Dược phẩm giả được tham nhũng “mở đường”
(Dân trí) - Tất cả các loại dược phẩm đều phải đi qua cửa kiểm nghiệm, kiểm duyệt, cấp phép của cơ quan chuyên trách mới được đưa ra thị trường. Các vụ điều tra cho thấy dược phẩm giả, kém chất lượng đều liên quan chặt chẽ đến tham nhũng.
Thuốc điều trị ung thư bị làm giả nhiều nhất tại châu Á
Theo Interpol, dược phẩm giả, kém chất lượng đang hoành hành khắp thế giới và đây là mặt hàng siêu lợi nhuận, chỉ đứng sau buôn bán vũ khí và ma túy. Do đó, đứng đằng sau mạng lưới buôn bán dược phẩm giả là những đường dây đầy quyền lực và hùng mạnh. Hiện những tổ chức tội phạm nguy hiểm cũng đang tham gia vào hoạt động buôn bán liên quan đến công nghệ sinh học này.
Đại diện Interpol tại Việt Nam cho biết, trong đợt chiến chiến dịch truy quét dược phẩm giả tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện rất nhiều thuốc giả (chủ yếu tại TPHCM). Đáng chú ý có nhiều loại mẫu giống nhau nhưng chất lượng không giống như công bố.
Trao đổi với báo chí tại Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 đang diễn ra, bà Aline Plancon, trưởng bộ phận Phòng chống tội phạm dược phẩm và làm giả các sản phẩm y tế cho biết, Interpol đã từng phát hiện hàng chục tấn dược phẩm giả, kém chất lượng không cần đi qua con đường buôn lậu mà được nhập chính thống vào các quốc gia.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí liên quan đến chủng loại dược phẩm giả, kém chất lượng, bà Aline Plancon cho hay: “Tất cả các loại dược phẩm từ nổi tiếng đến vô danh đều bị làm giả cực kỳ tinh vi, rất khó phân biệt. Đặc biệt tại châu Á, loại dược phẩm bị làm giả nhiều nhất hiện nay là những biệt dược phục vụ điều trị, phòng chống bệnh ung thư, rất đắt tiền. Bên cạnh đó, các loại dược phẩm dùng trong điều trị liên quan các bệnh về thần kinh, tiêu hóa, làm đẹp và cả thuốc tránh thai… luôn là mặt hàng bị làm giả rất nhiều”.
Bà Aline Plancon (bên phải) nhận định: Tình trạng tân dược giả đang hoàn hành tại nhiều quốc gia (Ảnh: TT).
Cũng theo bà Aline Plancon, thống kê cho thấy, trung bình mỗi quốc gia thường cấp phép vào thị trường 15-20 nghìn loại tân dược. Trong một cuộc khảo sát mới đây thực hiện tại 81 quốc gia trong vòng 1 tuần, cơ quan điều tra đã phát hiện có đến 200 loại thuốc bị làm giả đang được tiêu thụ trên thị trường.
“Hàng chục tấn dược phẩm giả đã được phát hiện tại châu Á, châu Phi và nhiều châu lục khác. Thực tế cho thấy, nếu không có sự cộng tác của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế thì rất khó khăn và việc phòng chống tệ nạn dược phẩm giả khó có thể thành công”- bà Aline Plancon nhấn mạnh.
Trong khi đó, hiện các công cụ của Internet đang được các tổ chức làm dược phẩm giả đặc biệt quan tâm và lợi dụng triệt để. Nhiều tổ hoạt động buôn bán, môi giới tân dược giả xuyên quốc gia đã có thể dễ dàng diễn ra; chỉ cần ngồi nhà tội phạm cũng có thể tổ chức buôn bán và tổ chức tới nhiều mạng lưới phân phối hàng giả ở nhiều quốc gia.
Tội phạm công nghệ cao: Hiểm họa của mọi quốc gia
Cũng trong khuôn khổ của Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80, ông Khoo Boon Hu, Chủ tịch Interpol, đưa ra cảnh báo: tội phạm công nghệ cao là mối nguy hại trên toàn thế giới, đang phát triển với quy mô lớn, ngày càng phức tạp và ảnh hưởng lớn. Đối với các quốc gia đang phát triển, việc sử dụng Internet ngày càng phổ biến, do vậy tội phạm công nghệ cao, tội phạm internet ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với diễn biến phức tạp hiện nay, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Tôi phạm công nghệ cao là vấn đề nóng tại Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần này. (Ảnh: TT)
Theo ông Hui, tội phạm công nghệ cao được xác định là một trong nhiều thách thức mới nổi, gây thiệt hại cho thế giới 400 tỷ USD mỗi năm, lớn hơn cả số tiền mà tội phạm có được từ ma túy. Số liệu của Interpol cho thấy, cứ 14 giây lại có một nạn nhân của loại tội phạm này, tính bình quân hàng ngày có 1 triệu người là nạn nhân của loại tội phạm công nghệ cao. Giải quyết vấn đề, ông Ronald K.Noble, Tổng thư ký Interpol, khẳng định: việc hợp tác giữa các nước là thành viên của Interpol là hết sức quan trọng và chỉ có thể ứng phó tội phạm công nghệ cao, tội phạm internet bằng cách nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang nhìn nhận, hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng sự chênh lệch về trình độ các nước để gây tội ác có hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc tăng cường phối hợp, hợp tác và đào tạo tập huấn chuyên sâu cho lực lượng cảnh sát giữa các nước thành viên của Interpol trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, buôn bán người, công nghệ cao... sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực hơn.
P. Thanh