đầu nậu đã phải cho chặt cây, lát đường để cho xe ô tô ra vào ăn hàng. Nhiều thanh niên được đầu nậu thuê để bảo vệ an ninh, thậm chí là hỗ trợ các nhà xe nếu xe chở quá tải mắc lầy giữa con đường cát.
 
Nơi nào có cát, cát đẹp là những chiếc máy xúc đều ghé thăm. Mỗi ngày có hàng trăm chuyến ô tô lần lượt ra vào lấy cát rồi nhanh chóng rời đi. Tình trạng này diễn ra suốt nhiều tháng qua đã khiến cả một vùng cát rộng lớn, bằng phẳng - vốn được Tổng công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) sàng tuyển lấy quặng ti tan để lại – bị đào bới, xới tung.  
Có hàng trăm chuyến xe như thế này vào mua cát của đầu nậu mỗi ngày
Có hàng trăm chuyến xe như thế này vào mua cát của đầu nậu mỗi ngày
 
Đi sâu vào những khu vực những máy xúc đã “ghé qua”, hiện trường khai thác cát mà đầu nậu để lại còn "thảm" hơn với rất nhiều hố cát sâu, nguy hiểm. Nhiều hồ sau cơn bão số 10 mới đây đã đầy nước tạo nên những cái bẫy chết người. Chỉ một sơ sảy nhỏ cũng có thể gây những tai nạn đau lòng. 
 
Chưa hết, những kẻ hám lợi ở đây còn lia cả gàu máy ngay ở những khu vực vốn là hành lang an toàn của tuyến đường ven biển rất tốn kém vốn vừa được thi công. Đã có rất nhiều cột mốc sụp, hoặc sắp sụp đổ trước sự tàn phá ghê gớm của những chiếc máy xúc cát như thế.
 
Có hàng trăm chuyến xe như thế này vào mua cát của đầu nậu mỗi ngày
Những hố cát sâu do đầu nậu khai thác bỏ lại. Trận bão số 10 khiến nhiều hố biến thành hồ nước hết sức nguy hiểm
 
Một cột mốc của tuyến đường vừa thi công sắp sụp đổ
Một cột mốc của tuyến đường vừa thi công sắp sụp đổ

Không chỉ khiến người dân bức xúc, tình trạng cát tặc lộng hành ở xã Thạch Văn còn khiến nhà nước thất thu nặng nề. Theo tính toán của một lái xe thường xuyên mua cát lậu ở Thạch Văn, mỗi ngày có không dưới 200 lượt xe vào xóm Tân Văn vận chuyển cát ra khỏi địa bàn. Đáng chú ý, tất cả những chiếc xe ra vào mua cát ở đây đều không phải ký bất kỳ một thứ giấy, hóa đơn nào.

Xã tiếp tay cho đầu nậu

Chiều 7/10, ngay sau khi đột nhập hiện trường đầu nậu “làm gỏi” rừng cát ở xã Thạch Văn, PV Dân trí đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - để làm rõ nguyên nhân.
Bãi cát đang bị đào bới nham nhở
Bãi cát đang bị đào bới nham nhở

Ông Hương khẳng định, trên toàn 10 xã (trong đó có xã Thạch Văn) của vùng biển ngang của huyện Thạch Hà không có một xã nào nằm trong vùng quy hoạch mỏ khai thác cát được tỉnh cấp phép nên việc đầu nậu huy động máy móc, tổ chức khai thác bán cát như phản ánh là làm chui. “Không có xã nào trong 10 xã vùng biển ngang huyện Thạch Hà được tỉnh cấp phép cho khai thác cát. UBND huyện Thạch Hà cũng không ký bất kỳ xác nhận nào cho phép chính quyền xã Thạch Văn được phép bán tài nguyên. Vì thế, chắc chắn đầu nậu khai thác cát tại Thạch Văn là làm chui thôi” – ông Hương nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà đặt nghi vấn thực trạng trên có sự tiếp tay của chính quyền xã Thạch Văn. “Trước đây chúng tôi có nghe UBND xã Thạch Văn báo cáo là xã tạo điều kiện cho người dân khai thác một ít để phục vụ cho phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn. Nhưng đợt cứng hóa giao thông trong xã đã kết thúc từ lâu, có thể lợi dụng vào chủ trương này mà chính quyền xã đã tổ chức cho đầu nậu đấu thầu để thu lợi” – ông Hương đặt nghi vấn.
Một số nơi mồ mã của người dân đã sụp đổ
Một số mồ mả của người dân cũng bị sụp đổ 

Qua tìm hiểu được biết, từ tháng 4/2013, sau khi đợt cứng hóa giao thông nông thôn kết thúc, chính quyền xã Thạch Văn không đóng cửa mỏ cát mà âm thầm cho một đầu nậu có tên Hoàng Bá Sơn, trú ngay tại xóm Tân Văn đấu thầu mỏ cát nói trên. Chính quyền xã Thạch Văn chỉ ước lượng số lượng cát rồi bàn giao, để cho ông Sơn mặc sức khai thác.

Được xã bật đèn xanh, nhiều tháng qua ông Sơn đã huy động máy móc, thanh niên trong xã tổ chức khai thác, cấp bán trái phép cát một cách vô tội vạ. Cảnh khai thác, mua bán cát ở đây diễn ra công khai, không có hóa đơn chứng từ, không lực lượng an ninh bảo vệ. Giá mỗi khối cát đầu nậu bán ngang cho các con buôn là 35.000 đồng/m3, cao gấp gần 2 lần UBND xã Thạch Văn cho đầu nậu Hoàng Bá Sơn.
Một số nơi mồ mã của người dân đã sụp đổ

Việc chính quyền xã Thạch Văn qua mặt các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh, cho đầu nậu khai thác cát đã những bãi cát ở xóm Tân Văn đang bị “làm gỏi” một cách không thương tiếc.

Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin vụ việc này.
Văn Dũng - Thái Tấn