1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Dừng ô tô cạnh đường sắt gây tai nạn có thể bị xử phạt như thế nào?

Trần Thanh

(Dân trí) - Theo luật sư, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô dừng đỗ xe không đúng quy định cạnh đường sắt gây tai nạn giao thông, có thể bị phạt tiền 10-12 triệu đồng.

Thời gian qua, có một số trường hợp người dân dừng, đỗ ô tô sát đường ray tàu hỏa, dẫn tới xảy ra những vụ va chạm đáng tiếc làm thiệt hại về người và tài sản.

Dừng, đỗ xe cách đường ray tàu hỏa bao nhiêu mét?

Khi tham gia giao thông hoặc dừng đỗ phương tiện gần đường ray tàu hỏa, người dân phải tuân thủ, chấp hành như thế nào (khoảng cách, vị trí dừng đỗ phương tiện an toàn) so với đường ray tàu hỏa, để đảm bảo an toàn?

Dừng ô tô cạnh đường sắt gây tai nạn có thể bị xử phạt như thế nào? - 1

Hiện trường một vụ va chạm giữa ô tô và tàu hỏa, khi ô tô dừng, đỗ quá sát đường ray tàu hỏa (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Đối với các trường hợp vi phạm, gây ra hậu quả như tai nạn chết người, thiệt hại về tài sản, thì pháp luật có hình thức xử lý gì không?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhấn mạnh, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải tuyệt đối chấp hành các quy định của luật an toàn giao thông đường bộ và các quy tắc khác có liên quan nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn xảy ra.

Cụ thể, về việc đỗ phương tiện giao thông đường bộ gần khu vực đường ray tàu hỏa tại Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên, và được xác định như sau:

- Đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị người dân phải dừng đỗ cách 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m. Ngoài ra, đối với đường sắt tốc độ cao, lực lượng chức năng phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép.

- Đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3m.

Như vậy, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 18 luật giao thông đường bộ năm 2008. Việc dừng, đỗ xe phải đảm bảo các khoảng cách an toàn như các quy định pháp luật đã viện dẫn nêu trên.

Dừng ô tô cạnh đường sắt gây tai nạn bị xử phạt như thế nào?

Luật sư Lê Quốc Nghĩa, Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết căn cứ điểm k khoản 4 Điều 18 luật giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại vị trí "trong phạm vi an toàn của đường sắt".

Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.

Theo luật sư Nghĩa, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô có hành vi dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt thì có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Dừng ô tô cạnh đường sắt gây tai nạn có thể bị xử phạt như thế nào? - 2

Chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt từ 3-15m (Ảnh minh họa).

Trường hợp người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô có hành vi dừng xe, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông có thể bị phạt tiền 10-12 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, trường hợp người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể bị phạt tù lên tới 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.