1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dừng thí điểm chế định thừa phát lại để nhà nước không phải chi tiền

(Dân trí) - Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng sau 8 năm thí điểm với số tiền ngân sách nhà nước chi ra khoảng 73 tỷ, đã đến lúc phải dừng thí điểm chế định thừa phát lại để triển khai mở rộng và nhà nước không phải chi tiền nữa.

 

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM).
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM).

 

Thảo luận tại hội trường về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 36 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại sáng nay 20/11, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) cho biết thừa phát lại là chế định “mới nhưng không mới” vì có ở miền Bắc trước năm 1950 và ở miền Nam năm 1975, nhưng là mới vì có thời gian dài gián đoạn, thừa phát lại đã được Quốc hội cho phép thí điểm trước tại TPHCM sau đó mở rộng ra 12 tỉnh thành phố.

Tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 văn phòng thừa phát lại với phạm vi hành nghề cho phép là tống đạt, lập vi bằng xác minh điều kiện thi hành án dân sự, cưỡng chế thi hành án dân sự.

Đến nay thừa phát lại đã tống đạt gần 1 triệu văn bản, trong đó có 800 ngàn văn bản của tòa án và 200 ngàn văn bản của cơ quan thi hành án dân sự; hỗ trợ tích cực cho tòa án và cơ quan thi hành án dân sự giảm được công việc mang tính sự vụ, thủ tục để tập trung nhân lực vào nhiệm vụ chính.

Với nhiệm vụ lập vi bằng, các văn phòng thừa phát lại đã lập gần 43.000 vi bằng theo yêu cầu của người dân, thu gần 59 tỷ. Nội dung lập vi bằng khá phong phú như ghi nhận các hành vi thực hiện giao dịch, thỏa thuận mô tả hiện trạng tài sản, nhà cửa ghi nhận lời khai của người làm chứng, ghi nhận sự kiện cuộc họp diễn ra của công ty, ghi nhận hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ...

“Việc lập vi bằng đã góp bổ sung nguồn chứng cứ giúp cho các bên đương sự bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình hạn chế tranh chấp đồng thời giúp cơ quan tài phán xét xử, xem xét vụ việc khách quan đúng pháp luật”- ông Lập nói.

Ông Lập dẫn chứng chuyện xây dựng nhà cửa gây nứt nhà kế bên thì người dân có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng. Vi bằng đó có giá trị cho việc phân xử đền bù cho bên thiệt hại.

“Tôi đề nghị thừa phát lại chỉ có phạm vi hoạt động trong 3 lĩnh vực là tống đạt, lập vi bằng và xác minh điều kiện thi án dân sự. Tôi đồng ý với Ủy ban Tư pháp, không tán thành quy định thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng. Bởi nếu văn phòng thừa phát lại, một chế định dưới hình thức công ty, huy động lực lượng chuyên chính để phong tỏa, khấu trừ tài khoản thu nhập của người phải thi hành án là không phù hợp. Nếu cưỡng chế giao nhà, người bị cưỡng chế nhảy lầu, tự thiêu, ai chịu trách nhiệm ?”- ông Lập nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại đề nghị phải cho thừa phát lại tham gia vào thi hành án dân sự.

“Có nhiều vụ thi hành có thể đi đến cưỡng chế nhưng nếu thừa phát lại tham gia, họ xác minh anh có điều kiện, thuyết phục đôi bên, có thể đi tới việc thi hành không cần cưỡng chế. Quá trình đó chúng ta không nên loại trừ”- ông Lịch bày tỏ.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị việc lập vi bằng chỉ có thừa phát lại làm.

“Một số đại biểu nói để nhà nước, nhưng thử mời phường, xã đến xem thế nào. Sửa nhà, sửa cửa cần ba bề, bốn bên ký tên, lên tổ trưởng phải nộp 800.000, 1 triệu mới ký, 2-3 ngày sau mới ký, đi ăn đám giỗ về mới ký. Chuyện mời nhà nước xuống là chuyện không có thực tế. Xin thưa, việc lập vi bằng là rất cần thiết và đây là dịch vụ tư”-ông Nghĩa nói.

 

Đại biểu Phạm Xuân Thường.
Đại biểu Phạm Xuân Thường.

 

Trong khi đó, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phản ánh, quá trình thực hiện thí điểm cho thấy thừa phát lại đang sống chủ yếu bằng việc lập vi bằng và “dòng sữa” chính là nguồn ngân sách mà Nhà nước.

“Quan điểm của tôi là khi chúng ta đã xã hội hóa thì rõ ràng nhà nước phải giảm đi được biên chế, giảm kinh phí. Ví dụ, thừa phát lại thực hiện nhiệm vụ của tòa án, của thi hành án, trước đây mỗi một cán bộ thi hành án 1 năm chi khoảng 120 triệu, tức là mỗi tháng 10 triệu thì bây giờ có hoạt động của thừa phát lại thì chúng ta giảm tiền chi cho hoạt động của tòa án. 120 triệu trước đây cho một biên chế thì bây giờ chúng ta phải giảm được ít nhất 70 triệu - 80 triệu. Chúng ta chi cao hơn số này thì cũng không ổn và không phù hợp với xã hội hóa”- ông Thường phân tích.

Ông Thường cho rằng sau thời gian thí điểm 8 năm với số lượng tiền ngân sách nhà nước chi ra khoảng 73 tỷ, đã đến lúc phải dừng thí điểm để triển mở rộng trên phạm vi cả nước.

“Tôi rất nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường trong buổi thẩm tra, đã xã hội hóa và chúng ta chấm dứt thí điểm thì đương nhiên nhà nước không chi tiền nữa. Các văn phòng thừa phát lại phải tự lo cho mình kinh phí để trang trải. Giữa tòa án, giữa cơ quan thi hành án với các văn phòng thừa phát lại, đơn vị nào làm tốt, làm rẻ thì tòa án ký hợp đồng để thực hiện, còn đơn vị làm không tốt thì tòa án không ký”- ông nói.

Thế Kha