1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Đừng nghĩ cơ quan chống tham nhũng không có tham nhũng”

“Hành chính rườm rà, quan liêu chính là cơ sở cho cán bộ hạch sách, nhũng nhiễu dân. Rồi công tác giáo dục, quản lý cán bộ nữa, ai cũng biết, cũng hiểu nhưng tham nhũng vẫn xảy ra”, tân Phó tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình nói với báo giới sáng 23/5.

Chúng ta đã nói nhiều đến chống tham nhũng, nhưng thực tế vẫn chưa có biến chuyển. Với tư cách là người vừa được giao nhiệm vụ thanh tra Nhà nước, ông đánh giá thế nào về tình hình tham nhũng?

 

Tham nhũng ở đâu cũng có, nước giàu có, nước nghèo cũng có. Nói vậy không phải để biện minh nhưng phải thừa nhận đây là căn bệnh không chỉ ở Việt Nam. Chống tham nhũng chỉ hiệu quả khi nó là công việc của cả một thể chế, một hệ thống chính trị chứ không phải riêng một cơ quan nào.

 

Nói đi nói lại cũng quay về công tác cải cách hành chính. Hành chính rườm rà, nhũng nhiễu chính là cơ sở cho cho cán bộ hạch sách, nhũng nhiễu. Tôi cho rằng, vấn đề hàng đầu là phân tích vì sao nơi đó xảy ra tham nhũng nhiều, giải pháp nào để xử lý nó... Từ đó, nhận diện được bức tranh toàn cảnh về chống tham nhũng của cả nước, rồi đề xuất những giải pháp, lộ trình, bước đi cụ thể và thích hợp.

 

Nhưng ngay trong ngành thanh tra đã xảy ra hàng loạt vụ tham nhũng, thậm chí có tổ chức điển hình là vụ thanh tra tỉnh Nam Định nhận hối lộ. Ông sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

 

Tham nhũng không trừ bất cứ ai, ngay cả trong nội bộ ngành mà không cảnh giác thì cũng dễ bị lắm. Cho nên đừng nghĩ rằng thanh tra là cơ quan chống tham nhũng mà không có tham nhũng. Chỉ cần mình đặt 1 chân hay nửa chân, đồng tình với việc đó thì có khi mọi việc thay đổi. Bản thân cơ quan thanh tra phải gương mẫu, cần được giáo dục, chỉnh đốn để khi ra quân thì đủ sức làm được những việc khó khăn.

 

Khi tôi còn phụ trách cơ quan thanh tra TPHCM, có nhiều cán bộ rất tốt nhưng cũng có người vi phạm khuyết điểm. Nhận thức tốt là sức đề kháng cho mỗi người, chế tài tốt thì giảm bớt phát sinh tiêu cực. TPHCM từng đề ra giải pháp, một thanh tra viên khi xác minh hồ sơ xong mà đề xuất trình UBND thành phố ký quyết định sai, không chuẩn 2 lần trở lên thì đề nghị thay đổi công tác, thậm chí cho nghỉ. Áp dụng như vậy thì thanh tra viên nếu có "cái gì đó" thì cũng phải dè dặt hơn...

 

Có ý kiến cho rằng công tác chống tham nhũng của chúng ta chưa hiệu quả vì cơ quan thanh tra còn dè dặt, kết luận thanh tra không chỉ đích danh ai tham ô để có thể chuyển sang cơ quan điều tra truy tố ngay. Ông nghĩ thế nào?

 

Chống tham nhũng chủ yếu là phòng, phòng tốt là khắc phục tốt, còn khắc phục hậu quả là cần thiết thôi. Tập trung khắc phục hậu quả mà không có biện pháp phòng thì không thành công. Tôi nói rồi, phải có chính sách, nghiên cứu từ bên trong để xử lý thì hay hơn nhiều. Dự án Luật phòng chống tham nhũng đưa ra nhiều biện pháp, nhấn mạnh việc “phòng” tham nhũng, đề cao vấn đề công khai cả chế độ và chính sách. Việc TPHCM tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cũng nhằm mục đích này.

 

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng: "Tôi biết cử tri rất sốt ruột trước nạn tham nhũng nhưng cuộc chiến này chỉ hiệu quả khi tất cả các cơ quan, ban ngành vào cuộc.

 

Nhiều cán bộ hô chống tham nhũng nhưng hãy xem lại ngay tại đơn vị mình đã dám đấu tranh với tệ nạn này chưa?

 

Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật phòng chống tham nhũng làm cơ sở răn đe, xử lý quốc nạn này".

Chính phủ vừa có Nghị định giao cho Thanh tra Chính phủ làm đầu mối trong cuộc chiến chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ sẽ đảm nhiệm công việc thế nào khi với công việc hiện nay cơ quan này đã quá tải?

 

Một cơ quan làm đầu mối theo dõi thì cũng cần nhưng đừng vì tuyệt đối hóa mà tất cả mọi thứ dồn vào đấy, bắt Thanh tra Chính phủ giải quyết tất cả thì không kham nổi đâu. Thanh tra Chính phủ chỉ làm thường trực, theo dõi, đề xuất với lãnh đạo, điều hành guồng máy chung chống tham nhũng.

 

Nhiều ý kiến vẫn ủng hộ việc thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thuộc Quốc hội. Ông nghĩ sao?

 

Cần một ban thường trực chống tham nhũng. Và từ đó có sự tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan: Đảng, nhà nước, đoàn thể, mặt trận... Nếu có ban chỉ đạo mà ban chỉ đạo làm hết mọi việc thì không được. Ban chỉ đạo chỉ giúp việc bằng tổng hợp và kiến nghị...

 

Khi thảo luận về lập cơ quan chuyên trách, nhiều đại biểu lo là Ban chỉ đạo chống tham nhũng cũng giống như các ban chỉ đạo khác hoạt động thiếu hiệu quả. Nhận xét như thế không chủ quan đâu mà đây chính là thực tế của các ban chỉ đạo lâu nay. Làm sao để hạn chế sự hình thức, làm gì thì làm ít nhưng chắc, quá trình thực hiện có sự sơ - tổng kết, có đề xuất.

 

Vừa qua, chúng ta có đặt ra vấn đề kê khai tài sản cán bộ nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do đâu?

 

Chủ trương Đảng và Nhà nước lâu nay về kê khai tài sản đã có rồi, đang làm và sẽ tiếp tục làm. Mỗi lần bầu cử hoặc đại hội Đảng các cấp thì cán bộ phải kê khai tài sản. Còn đặt vấn đề kê khai đã đạt yêu cầu chưa, thì tuỳ nơi tùy chỗ phụ thuộc vào lãnh đạo. Bây giờ phải định hình kê khai tài sản phải được chuẩn hóa lại, cơ quan nào kê khai, khai không đúng sẽ bị xử lý ra sao.

 

Có ý kiến đề xuất rằng, cán bộ không giải trình được tài sản của mình là hợp pháp thì phần tài sản đó sẽ được sung công?

 

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa hoàn chỉnh, làm thế nào để xác định tài sản của người ta đã có trước khi kê khai? Nhưng tôi cho rằng, chủ trương là đúng, qua thời gian chúng ta sẽ xây dựng các cơ sở pháp lý, tự hoàn thiện.

 

Theo Vnexpress